Cái giá cho sự Sạch của Singapore
Khoảng 200 tình nguyện viên đang làm vệ sinh xung quanh một chung cư tại Khatib - một khu dân cư nằm ở miền bắc Singapore. Những người tham gia có trẻ em, các nhân viên của một bệnh viện địa phương, thậm chí có cả một vài người cao tuổi là thành viên của một câu lạc bộ đi bộ nhanh. Sự kiện dọn vệ sinh này có vẻ thừa - khu vực được dọn dẹp đã rất sạch sẽ, và giỏ đựng rác của những người tham gia thì không hề đầy.
Tuy nhiên, đó lại là khung cảnh thường thấy ở Đảo quốc Sư tử - xứ sở dường như bị vệ sinh và sự sạch sẽ ám ảnh suốt 50 năm nay kể từ khi vị Thủ tướng đầu tiên, ông Lý Quang Diệu phát động phong trào “Giữ sạch Singapore”.
Giữa rất nhiều phong trào vệ sinh ở thời điểm đó, Giữ sạch Singapore là lần đầu tiên chính phủ nước này áp dụng hình thức phạt tiền để kiểm soát hành vi người dân. Dù vậy, nền kinh tế phát triển của Singapore dường như đã ảnh hưởng tiêu cực đến thành công ban đầu của phong trào, để rồi giờ đây Singapore dù rất sạch - nhưng là sạch theo một lí do khác với suy nghĩ của nhiều người.
Xanh và Sạch và những lợi ích đi kèm
Khi công bố phong trào Giữ sạch Singapore, Thủ tướng Lý Quang Diệu đã đưa ra nhiều quyết sách nổi bật. Giữ sạch Singapore là một phần trong nỗ lực thúc đẩy bao gồm thay đổi luật y tế công, tập trung những người bán hàng rong vào các khu ẩm thực, củng cố hệ thống nước thải, các biện pháp phòng chống dịch bệnh, và di dời những người sống trong các “kampong” (ngôi làng kiểu Malaysia gồm nhiều căn lều gỗ) đến chung cư có cơ sở hạ tầng bảo đảm hơn.
Trong bài phát biểu năm 1968, ông Lý tuyên bố: “Chúng ta đã xây dựng. Chúng ta đã phát triển. Nhưng không có thành tựu nào xuất sắc bằng việc thành phố của chúng ta là đô thị xanh và sạch nhất Nam Á.”.
Rất nhiều phong trào nhỏ hơn đã diễn ra sau đó, đặc biệt là các thập niên 1970 và 1980: giữ nhà vệ sinh, nhà máy và trạm dừng xe buýt sạch sẽ; phong trào Use Your Hand huy động học sinh, phụ huynh, giáo viên, ban giám hiệu, và các viên chức cùng tổng vệ sinh trường học vào cuối tuần, chưa kể là vô số những sáng kiến trồng cây.
Rồi còn quảng cáo công cộng, còn những hoạt động giáo dục cho dân chúng, những buổi diễn thuyết của các chuyên gia y tế, và vô số những đợt thi đua vinh nhanh những văn phòng, cửa hàng, nhà máy, cơ quan công quyền, trường học, phương tiện công cộng,... sạch nhất.
Nhưng mục tiêu của Lý Thủ tướng không chỉ là một Singapore sạch đẹp, mà chính sự sạch đẹp đó sẽ khiến kinh tế đất nước được củng cố.
Ông nói: “Những tiêu chuẩn vệ sinh sẽ nâng cao ý thức người dân, giảm tỉ lệ bệnh tật, từ đó tạo tiền đề cần thiết để tăng trưởng kinh tế về công nghiệp và du lịch. Điều này sẽ góp phần tạo nên của cải cho người dân, và hơn nữa là đáp ứng lợi ích của họ.”.
Thật vậy, Singapore đã phát triển đúng như Lý Thủ tướng đã tiên đoán: tuổi thọ trung bình tăng từ 66 lên 83 - cao thứ ba thế giới; chỉ có 200.000 khách du lịch đến Singapore năm 1967, nửa thế kỉ sau: 10 triệu người; đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng vọt từ 93 triệu đôla Mỹ năm 1970 lên 39 tỉ đôla Mỹ năm 2010, đến năm 2017 thì Singapore là nước nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều thứ năm thế giới với 66 tỉ đôla Mỹ vốn đổ vào.
