Nỗ lực của anh chàng tìm ra phương pháp chống ung thư khi mới 15 tuổi
Jack Andraka (sinh năm 1997) nổi tiếng thế giới khi tìm ra phương pháp phát hiện ung thư từ năm 15 tuổi.
Chưa từng học về ngành y trước đó, Jack Andraka (21 tuổi) đã trở thành hiện tượng và được xem là “thần đồng y học” khi nghiên cứu ra phương pháp phát hiện ung thư tuyến tụy với độ chính xác cao và chi phí rẻ bất ngờ khi mới 15 tuổi.
Năm 2012, với thành công của mình lúc đó Jack nhận được vô số lời khen ngợi và sự khâm phục của mọi người khi công trình của cậu đã giúp cho hàng trăm triệu người bệnh được phát hiện sớm và có cơ hội sống cao hơn.
Tấm gương tự học để thành công
Thay vì những cỗ máy thử nghiệm đắt tiền để thực hiện xét nghiệm, Jack đã chế ra bộ cảm biến bằng giấy giúp phát hiện ung thư tuyến tụy một cách dễ dàng.
Phương pháp của cậu đã giúp cho việc thử và phát hiện bệnh nhanh gấp 168 lần, ít tốn kém hơn 26.000 lần so với tiêu chuẩn lúc đó. Chỉ tốn 5 phút cho một lần thử, mỗi năm phương pháp này cứu sống hơ 200 triệu người.
Ngoài ra phương pháp này cũng có thể được sử dụng để phát hiện các loại ung thư khác, HIV, và bệnh lao.
Ý nghĩa hơn, với chi phí rẻ, những bệnh nhân nghèo sẽ có thêm nhiều cơ hội được chẩn đoán và điều trị sớm.
Điều đặc biệt ấn tượng là tất cả kiến thức phục vụ cho công việc nghiên cứu đều được cậu tìm hiểu qua Internet, các tài liệu online. Đó dường như là điều không tưởng đối với một bác sĩ chuyên nghiệp chứ chưa nói gì đến một cậu học sinh trung học còn chưa biết khái niệm ung thư tuyến tụy là gì.
Anh chàng trẻ tuổi là minh chứng cho việc năng lực của mỗi người là không có giới hạn. Từ một đứa trẻ không biết gì về các khái niệm khoa học, từ quá trình tự mày mò, tìm hiểu và kiên trì đọc các tài liệu trên mạng, cậu đã tạo nên một dấu ấn quan trọng của nền y học thế giới.
Trước câu hỏi “làm sao một cậu bé 15 tuổi lại làm được điều phi thường như vậy?”, cậu trả lời: “Đó là rất nhiều những nỗ lực”.
Cậu phải mất một năm để biết được kết quả sản phẩm của mình có hoạt động không, cùng với đó là vô số lần thất bại. Dù biết đó là một phần của khoa học nhưng với một đứa trẻ như cậu, vượt qua được cảm giác chán nản sau những lần như thế không phải điều dễ dàng.
Jack đã phải đọc hàng loạt những thống kê rối rắm, tài liệu về hơn 8.000 loại protein được phát hiện trong ung thư tuyến tụy, đến lần thử nghiệm thứ 4.000 cậu mới có được thành quả như mong muốn.
Mong những người trẻ như mình cũng có một cơ hội
Từng nhận 199 email từ chối trong số 200 bức thư mong muốn đưa nghiên cứu của mình vào thực tế, anh hiểu rất rõ mong muốn có được một cơ hội của những người trẻ khác. Thực tế, dù ý tưởng hay đến đâu, một đứa trẻ vô danh khó lòng rơi vào “tầm ngắm” của những chuyên gia hay các dự án lớn.
Nhận được hàng loạt danh hiệu cao quý bằng sáng chế của mình, chàng trai trẻ vẫn tiếp tục kiên trì với con đường nghiên cứu và thực hiện sứ mệnh của mình trong công cuộc chống lại căn bệnh ung thư và truyền lửa cho người trẻ.
Anh đã thành lập trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào y học mang tên mình là Andraka Technologies với mục tiêu nghiên cứu về nano-robots trong việc chẩn đoán và điều trị ung thư.
Andraka gần đây xuất bản cuốn tự truyện của mình mang tên Đột phá: Làm thế nào một người sáng tạo tuổi teen đang thay đổi thế giới. Cuốn sách này được viết chủ yếu cho trẻ em và thanh thiếu niên như một cách để khuyến khích sự quan tâm đến khoa học. Nó cũng thảo luận về một số bài học cậu đã học được trong khi phát triển xét nghiệm ung thư tuyến tụy của mình.
Bên cạnh nghiên cứu, anh cũng tích cực tham gia cùng các nhà giáo dục, quản trị viên và sinh viên để trở thành một người định hướng, ủng hộ những phát minh mới của sinh viên.
Dù vậy, anh cũng vui vẻ thừa nhận thực tế: “Sự từ chối rất khó nhưng cũng là một phần của quá trình. Khoa học là vậy, đôi khi những ý tưởng của bạn không thể thành công. Nhưng bạn phải chấp nhận điều đó mà vẫn tin vào chính mình, tự ủng hộ mình”.
Đào Phương - Zing