Bên trong bệnh viện hiện đại nhất Việt Nam
Sáng sớm, cánh cổng của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) tấp nập người qua lại. Rảo chân nhanh vào phía trong, cụm công trình khám chữa bệnh trung tâm hiện ra, nơi được mệnh danh là tòa nhà thông minh và hiện đại nhất Việt Nam.
Thiết bị hiện đại nhất Đông Nam Á
Cụm công trình trung tâm của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 do Hàn Quốc thiết kế với 2.000 giường bệnh (trong tình huống khẩn cấp có thể tăng lên 4.000 giường). Sau 7 năm xây dựng, công trình gồm 3 tòa nhà chính thức đã đi vào hoạt động. Trong đó, hai tòa cao 22 tầng (108 m), một tòa cao 10 tầng, tổng diện tích mặt sàn lên tới 150.000 m2.
Hiện tại, đây cũng là bệnh viện duy nhất có 50 phòng mổ áp lực dương, bao gồm 45 phòng mổ tiêu chuẩn, 5 phòng mổ ghép tạng và phòng mổ hybrid. Ở phòng hybrid, bệnh viện trang bị robot chụp mạch can thiệp.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là bệnh viện tuyến cuối của quân đội, một trong 5 bệnh viện hạng đặc biệt quốc gia. Mỗi ngày, trung bình bệnh viện tiếp nhận khoảng 4.000-5.000 bệnh nhân đến khám. 9 tháng đầu năm nay, bệnh viện đã khám và điều trị cho gần một triệu lượt người.
Với số lượng bệnh nhân thường xuyên trong tình trạng quá tải, số lượng mẫu cần xét nghiệm rất lớn. Theo Bác sĩ Quách Xuân Hinh, Phó chủ nhiệm khoa Sinh hóa, trước kia nhân viên y tế phải đến tận các khoa phòng để lấy mẫu, làm việc hoàn toàn bằng tay mất nhiều thời gian.
Hiện nay, với hệ thống vận chuyển bằng khí và băng chuyền, các mẫu xét nghiệm được đưa từ các khoa về phòng xét nghiệm rất nhanh chóng, chỉ mất 1-2 phút. Sau đó, kết quả cũng được chuyển về tận các khoa phòng. Đây cũng là bệnh viện duy nhất ở Việt Nam được trang bị hệ thống máy xét nghiệm đồng bộ này.
Hệ thống vận chuyển bằng khí nén tự động có nhiệm vụ vận chuyển các mẫu xét nghiệm, thuốc, dụng cụ y tế nặng từ 3 đến 5 kg với vận tốc trung bình 5 m/s. Các ống của hệ thống được điều khiển bởi hệ thống máy tính trung tâm dựa trên số liệu của các trạm.
Hệ thống vận chuyển bằng khí sử dụng các hệ thống giảm ồn, tự động dỡ tải. Hệ thống băng chuyền vận chuyển ống mẫu với công suất 3.600 mẫu mỗi giờ. Máy xét nghiệm miễn dịch tự động có thể xử lý 600 mẫu xét nghiệm/giờ. Máy xét nghiệm sinh hóa tự động thực hiện 3.600 test/giờ.
“Trước đây, khoa có 16 kỹ thuật viên, thời gian làm việc luôn căng thẳng, nay giảm xuống còn 14 kỹ thuật viên, các bác sĩ có thời gian nâng cao chất lượng làm việc, học tập chuyên môn, nghiên cứu khoa học.
Làm việc với máy móc mới, mọi người đều rất phấn khởi, giảm thiểu công việc chân tay, thao tác chính xác hơn. Điểm đặc biệt nhất là rút ngắn được thời gian chờ đợi trả kết quả xét nghiệm cho bệnh nhân, từ tối đa 2 giờ nay còn tối đa 1 giờ 30 phút”, bác sĩ Hinh chia sẻ.
Bước ra từ phòng xạ trị, ông Tuấn (57 tuổi, Hà Nội) nhanh chóng thay quần áo, sắc mặt hồng hào, vui vẻ. Đến nay, người đàn ông này đã xạ trị tại khoa Xạ trị - Xạ phẫu được 4 tháng vì khối u ác tính ở phổi. Khi được hỏi về sức khỏe sau khi xạ trị, ông Tuấn nói: “Từ khi được sử dụng máy xạ trị mới, tôi thấy nhẹ nhàng lắm, thời gian cũng rất nhanh, chắc chỉ 15 phút đã xong rồi”. Người đàn ông này tự mình tới bệnh viện xạ trị đều đặn, không cần người thân đi cùng.