Rõ ràng là những thành tựu vượt bậc trên không phải do mỗi công lao của việc làm vệ sinh, nhưng hiệu quả của phong trào Giữ sạch Singapore là không thể phủ nhận: khách du lịch luôn muốn trở lại những địa điểm sạch sẽ, trong khi đường phố quang đãng là dấu hiệu để các nhà điều hành nước ngoài tin rằng người dân thực sự chấp hành nghiêm chỉnh và chính phủ thực sự quản lí hiệu quả.
Singapore - không thể thiếu tiền phạt
Đúng là vậy - đến mức mà chiếc áo lưu niệm bán tại nước này cũng có dòng chữ “Singapore - thành phố của tiền phạt”.
Phạt tiền xuất phát từ năm 1968 khi phong trào Giữ sạch Singapore của Thủ tướng Lý Quang Diệu ra đời; 50 năm sau, hình thức xử phạt này đã trở thành “quốc hồn” của Đảo quốc Sư tử. Giới chức càng lúc càng đặt ra nhiều mức phạt nhẵn túi cho các mức độ xả rác - mức thấp nhất hiện tại là 300 đôla Singapore (khoảng 217 đôla Mỹ).
Khi còn đương chức, Lý Thủ tướng đã lưu tâm khuyến khích vệ sinh, đồng thời can thiệp một cách khéo léo bằng cách gửi lời nhắn riêng đến các bộ trưởng và viên chức mỗi khi ông nhận thấy có sai phạm. Ông tin rằng kiểm soát những vi phạm nhỏ là rất quan trọng, và lo ngại người dân sẽ lợi dụng lách luật nếu chính quyền bỏ qua những điều sai dù không đáng kể.
Singapore còn áp dụng tiền phạt cho nhiều vi phạm kì cục khác. Đảo quốc Sư tử nổi tiếng vì lệnh cấm nhập kẹo cao su, trong khi mang kẹo trong người thì được phép. Người ta cũng có thể phải móc hầu bao vì mang sầu riêng lên tàu hỏa, không dội nước nhà vệ sinh công cộng sau khi giải quyết (ấy thế mà hầu hết nhà vệ sinh công cộng ở Singapore đều xả nước… tự động!), nhổ bậy, hoặc xài lén wi-fi của người khác. Năm 2009, một người đàn ông bị phạt vì người ta nhìn thấy anh này khỏa thân trong... nhà của anh ta. Thuốc lá điện tử: cấm là cấm.
Khi ý thức bị sự bao cấp chi phối
Theo ông Liak Teng Lit, Giám đốc Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore, chính sách của Lý Thủ tướng tỏ ra hiệu quả lúc đầu khi kết hợp kêu gọi và giáo dục trong cộng đồng với chế tài xử phạt nghiêm khắc - kết quả là mọi người đều tự ý thức giữ vệ sinh, khiến cho thành phố sạch đẹp hơn. Theo ông Liak, Singapore là một thành phố được dọn dẹp hơn là một thành phố sạch.
Thế nhưng, ý thức giữ vệ sinh của thế hệ người dân Singapore ngày nay đang bị mai một cũng bởi chính một nỗ lực giữ vệ sinh khác: đội ngũ lao công đông đảo.
Năm 1961, thành phố có 7.000 lao công làm việc ban ngày và Bộ Y tế nước này trực tiếp tuyển dụng; đến năm 1989, chỉ còn 2.100 người làm công việc vệ sinh. Mọi thứ thay đổi khi đất nước giàu có hơn và dễ dàng sử dụng lao động chi phí thấp để giữ vệ sinh.
Theo ông Liak, giờ đây Đảo quốc Sư tử sạch sẽ không phải vì người dân sợ chịu phạt, mà là vì binh đoàn lao công hùng hậu - những người cố gắng giữ Singapore sạch sẽ hơn bất kì ai. Hùng hậu đến mức chỉ riêng số người đăng kí với Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore đã là 56.000 lao động, chưa kể hàng ngàn người không đăng kí từ các dịch vụ tư nhân - nhiều người trong số họ là người hưởng thù lao thấp hoặc người lớn tuổi.
