Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Sắp tới, phụ huynh TP.HCM chỉ cần ngồi nhà cũng có thể theo dõi con đi học bằng xe buýt

Sắp tới, tất cả học sinh của TP.HCM đi học bằng xe buýt sẽ được quệt vân tay khi lên, xuống xe. Phụ huynh cũng theo dõi được hành trình đến trường của con em.

Nhân viên Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP.HCM lấy vân tay của học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: Bảo Châu

Kiểm soát bằng dấu vân tay

Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP.HCM, cho biết đã bắt đầu áp dụng thí điểm chương trình quệt dấu vân tay của học sinh (HS) đi xe buýt đến trường.

Trung tâm làm việc với trường, hội phụ huynh, sau đó tiến hành lấy dấu vân tay của HS đưa vào cơ sở dữ liệu của phần mềm. HS lên và xuống xe sẽ quệt vân tay vào máy, qua đó trường cũng như phụ huynh nắm được lộ trình của HS khi đi học.

Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) là trường đầu tiên được Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM triển khai thí điểm việc xác nhận số lượng HS tham gia đi học bằng xe đưa rước thông qua dấu vân tay.

Bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Hiệu trưởng trường cho hay vào khoảng cuối tháng 3, sau khi nhận được các văn bản chỉ đạo thực hiện từ các sở, phòng giáo dục, Trung tâm quản lý giao thông công cộng, nhà trường đã xin ý kiến phụ huynh có con em sử dụng xe đưa rước. Phụ huynh nào đồng ý, nhà trường mới tiến hành lấy dấu vân tay của HS vì đây là thông tin cá nhân, đặc biệt lứa tuổi tiểu học phải được thông qua người giám hộ.

Ông Trung cho biết đây là sáng kiến mới vận dụng vào giao thông công cộng, chưa làm bao giờ. Trước đây, dấu vân tay sử dụng vào việc điểm danh nhưng bây giờ chương trình này đưa việc quản lý dấu vân tay vào công tác quản lý.

Theo ông Trung, TP.HCM áp dụng chương trình này có nhiều lý do. TP có 2.000 trường với 2 triệu HS nên cần đáp ứng khoảng 15 - 20% số lượng HS đi lại bằng phương tiện công cộng. Có nhiều tiện ích khi áp dụng chương trình này như: Đáp ứng số HS trên địa bàn rất rộng, đỡ tốn thời gian, công sức so với cách làm thủ công của từng trường. Ngoài ra, không cần tổ chức người đứng quản lý HS lên xuống. Phụ huynh cũng yên tâm vì quản lý được con em mình.

Đánh giá việc làm này, một hiệu trưởng trường tiểu học có tổ chức cho HS đi học bằng xe đưa rước nói rằng mục đích quản lý và đảm bảo an toàn cho HS là hoàn toàn cần thiết.

Tuy nhiên, vị hiệu trưởng này đặt vấn đề, do trung tâm thực hiện việc lấy dữ liệu cá nhân của HS bao gồm họ tên, ngày tháng năm sinh và dấu vân tay nên các đơn vị này phải cam kết với nhà trường, phụ huynh việc bảo mật thông tin, không được sử dụng vào bất kỳ mục đích nào. Có như vậy, nhà trường và phụ huynh mới an tâm.

Áp dụng trên các phương tiện giao thông công cộng

Theo ông Trung, những ngày qua phần mềm cơ bản chạy rất tốt. Phần cứng được lắp đặt trực tiếp trên xe, không phức tạp. Sở GTVT đã làm việc với các doanh nghiệp vận tải để triển khai. Hiện nay triển khai thử nghiệm với 37 HS, sau đó sẽ báo cáo kết quả để triển khai đại trà tất cả các trường trên toàn thành phố.

Trong tương lai, cũng sẽ có lộ trình hướng tới phần mềm cho phụ huynh biết luôn giờ giấc con em mình lên xe, xuống xe để quản lý.

Cũng như vậy, hiện nhiều trường đang áp dụng thẻ quản lý HS. Sau này, trường nào có thẻ quản lý HS sẽ kết hợp để đưa vào hệ thống đi xe buýt bằng dấu vân tay. Về lâu dài, Sở GTVT TP.HCM đang triển khai đấu thầu quốc tế, lựa chọn nhà đầu tư để sử dụng thẻ thông minh (smart card) cho tất cả hệ thống giao thông công cộng.

Tàu điện ngầm (metro) sắp tới cũng sẽ áp dụng smart card này. Vì vậy, trong tương lai sẽ tích hợp cả hai phần này với nhau để quản lý HS đi học bằng phương tiện giao thông công cộng.

Đăng Nguyên - Báo Thanh niên

Bài gốc

See this gallery in the original post