Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Dùng công nghệ nào để bảo vệ tiền trong chính tài khoản của mình? Bài 2: Sổ tiết kiệm cũng không an toàn, bảo vệ thế nào?

Không chỉ tiền trong tài khoản ATM bị mất, việc khách hàng của các ngân hàng có tiền gửi sổ tiết kiệm cũng không cánh mà bay đến cả hơn 240 tỷ đồng đã từng xảy ra. “Thượng đế” đành phải làm người tiêu dùng sử dụng thông thái để tự bảo vệ tài sản của mình, đỡ lâm cảnh “thả gà ra đuổi”. Gửi tiền ngân hàng vẫn…mất, chọn mặt nào để gửi được vàng?

Dư luận vẫn đang theo dõi vụ khách hàng VIP của Eximbank là bà Chu Thị Bình bị mất 245 tỷ đồng trong tài khoản tiết kiệm. Đáng nói, trong mọi giao dịch, bà Bình đều tin tưởng và liên hệ trực tiếp với ông Lê Nguyễn Hưng - nguyên phó giám đốc chi nhánh ngân hàng này.

Theo thông báo kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT (Bộ Công an), ông Hưng đã làm giả chứng từ ủy quyền để rút tiền từ năm 2014 ở nhiều thời điểm khác nhau và ở nhiều sổ tiết kiệm khác nhau của bà Bình kéo dài đến năm 2016. Cuối năm 2016 sự việc mới vỡ lở. Đầu tháng 2/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Eximbank nói trên.

Trước đó, một vụ việc khác, tại Eximbank khi Nguyễn Thị Lam, cán bộ kiểm ngân thuộc Phòng giao dịch Eximbank huyện Đô Lương, chi nhánh TP. Vinh (Nghệ An) từ tháng 4/2016 đã nhiều lần giả mạo chữ ký, lập hồ sơ khống, đề nghị khách hàng ký khống vào các giấy rút tiền để chiếm đoạt của 6 khách hàng, với tổng số tiền lên tới 48 tỷ đồng cũng khiến nhiều người giật mình.

Vào chiều ngày 24/4/2017, một số khách hàng mang sổ tiết kiệm đến Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh Cam Đường tỉnh Lào Cai để rút tiền nhưng khi kiểm tra trên hệ thống ngân hàng, số tiền được gửi vào ít hơn rất nhiều so với số tiền ghi trong sổ tiết kiệm. Cụ thể, trên sổ tiết kiệm ghi số tiền lên tới hàng tỷ đồng nhưng trên hệ thống của ngân hàng chỉ có 1 triệu đồng.

Còn rất nhiều những vụ việc khách hàng mất tiền khi tin tưởng gửi ngân hàng thông qua nhân viên ngân hàng đến tại nhà. Đơn cử như vụ tiền gửi của khách hàng tại gia (của phòng giao dịch cấp huyện) tại một ngân hàng chi nhánh Phú Thọ.

Khách hàng bị cán bộ phụ trách phòng giao dịch này lừa thông qua việc nhận gửi tiền tại nhà và bỏ ngoài tài khoản nhà băng. Theo ý kiến của một chuyên gia tài chính, nhiều trường hợp người gửi tiền có lỗi khi thiếu cẩn trọng trong việc ký vào những chứng từ mà nhân viên ngân hàng đưa cho. Những tờ giấy có chữ ký khống của người gửi tiền này sau đó đã được sử dụng trong việc chiếm đoạt tiền của chính người gửi.

 Bảo vệ tài sản của mình như thế nào?

Trong thời cách mạng công nghệ, việc sử dụng các thiết bị thông minh để thường xuyên kiểm tra tài khoản của mình không khó. Tuy nhiên, tâm lý người gửi tiền thường đã “chọn mặt gửi vàng” rồi là đã yên tâm nên thờ ơ với chính tài sản của mình.

Do đó, chuyên gia tài chính khuyên khách hàng khi gửi tiền ngân hàng bắt buộc phải nhớ đăng ký số điện thoại thông báo biến động tài khoản đồng thời nên tránh những sai lầm sau để cuốn sổ tiết kiệm không bị “bốc hơi” đáng tiếc:

1. Người gửi tiền vào ngân hàng phải luôn kiểm tra số dư tài khoản, kiểm tra tất cả dòng tiền ra vào xem có phát hiện các giao dịch đáng ngờ hay bất thường, gian lận, hay sai sót của ngân hàng không.

2. Tránh để cho nhân viên đến phục vụ tại nhà, đây là điều gây ra nhiều rủi ro từ trước tới giờ. Nếu buộc phải làm việc tại tư gia, thì trong trường hợp nào cũng phải có 2 người, tức là có 1 người làm chứng; Khi đến giao dịch, khách hàng tốt nhất nên đến trong giờ làm việc vì các hoạt động như vậy sẽ được kiểm soát chặt chẽ, có đầy đủ nhân viên ngân hàng, có lãnh đạo chi nhánh ký vào giấy tờ và nhận được biên nhận là đã giao dịch.

3. Khách hàng phải kiểm soát toàn bộ giấy tờ mà nhân viên ngân hàng đưa cho ký. Bất kỳ giấy tờ gì cũng phải có thông tin đầy đủ và đọc kỹ trước khi ký chứ tuyệt đối không được ký bừa vào tờ giấy không có thông tin, tuyệt đối không ký trước để cho cán bộ ngân hàng điền sau.

4. Bảo quản sổ tiết kiệm cẩn thận; kiểm tra chi tiết nội dung trên sổ tiết kiệm hay hợp đồng tiền gửi; duy trì một chữ ký cố định; cẩn trọng khi giao dịch trực tuyến…

Phong Kỳ (Tổng hợp)

See this gallery in the original post