Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Dùng công nghệ nào để bảo vệ tiền trong chính tài khoản của mình? Bài 1: Cách nào giao dịch và bảo mật ATM an toàn?

Trong thời gian gần đây đã liên tục xảy ra nhiều vụ tài khoản của chủ tài khoản không thực hiện giao dịch mà tiền tự bốc hơi.

Trong khi các ngân hàng, các nhà chức trách đang rà soát lại các khe hở mất an toàn thì thiết nghĩ, chính các “thượng đế” cũng cần lưu tâm sử dụng các công nghệ đơn giản để bảo vệ chính tài sản của mình. Không giao dịch tiền vẫn bốc hơi

Tối 25/4/2018, nhiều chủ thẻ ATM Agribank cho biết bị trừ tiền đột ngột dù không hề thực hiện giao dịch. Sau khi thông báo cho ngân hàng và tiến hành khóa thẻ, một số chủ thẻ vẫn tiếp tục bị trừ tiền.

Liên quan đến vụ việc tài khoản Agribank bị bốc hơi trong đêm 25/4, theo phía Agribank, nguyên nhân dẫn tới sự việc có thể do trong quá trình sử dụng thẻ khách hàng đã bị đánh cắp thông tin dữ liệu.

Tính đến chiều 27/4, phía ngân hàng đã hoàn trả đầy đủ số tiền bị rút từ tài khoản của 3 khách hàng có thẻ giao dịch tại ATM thuộc phạm vi quản lý của Agribank. Đối với các chủ thẻ bị lợi dụng rút tiền bằng thẻ giả tại ATM của tổ chức tín dụng khác, Agribank vẫn đang phối hợp thu thập chứng từ, và sẽ phản hồi đến khách hàng khi nhận được kết quả.

“Nếu kết quả xác minh xác định nguyên nhân bị mất tiền không do lỗi của khách hàng, ngân hàng cam kết sẽ bồi hoàn đầy đủ số tiền bị tổn thất”, phía Agribank thông tin với truyền thông và khách hàng.

Đây không phải lần đầu tiên khách hàng sử dụng thẻ ATM của các ngân hàng bị mất tiền trong tài khoản, dù thẻ vẫn nằm yên trong túi hay sổ tiết kiệm vẫn nằm yên trong tủ mà tiền thì không còn. Song song với việc chờ kết luận của các cơ quan điều tra cũng như đợi các Ngân hàng đền bù thì khách hàng phải làm gì để bảo vệ chính tài khoản của mình là điều không phải “thượng đế” nào cũng đã lưu tâm.

Làm gì để giao dịch ATM an toàn?

Theo các chuyên gia tài chính, ngân hàng, khi các chủ thẻ giao dịch thẻ trên máy ATM, người dùng nên quan sát thật kỹ khe đọc thẻ, khu vực phía trên (đối diện với bàn phím), vị trí phía trên màn hình ATM, bên trong thiết bị che bàn phím hoặc bàn phím ATM bởi đây là những vị trí có nguy cơ bị gắn thiết bị đánh cắp thông tin thẻ.

Hãy cảnh giác và cẩn thận nếu phát hiện một trong những tình huống sau: bàn phím nhập mã PIN nhô cao bất thường, nhập PIN cảm giác có khoảng trống phía dưới.

Tại khu vực thường bị gắn thiết bị đánh cắp thông tin thẻ có các dấu hiệu khả nghi như: có vệt băng dính hai mặt/keo dán quanh đầu đọc thẻ, hoặc lỗ nhỏ tại các khu vực có thể nhìn thấy bàn phím như nóc máy ATM, hông màn hình ATM.

Camera lấy cắp PIN còn có thể được giấu trong hộp đựng biên lai gần đó. Do đó, khi giao dịch, trước hết, nên kiểm tra máy ATM trước khi giao dịch để kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường; không thực hiện giao dịch nếu nghi ngờ ATM có thiết bị lạ, bất thường.

Luôn che bàn phím khi nhập mã PIN để tránh bị lộ PIN khi giao dịch. Nên sử dụng dịch vụ thông báo số dư tự động qua SMS và nên thường xuyên kiểm tra tin nhắn để kịp thời và chủ động phát hiện giao dịch bất thường. Ngay lập tức liên hệ với ngân hàng để khóa thẻ nếu nghi ngờ thẻ bị lộ thông tin hoặc nghi ngờ ATM bị gắn thiết bị đánh cắp thông tin thẻ.

Cách khóa thẻ nhanh và an toàn

Trong những trường hợp khẩn cấp, khách hàng của các ngân hàng có thể chủ động khóa thẻ của mình theo các phương thức sau: Truy cập vào Mobile Banking hoặc Internet banking để khóa thẻ (thẻ ATM nội địa, thẻ ghi nợ quốc tế và thẻ tín dụng).

Cách làm rất đơn giản, chỉ cần truy cập vào Mobile Banking hoặc Internet banking, chọn chức năng “Cài đặt”. Tiếp theo, chọn “Kích hoạt thẻ/Mở thẻ/Khóa thẻ” và lựa chọn loại thẻ muốn khóa và làm theo hướng dẫn.

Ngoài ra, bất kể ngân hàng nào cũng có hệ thống thoại tự động của ngân hàng theo số hotline 24/24 (miễn phí), hãy nhanh chóng chọn chức năng khóa thẻ và làm theo hướng dẫn. Khách hàng không cần phải gặp trực tiếp tổng đài viên vẫn có thể khóa thẻ kịp thời.

Phong Kỳ (tổng hợp)

See this gallery in the original post