Bước vào phòng điều trị cho rất nhiều bệnh nhân ung thư là một không gian thoáng rộng, trên trần nhà được trang trí một bức tranh với trời xanh, mây trắng đẹp mắt. Theo Thạc sĩ Bùi Quang Biểu, Chủ nhiệm khoa Xạ trị - Xạ phẫu, khi bệnh nhân vào phòng điều trị sẽ được nghe những bản nhạc nhẹ nhàng, nằm trên máy có thể nhìn thấy bức tranh về bầu trời. Việc này giúp bệnh nhân cảm thấy thư giãn, giải tỏa tâm lý căng thẳng.
Bác sĩ Biểu cho hay máy xạ trị cũ vẫn có khả năng điều trị rất tốt, tuy nhiên độ chính xác không bằng đầu máy xạ trị, xạ phẫu dưới hướng dẫn hình ảnh True Beam mới. Đây là hệ thống tiên tiến nhất hiện nay trên thế giới, có khả năng xạ trị, xạ phẫu với độ chính xác dưới 1 mm và điều trị hiệu quả bệnh ung thư não, đầu - cổ, phổi, vú, gan, tụy, thực quản, trực tràng, tiền liệt tuyến,… Bên cạnh đó, máy này cũng giúp bệnh nhân giảm thiểu tác dụng phụ do xạ trị, xạ phẫu như viêm gan, viêm phổi.
Nếu trước đây bệnh nhân phải mất 60-90 phút để điều trị, thì nay chỉ mất 15-20 phút. Lượng bệnh nhân điều trị trong ngày có thể tới 80-90 người, tăng 2-3 lần so với máy cũ.
Nhập viện với vì căn bệnh đau dạ dày, chị Vũ Trần Kim Liên (40 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) ngồi bên giường bệnh vừa đọc báo, thỉnh thoảng lại nhìn ngắm thành phố qua khung cửa sổ. “Lần đầu tiên nằm viện tôi được ở một phòng bệnh đẹp đến thế, dù trong phòng còn nhiều giường khác nhưng cũng rất thoải mái, yên tĩnh. Có vấn đề gì, tôi chỉ cần bấm chuông là có bác sĩ, điều dưỡng đến kiểm tra”.
Theo lời nhận xét của các bệnh nhân, phòng bệnh tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 được thiết kế như khách sạn. Phòng nào cũng có cửa sổ hướng nhìn ra sông Hồng tạo cảm giác thoải mái cho người bệnh.
Nghe đàn piano, tập yoga trong bệnh viện
Hơn một tháng nay, bệnh nhân và người nhà đã quen với tiếng đàn piano du dương của các nghệ sĩ ở sảnh lớn tầng 1 tòa nhà trung tâm. Được nghe bài hát quen thuộc, không ít bệnh nhân đứng bên đàn cùng nhau hát. Tiếng hát vui vẻ dường như xua tan cái lạnh đầu mùa, không còn bầu không khí ảm đạm mà ta thường thấy ở các bệnh viện.
Vừa trải qua một ngày dài với nhiều loại xét nghiệm, tiêm thuốc cản quang để chụp CT, bà Phan Thục Oanh (72 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) dừng chân bên chiếc đàn piano, nhoẻn miệng cười, đứng rất lâu để nghe nhạc.
“Tác dụng phụ của thuốc cản quang khiến tôi rất mệt, các bác sĩ còn phải dìu tôi để ra về. Tới sảnh được nghe tiếng đàn tôi thấy sảng khoái và tỉnh táo hơn rất nhiều. Hình ảnh nghệ sĩ chơi đàn cũng làm tôi nhớ về con gái lớn và cháu ngoại cũng rất thích piano. Thật sự rất cảm động”, vừa nói bà Oanh vừa rút điện thoại khoe hình ảnh con gái của mình.
Một bệnh nhân khác bộc bạch: “Vào viện mỗi người một bệnh, ai cũng buồn nhưng được giải trí bằng âm nhạc giúp tinh thần chúng tôi dễ chịu, thanh thản. Điều trị, uống thuốc xong tôi sẽ xuống sảnh nghe nhạc”.
Tầng 20 của tòa nhà trung tâm còn một lớp học đặc biệt. Cứ 17h hàng ngày, các bệnh nhân của khoa Y học cổ truyền đều tập trung trong một căn phòng nhỏ, trải thảm xanh để tập yoga dưới sự hướng dẫn của chính các bác sĩ trong khoa.
