Việt Nam tăng điểm về chỉ số sở hữu trí tuệ
Theo Chỉ số Sở hữu Trí tuệ quốc tế vừa được Phòng Thương mại Hoa Kỳ công bố, tổng điểm của Việt Nam tăng từ 30% lên 33%, đứng thứ 40 trong danh sách 50 quốc gia của báo cáo.
Trung tâm Chính sách Đổi mới Toàn cầu (GIPC) thuộc Phòng Thương mại Hoa Kỳ gần đây đã công bố Chỉ số Sở hữu Trí tuệ quốc tế hàng năm lần thứ 6 mang tên "Create", phân tích tình hình sở hữu trí tuệ ở 50 nền kinh tế trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Báo cáo xếp hạng các nền kinh tế dựa trên 40 chỉ số riêng biệt để đánh giá hoạt động có vai trò quan trọng đối với sự phát triển sáng tạo liên quan đến bằng sáng chế, thương hiệu, bản quyền và bảo hộ bí mật thương mại.
Tổng điểm của Việt Nam tăng từ 30% trên tổng điểm có thể đạt được (10,34 trên thang điểm 35) trong ấn bản lần thứ 5 lên 33% (13,19 trên thang điểm 40) trong ấn bản lần thứ 6.
Sự tăng điểm này phản ánh Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2017 cũng như những kết quả tích cực đạt được thông qua các chỉ số mới. Việt Nam hiện đứng thứ 40 trong danh sách 50 quốc gia.
Cũng theo báo cáo, các nền kinh tế Hoa Kỳ, Anh và EU vẫn đứng đầu bảng xếp hạng IP toàn cầu mặc dù sự dẫn đầu của Hoa Kỳ đã bị thu hẹp do những thách thức mang tính hệ thống đối với hệ thống cấp bằng sáng chế của nước này. Nhật Bản và Singapore cũng nằm trong top 10 của chỉ số.
Chỉ số cho thấy phần lớn các nền kinh tế được lấy làm chuẩn đang xây dựng nền tảng chính sách sở hữu trí tuệ hiệu quả hơn. Ví dụ như Indonesia, Thái Lan và Việt Nam đều có các chương trình dài hạn nhằm tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Theo ông Patrick Kilbride, Phó chủ tịch của GIPC, Việt Nam đã có một số bước đi tích cực hướng tới tăng cường khung sở hữu trí tuệ nhằm cạnh tranh bình đẳng hơn với các nước Đông Nam Á, thể hiện bằng sự tăng điểm trên Chỉ số Sở hữu Trí tuệ của Phòng Thương mại Hoa Kỳ năm 2018.
Với việc tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào quyền sở hữu trí tuệ, Việt Nam có thể tận dụng đà tăng trưởng tích cực này để trở thành nước dẫn đầu trong khu vực, kích thích các nguồn lực trong nước đổi mới và nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Trong thực tế, sở hữu trí tuệ là những sản phẩm, giải pháp sáng tạo của con người, đó có thể là phần mềm máy tính, phát minh, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp…
Dù đạt được nhiều tín hiệu tích cực nhưng tại Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như bảo vệ chưa triệt để các bằng sáng chế về khoa học đời sống; còn nhiều lỗ hổng trong bảo vệ bản quyền, bao gồm việc thiếu các biện pháp giải quyết vi phạm trực tuyến; tỷ lệ giả mạo thực tế rất cao và vi phạm trên mạng tràn lan.
Ngoài ra, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhìn chung còn kém; hình phạt thiếu sức răn đe; trì trệ về cơ chế hành chính.
Nguyên Đức - ICTNews