Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Xưởng sáng tạo và những 'tai nạn' vì đam mê khoa học của những kỹ sư nhí

'Con sẽ tự mình thiết kế và lắp ráp một chiếc phi thuyền bay vào không gian. Động cơ của phi thuyền là chiếc bóng bay. Khi xả hơi trong qua bóng bay sẽ tạo thành lực đẩy đưa phi thuyền vào không gian'.

Sản phẩm cực kỳ dễ thương đó chỉ là một trong số hàng trăm những sáng tạo khoa học của các em học sinh tại không gian sáng tạo nằm trên tầng thượng của Nhà thiếu nhi TP.HCM.

Em Đặng Hoàng Minh Nhật, học sinh lớp 3 đang tỉ mỉ cắt những tấm bìa cac tông để tạo hình cho sản phẩm của mình. Ảnh: Hà Thế An.

Miệt mài sáng tạo

Chúng tôi đến đây vào một buổi trưa. Ngoài ban công tầng thượng nhà thiếu nhi TP.HCM phủ một màu xanh của cây cỏ. Dường như sự yên tĩnh ở đây khiến người ta thấy tẻ nhạt. Nhưng bên trong gian nhà nhỏ kia lại là một không khí hoàn toàn trái ngược.

Đây là không gian lao động và sáng tạo thực sự của những em học sinh tiểu học và THCS yêu thích khoa học. Mặc dù đã trưa nhưng các nhà khoa học nhí vẫn say sưa với sản phẩm của mình. Các thầy cô giáo cũng “mướt mồ hôi” chỉ dẫn cũng như… phụ tá cho các bạn thực hiện sản phẩm.

Đặng Hoàng Minh Nhật, một học sinh lớp 3 đang tỉ mỉ quay compa để tạo thành những vòng tròn trên tấm bìa cứng. Nhật kể, em đang làm những công đoạn đầu tiên của chiếc phi thuyền không gian.

Tạo xong những đường tròn, Nhật cẩn thận cắt thành hình chiếc bánh xe làm bệ đỡ của phi thuyền, sau đó dùng súng bắn keo để kết nối những bộ phận của phi thuyền.

“Con chưa biết nhiều về động cơ nên con sẽ làm động cơ cho chiếc phi thuyền này theo cách của riêng con. Động cơ của phi thuyền là chiếc bóng bay. Khi xả hơi trong qua bóng bay sẽ tạo thành lực đẩy đưa phi thuyền vào không gian”- Nhật hồn nhiên kể.

Những sản phẩm dễ thương này được trưng bày tại khu nhà truyền thống của không gian sáng tạo. Có đến hàng chục sản phẩm như vậy của học sinh được bài trí trang trọng tại đây. Với những em học sinh lớn hơn, những mô hình, sản phẩm sáng tạo cũng phức tạp hơn. Vì các sản phẩm đó có sử dụng thiết bị điện tử, cảm biến.

Anh Đinh Thiên Phúc, một giảng viên hướng dẫn tại không gian này chia sẻ, có những bạn học sinh chỉ mới học lớp 6 đã biết làm nhà thông minh. Căn nhà có thể tự bật tắt điện thông qua sử dụng các cảm biến ánh sáng.

“Với mỗi độ tuổi, các em học sinh sẽ được tìm hiểu và làm những mô hình, sản phẩm sáng tạo. Còn với học sinh THCS, các em có thể học lập trình, sử dụng bo mạch Arduino, hay sử dụng công cụ đồ họa như Corel Draw để thiết kế sản phẩm. Tại đây, mọi sự sáng tạo đều bắt đầu bằng câu hỏi: Tại sao? Chúng tôi luôn đặt ra câu hỏi đó với các em” - Phúc chia sẻ.

Các em học sinh khi thao tác với máy móc đều phải mang găng tay và kính bảo vệ. Ảnh: Hà Thế An.

Và những “tai nạn” vì khoa học

Không gian sáng tạo được xem như một nhà máy thực thụ với nhiều sản phẩm, thiết bị từ máy in 3D, máy cắt laser, máy khoan… đến các vật dụng bảo hộ như găng tay, kính bảo vệ mắt…

Do đó, những dòng chữ cảnh báo bằng tiếng Anh luôn đặt phía trước mặt thiết bị. Các em nhỏ khi tiếp cận với hệ thống máy móc đều bắt buộc phải đeo găng tay và kính bảo hộ. Tuy nhiên, những tai nạn nho nhỏ vẫn xảy ra. Nhưng các em xem đó là trải nghiệm vui và cho rằng, đó mới là khoa học.

“Con bị bỏng một chút ở ngón tay nhưng con không sợ. Con lại thấy vui nữa. Vì như vậy lần sau con sẽ phải cần thận hơn” - Đỗ Simon Tiến Trọng, học sinh lớp 3 trường VinSchool, kể về việc vô tình bị mũi súng dán keo chạm vào tay. Nhưng cuối cùng, con robot mang tên Worm của Trọng cũng hoàn thành sau 3 giờ làm việc.

Ông Lê Văn Định, một phụ huynh sống ở quận 3 chia sẻ, cha mẹ thường có suy nghĩ sợ con bị đau hay xây xát khi làm việc với máy móc. Nhưng trong bất cứ một công việc nào, đặc biệt là sáng tạo một sản phẩm gì đó, luôn ẩn chứa những "tai nạn" như vậy.

“Quan trọng là hãy để cho con tự mình trải nghiệm công việc, yêu thích công việc từ khi còn nhỏ. Điều đó rất quan trọng để tạo thành những nền tảng kiến thức, cũng như kỹ năng làm việc trong tương lai”- ông Định chia sẻ.

Theo anh Đinh Thiên Phúc, giáo viên phụ trách, các mô hình, sản phẩm của bạn nhỏ sẽ được tập hợp và tổ chức một ngày hội mang tên Makers Fair. Các bạn nhỏ ở cùng độ tuổi sẽ được giao lưu sản phẩm và chia sẻ kinh nghiệm làm sản phẩm.

“Môi trường làm việc luôn mang lại cho các em nhỏ trải nghiệm quý giá nhất. Chúng tôi luôn tôn trọng mọi ý tưởng và suy nghĩ của các em. Các giáo viên ở đây chỉ đóng vai trò là người hỗ trợ, giúp đỡ. Mọi sự sáng tạo là ở những nhà khoa học trong tương lai này”- Phúc nói.

Hà Thế An - Báo Khám phá

Bài gốc

See this gallery in the original post