Học viên là những bệnh nhân lớn tuổi, có người mới vào viện, có người đã ở đây vài tuần nhưng ai cũng trò chuyện với nhau vui vẻ, như đã thân quen từ lâu.
Những độc tác được hướng dẫn cũng rất nhẹ nhàng, chủ yếu để giãn cơ, tăng khả năng vận động linh hoạt cho các bệnh nhân. Lớp học thường kéo dài trong 30 phút, đủ để bệnh nhân cảm thấy sảng khoái, khỏe khoắn hơn.
Nhà ăn, khu WC thường là nỗi ám ảnh của bất cứ ai khi đến bệnh viện, nhưng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, mọi thứ hoàn toàn khác biệt. Khu phục vụ ăn uống dưới tầng hầm với các suất ăn giá cả phải chăng, siêu thị tiện ích với đầy đủ các mặt hàng. Nhà vệ sinh bóng loáng, sạch sẽ.
Tiếng cười nói vui vẻ của rất nhiều bạn trẻ đang chăm chỉ tô vẽ những mảng màu sắc sinh động, bắt mắt giữ chân chúng tôi dừng lại ở tầng 4 - khoa Phụ sản. Hơn 400 m2 mặt tường sẽ được hơn 40 sinh viên của Đại học Kiến trúc Hà Nội hoàn thiện trước ngày khánh thành của tòa nhà trung tâm.
Cùng đi với các sinh viên, ông Nguyễn Việt Ninh, giảng viên Đại học Kiến trúc Hà Nội, chia sẻ: “Các nhà khoa học đã chứng minh mỗi màu sắc có một thông điệp riêng đối với tinh thần con người. Nếu sử dụng đúng cách, màu sắc như một loại biệt dược, là liều thuốc giúp xoa dịu thể trạng và tinh thần. Chúng tôi đã tìm hiểu và áp dụng cho những bức tranh đang được vẽ tại đây, giúp các em nhỏ vui vẻ hơn, quên đi những đau đớn của bệnh tật”.
Những bức tranh đang được vẽ thể hiện nhiều câu chuyện khác nhau, có câu chuyện về khu rừng với hươu cao cổ, nai vàng, chú chim xinh đẹp, câu chuyện về biển cả sinh động với cá voi và về thành phố hiện đại, rực đỡ sắc màu. Nhiều bệnh nhi khi thấy những anh chị lớn đang tô vẽ cũng rất hứng thú, muốn được cầm cọ.
Trong những ngày không khí của giải bóng đá AFF Cup sục sôi, bệnh viện còn lắp đặt một chiếc tivi màn hình lớn 84 inch để phục vụ bệnh nhân và người nhà. Đây là lần thứ 2 Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tổ chức xem bóng đá cho bệnh nhân.
Hơn 600 người tập trung trước màn hình lớn đón chờ trận bóng, không ít người phải nằm trên giường bệnh, được người thân đẩy ra xem. Những bệnh nhân bị gãy tay, chân, ngồi xe lăn được ưu tiên lên hàng đầu. Cứ mỗi pha ghi bàn hay tấn công của đội tuyển Việt Nam, tiếng reo hò cổ vũ lại vang lên không ngớt, họ cũng quên luôn mình đang là người bệnh, quên luôn đau đớn, mệt mỏi của bệnh tật.
Bác Đào Tấn Đấu (Thái Bình) ngồi trên xe lăn nhưng vẫn quyết tâm xem bóng đá: "Nhiều khi hồi hộp, tôi vẫn cố ghìm lại để không ảnh hưởng sức khỏe, cố gắng xem hết đến cuối trận", ông nói. Hơn 90 phút trong trận bóng lịch sử, bác sĩ, bệnh nhân, người nhà trở nên gần gũi với nhau hơn bao giờ hết, tất cả cùng hô vang "Việt Nam vô địch". Các bác sĩ tranh thủ ghé xem bóng vài phút rồi lại tiếp tục ca trực của mình.
Không khó để bắt gặp một nụ cười của người bệnh khi bước qua cánh cổng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, mọi người kiên nhẫn xếp hàng đến lượt đi thang máy, những cây thông Noel được đặt ở các phòng chờ khám, những khóm hoa xanh đỏ đặt dọc khuôn viên bệnh viện bừng nở giữa tiết trời đông giá buốt... Không khí nơi đây đã giảm bớt sự căng thẳng vốn thường trực ở các bệnh viện, giúp người bệnh có niềm tin hơn trong thời gian điều trị.
Quỳnh Trang - Phương Anh (Theo Zing)