Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Cái giá phải trả khi bán rẻ thông tin cá nhân

Vụ bê bối của Facebook vừa qua đã khiến cho cả thế giới bị shock về việc thông tin cá nhân của chúng ta bị khai thác và sử dụng trái phép không những bởi facebook mà còn từ nhiều bên thứ 3 khác.

Đáng quan ngại hơn, thông tin bị sử dụng không chỉ cho mục đích kinh doanh mà còn nhằm mục đích dẫn dắt, điều khiển đám đông, thao túng về mặt xã hội hay chính trị. Có thể nói đây là lần đầu tiên rò rỉ thông tin có khả năng gây ảnh hưởng đến qui mô cả quốc gia, châu lục chứ không phải là một vài cá nhân hay công ty như trước nữa.

Điều này dấy lên hồi chuông lo ngại khắp thế giới. Làn sóng xóa facebook của các cá nhân diễn ra khắp Châu Âu với hơn 10 triệu tài khoản facebook bị xóa chỉ trong vòng một tuần, và các chính phủ cũng bắt đầu thận trọng hơn, để mắt hơn đến khả năng lợi dụng thông tin để dẫn dắt đám đông của các mạng xã hội, xem xét điều chỉnh luật pháp để quản lý các kẽ hở này.

Những lo lắng ấy của cả cấp chính quyền lẫn cá nhân chắc chắn không phải là điều thừa thãi. Với một cá nhân, đã có quá nhiều rủi ro tiềm ẩn được nhắc đến khi một người dễ dàng bị ‘truy’ thông tin từ mạng xã hội. Rõ ràng là sự riêng tư của bạn bị xâm hại.

Hiện việc lộ thông tin nếu nhẹ nhàng thì chỉ dừng ở mức độ gây khó chịu, chẳng hạn như khi bạn không thích xuất hiện trên mạng xã hội nhưng vẫn bị đưa lên và Facebook vẫn có thể ‘đánh dấu’ nick của bạn nếu có một người bạn nào đó post lên, hay trang bạn đang xem xuất hiện đầy những quảng cáo ngoài mong muốn, hoặc tệ hơn chút là điện thoại nhận đầy tin nhắn cuộc gọi quảng cáo vì bạn bị lộ số từ mạng xã hội….

Nặng nề hơn nữa là những vụ rò rỉ thông tin thẻ tín dụng, hồ sơ, bằng lái, số chứng minh thư của người dùng bị lọt vào tay một bên thứ ba. Thực tế đã xảy ra vô số vụ mất thông tin dạng này cùng những thiệt hại không nhỏ nhưng thật khó điều tra ra được đâu là bên làm mất mát thông tin và vì thế rất khó để truy cứu trách nhiệm bồi thường.

Tuy những thiệt hại do lộ thông tin cá nhân mang tính ‘mật’ để lại hậu quả khá nặng nề, nhưng đó vẫn chưa phải là những gì tồi tệ nhất. Có những nguy cơ lớn hơn nhiều mà hiện người ta chưa hình dung được hết.

Sẽ thế nào nếu đối thủ cạnh tranh phát hiện được nguồn nguyên liệu, nhà cung cấp trong danh bạ điện thoại của bạn?

Sẽ thế nào nếu một kẻ trộm biết được mã số mở cửa nhà bạn vì mã số đó được lưu trong Notes điện thoại từ lâu và một trang mạng nào đấy được quyền truy cập vào ứng dụng Notes này rồi chia sẻ tiếp cho bên thứ ba khác từ một ngày xa xưa nào đó?

Sẽ thế nào nếu những kẻ lừa đảo nắm được hết thông tin về bạn và sử dụng danh tính của bạn để đi lừa người khác? Sẽ thế nào nếu những kẻ xấu lấy được thông tin và tiếp cận được với những người con, người em tuổi vị thành niên suy nghĩ còn chưa hoàn chỉnh của bạn và nhồi nhét vào đầu chúng những điều tiêu cực, những tư tưởng cực đoan mà bạn vẫn không hề hay biết?

Và dù có thể chỉ là tưởng tượng, dù có thể hơi thái quá, nhưng người ta còn lo đến một ngày những ‘cỗ máy xấu xa’ nào đó có thể chiếm nhà của con người, sống luôn cuộc đời của chúng ta vì chúng đã có đủ mọi thông tin của ta và còn ghi nhớ chuẩn hơn đầu óc chủ nhân thực sự là chúng ta nữa!

Ai có thể bảo đảm những tổ chức khủng bố không tìm cách tiếp cận và thâu tóm nguồn thông tin kiểu như này? Nếu có được lượng dữ liệu đó trong tay họ sẽ điều khiển được xã hội đến đâu?

Ai có thể ngăn được khi những tư tưởng cực đoan, cuồng tín, bạo lực, phi văn minh được đẩy lên như làn sóng cuốn hết những giá trị tốt đẹp của xã hội? Giáo dục, báo chí và mạng xã hội công khai có chống lại được những chiến dịch ‘xấu hóa’ loài người đó không?

Những câu hỏi thực sự quá vĩ mô và cũng đáng lo đối với tất cả mọi công dân toàn cầu chứ không phải chỉ riêng với các chính quyền, các nhà quản lý quốc gia.

Tất cả những ‘cái giá’ phải trả này đối với một cá nhân hay xã hội, có vẻ như vẫn còn là một ‘con ngáo ộp’ dọa dẫm người yếu bóng vía. Bằng chứng là hiện người dùng mạng xã hội cùng các phần mềm tiện ích ngày càng tăng lên và nếu không có cú sốc mang tính ‘cảnh tỉnh’ từ vụ Facebook thì người ta vẫn đang thoải mái đăng nhập, thoải mái chia sẻ những thông tin riêng tư của mình tới đủ mọi trang mạng.

Chúng ta được kết nối, được thuận tiện, thậm chí bán được hàng, thì cũng phải trả cái giá là thông tin cá nhân cho nhà cung cấp bởi họ phải mất chi phí để xây dựng, phát triển phần mềm hay các trang mạng cho chúng ta sử dụng.

Nhưng nhìn lại một lần nữa các nguy cơ hiện hữu từ việc cung cấp thông tin và dẫn đến lộ thông tin cá nhân sau này, hẳn mỗi cá nhân cũng nên ‘có trách nhiệm’ hơn trong việc quản lý thông tin của mình.

Rõ ràng, ‘con ngáo ộp’ rủi ro không phải để dọa trẻ con, nó đang dần dần tiến vào xã hội loại người và không ai biết được nó có thể hủy hoại xã hội loài người đến đâu nếu không được kìm chế, kiểm soát hoặc chặn đứng từ ngày hôm nay.

See this gallery in the original post