KHCN tuần qua: Máy tính nhỏ hơn hạt gạo, AI dự đoán cái chết và Da sinh học từ collagen
Tuần qua, các nhà khoa học và những người yêu lịch sử nước nhà cũng đã bày tỏ sự nuối tiếc, đau xót trước sự ra đi của một người thầy, một nhân cách lớn của nền sử học nước nhà - Giáo sư sử học Phan Huy Lê.
Kính viễn vọng báo động sự tấn công của tiểu hành tinh đến Trái Đất
Cơ quan Vũ Trụ Châu Âu (ESA) vừa chế tạo ra kính viễn vọng Flyeye.
Lấy cảm hứng từ hệ thống mắt kép của ruồi giúp quan sát nhiều hướng, kính viễn vọng này được chia làm 16 phần với tầm quan sát cực rộng.
Fleye có thể phát hiện ra các tiểu hành tinh 3 tuần trước khi chạm vào Trái Đất.
Dự kiến được đưa vào sử dụng năm 2019 để cùng với tính toán của các nha khoa học đưa ra dự báo về sự va chạm với Trái Đất.
"Máy tính" nhỏ nhất thế giới
Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Michigan (UM) của Mỹ đã chế tạo được chiếc "máy tính" nhỏ nhất thế giới, một thiết bị mỗi chiều chỉ có 0,3 mm, còn nhỏ hơn đầu hạt gạo.
Ngoài RAM và pin quang học, thiết bị máy tính mới còn có các bộ vi xử lý và các bộ thu và phát không dây. Được thiết kế như một cảm biến nhiệt độ chính xác, thiết bị mới này biến đổi nhiệt độ thành những khoảng thời gian, được xác định bằng các xung điện tử.
Do cảm biến nhiệt độ nhỏ và tương thích sinh học, chúng ta có thể cấy nó vào một con chuột và các tế bào ung thư phát triển xung quanh nó. Các nhà nghiên cứu cũng đang hy vọng tìm được những mục đích ứng dụng khác cho thiết bị máy tính siêu nhỏ được đặt tên là Michigan Micro Mote này.
Thiết kế thành công da sinh học từ collagen.
Modern Meadow(Mỹ) hợp tác với công ty hóa chất Evonik (Đức) sử dụng phương pháp sinh học tổng hợp để phát triển collagen, một loại protein từ da động vật thành da sinh học.
Vật liệu này đa dạng trong màu sắc, kích thước và độ dày.
Toàn bộ quá trình kéo dài trong gần 2 tuần, nhanh hơn so với xử lý với da sống từ động vật. Da sinh học này có hình dạng và mùi giống hệt da thật.
Robot bằng nam châm có thể chạy trong cơ thể người
Nhóm chuyên gia tại Viện Công nghệ Massachusetts phát triển robot mới ứng dụng công nghệ in 3D đưa vi hạt nam châm vào cao su silicon.
Robot này di chuyển nhờ tác dụng của nam châm, sau khi loại chất liệu này được chứng minh hiệu quả tốt khi đưa vào cơ thể người. Robot này được sử dụng để vận chuyển thuốc hay lấy mẫu mô trong tương lai.
Trí tuệ nhân tạo của Google dự doán tuổi thọ con người chính xác đến 95%
Trong cuộc chạy đua của thời đại 4.0 giữa các ông trùm công nghệ, Google chứng tỏ mình không thua kém bất kì ai khi mới đây trí tuệ nhân tạo của công ty này có thể ứng dụng vào y học. Cụ thể là dự án DeepMind với khả năng dự đoán tuổi thọ của các bệnh nhân đang điều trị với tỉ lệ chính xác lên đến 95% tại bệnh viện thứ nhất và 93% tại bệnh viện thứ hai.
Dù dự án DeepMind đang tạo ra các luồng dư luận trái chiều, công nghệ này của Google cũng đã được ứng dụng vào 3 bệnh viện của Quỹ Hoàng Gia London.
Công bố vi khuẩn mới giúp hô hấp trên sao Hỏa
Vi khuẩn lam được công bố trong nghiên cứu mới nhất có khả năng hấp thụ CO2, thải ra khí oxy cho con người thở được trên sao Hỏa.
Vi khuẩn chỉ có một lượng nhỏ Mặt trời cho quá trình quang hợpnên có khả năng sống trong môi trường ít ánh sáng.
Vi khuẩn này từng được tìm thấy ở sa mạc Mojave và bên ngoài Trạm Vũ Trụ Quốc tế (ISS) được kì vọng hỗ trợ các phi hành gia trên sao Hỏa.
Bánh xe không hơi có thể gấp gọn trong vai giây
Bánh xe Revolve không chứa không khí, trở thành bánh xe tiện lợi nhất hiện nay có thể gấp vào và mở ra trong vài giây. Bánh xe này có thể để vừa trong khoang chứa đồ ở máy bay.
Nhà chế tạo Andrea Mocellin kỳ vọng sự hỗ trợ của sản phẩm này cho các phương tiện gấp cho xe đạp hay xe lăn.
Huyết áp cao tăng 45% khả năng mất trí nhớ ở người trung niên
Kết quả nghiên cứu từ Viện Y tế và Sức khỏe Quốc gia Pháp (Inserm) và Đại học London cho thấy những người trung niên 50 tuổi trở lên có số đo huyết áp 130/80 tiềm ẩn nguy cơ phát triển nhiều chứng bệnh về sau.
Đặc biệt, những người có huyết áp tâm thu từ 130mmHg ở độ tuổi 50 có nguy cơ mất trí nhớ cao hơn 45% so với những người có huyết áp thấp hơn ở cùng độ tuổi.
Nghiên cứu này được tiến hành trên 8.639 người từ năm 1985 đến nay.
Các nhà nghiên cứu cho rằng mối liên hệ giữa cao huyết áp và mất trí nhớ có thể do tác động của đột quỵ lên chất trắng trong não bộ, gây ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ và nhận thức nói chung.
Cối xay gió tạo điện nhờ giao thông trên đường cao tốc
Cối xay gió Enlil do Kerem Deveci (sinh viên Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) thiết kế được trang bị một turbine gió có trục thẳng đứng kết hợp với pin năng lượng mặt trời.
Tại khu vực cao tốc, cối xay gió này sẽ tận dụng gió từ các phương tiện di chuyển để tao điện.
Theo tính toán, 300 cối xay gió ENLIL lắp đặt trên đường cao tốc có thể sản xuất đủ điện để đáp ứng nhu cầu của 20.000 hộ gia đình.
Ngoài ra, cảm biến tích hợp và nền tảng IoT cho phép Enlil nhận biết động đất, đo nhiệt độ, độ ẩm và thông báo qua ứng dụng điện thoại.
Giáo sư sử học Phan Huy Lê qua đời ở tuổi 84
Giáo sư Phan Huy Lê - một trong "tứ trụ" sử học Việt Nam - vừa qua đời vào đầu giờ chiều 23/6.
Giáo sư Phan Huy Lê là nhà sử học Việt Nam nổi tiếng nhất trong giới sử học Việt Nam đương đại. Ông nguyên là chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo cho Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hóa đã phát triển thành Viện Việt Nam học và khoa học phát triển (2004-2009).
Ông là một trí thức tận tâm, tận lực với Tổ quốc. Ông đã từng được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng ba.
Nhiều nhà khoa học và những người yêu lịch sử đã bày tỏ sự nuối tiếc, đau xót trước sự ra đi của một người thầy, một nhân cách lớn của nền sử học nước nhà.
Bảo Uyên - Báo Khám phá