Ông Edward D’Silva, Chủ tịch Hội đồng Vệ sinh Công cộng, không hài lòng với tình hình gia tăng lực lượng lao công dẫn đến thay đổi văn hóa giữ vệ sinh của nước này. Người dân Singapore dần cho rằng công việc dọn dẹp là của người khác - và những “người khác” đó thì rất đông.
Những thực khách ở các khu ẩm thực cứ bỏ lại các khay ăn của họ trên bàn vì họ không cho đó là xả rác và vì họ nghĩ rằng sẽ có người dọn chúng đi (nói đi cũng phải nói lại: hệ thống gửi trả khay ăn chỉ mới xuất hiện từ năm 2013). Ông D’Silva cũng cho biết tình trạng tương tự cũng diễn ra ở học sinh khi họ cứ xả rác và có người nhặt rác cho họ.
Ông Liak kết luận: "Chính phủ dọn dẹp các căn chung cư đến tận hành lang nhà bạn, mỗi tuần 2 lần. Nếu bạn có dịch vụ vệ sinh hiệu quả như vậy và hàng xóm của bạn làm bừa bãi mọi thứ, bạn sẽ đổ lỗi cho dịch vụ vệ sinh đã không dọn dẹp thay vì than phiền với hàng xóm.”.
Xách chổi lên và quét
Singapore có lợi thế là lực lượng lao động vệ sinh đông với chi phí rẻ. Tuy nhiên, với tình hình gia tăng dân số và giá nhân công ngày càng tăng, việc tuyển dụng thêm lao công đòi hỏi phải chi nhiều hơn.
Trong khi đó, theo ông D’Silva, một trong những lí do đưa đến phong trào Giữ sạch Singapore ban đầu là về kinh tế: dọn dẹp những khu vực công cộng rất tốn kém, và sẽ lạm vào các khoản cho những vấn đề cấp thiết khác; ông cũng cho rằng người dân cần có ý thức hơn và chính phủ giảm ngân sách cho vệ sinh công cộng vốn đã tốn ít nhất 120 triệu đôla Singapore (tương đương với 87 triệu đôla Mỹ) mỗi năm.
Ông D’Silva nhận định: “Nếu chúng ta có thể tạo dựng và duy trì thói quen giữ vệ sinh bằng mọi cách ở mọi nơi, thì hàng triệu đôla để tuyển lao công đáng ra sẽ dành để cải thiện y tế và giáo dục.”.
Ngay tại các khu dân cư, người dân cũng đang dần xây dựng lại ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Trở lại với buổi dọn dẹp ở Khatib ở đầu bài viết này, bà Lee Bee Wah - nghị sĩ ở khu đô thị Nee Soon - cũng là một thành viên tình nguyện. Bà ủng hộ ý thức tự giác, tích cực kêu gọi mọi người bỏ rác đúng nơi quy định và trình báo những người vi phạm.
Với bà Lee, giáo dục cũng quan trọng như phạt tiền, đó là chưa kể áp dụng phạt tiền khá phức tạp vì cần ít nhất một nhân viên công quyền hoặc một người dân chứng kiến vi phạm. “Việc giáo dục giúp tự bản thân từng người dân có thói quen - vốn sẽ hiệu quả hơn nhiều so với tác động bên ngoài như tiền phạt”, bà Lee cho biết.
Tại khu vực bầu cử của bà Lee, mỗi năm đều có một ngày Không Lao công - những người dân địa phương sẽ làm thay công việc của các nhân viên vệ sinh trong khu vực.
Bà Lee cho biết động thái trên là ví dụ minh chứng cộng đồng có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực. Trong sự kiện Không Lao công đầu tiên năm 2013, có 1,43 tấn rác nhặt được; năm nay, con số đó chỉ còn 292 kg. Trong bối cảnh đội ngũ vệ sinh hùng hậu và người dân còn “lười” nhặt rác ở Singapore hiện nay, những sự kiện dọn dẹp cộng đồng như ở khu vực bầu cử của bà Lee như trên chứng tỏ ý thức người dân có thể cải thiện.
Quốc Huy (Theo BBC)