Đi xem công nghệ 'độc đáo' ép phân lợn tươi thành… tiền
Một công nghệ đang dần phổ biến giúp cho những trang trại chăn nuôi ở tỉnh Hưng Yên không chỉ giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn gia tăng hiệu quả kinh tế…
Cận cảnh quá trình xử lý
Tiếng động cơ ào ào. Từ miệng máy rào rào đùn ra những đống mùn nhỏ mịn, khô tơi như mùn cưa khiến cho người đàn ông vội vàng đem bao tải ra hứng một cách trân trọng. Không ai có thể ngờ trước đó chỉ ít phút thứ đầu vào của chiếc máy này lại là… phân lợn tươi.
Chủ trang trại Trần Văn Mỳ ở xã Đức Hợp huyện Kim Động cười khà khà giới thiệu với tôi về cái máy ép phân ra tiền giúp cho ông hàng tháng thu nhập thêm được tới 30-35 triệu đồng. Mới nhập môn chăn nuôi cách đây hơn 1 năm nhưng ông đã mạnh tay đầu tư tới 7 tỉ để xây 3 khu chuồng trại với mục đích nuôi gia công 3.000 con lợn.
Ngay từ đầu, ông được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên định hướng áp dụng hệ thống xử lý chất thải khép kín với tổng trị giá 700 triệu gồm máy ép phân, bể chứa nhiều ngăn phục vụ cho máy ép (riêng máy ép phân trị giá 95 triệu được hỗ trợ hơn 40 triệu) và bể biogas 5.000m3 đáy bằng bạt.
Theo đó, phân từ trong chuồng cùng nước thải của lợn sẽ chảy xuống bể chứa có 3 ngăn với dung tích khoảng 60m3. Ngăn thứ nhất nơi phân rơi xuống lắng lại cũng là chỗ đặt chõ hút của máy ép. Nước từ bể 1 tràn sang bể 2 từ bể 2 tràn sang bể 3 rồi cuối cùng chảy vào hồ biogas 5.000m3 để xử lý trước khi thải sang các hồ môi trường.
Mỗi ngày chiếc máy ép phân được vận hành 1 lần. Phân sau khi được tách hết nước được trộn với chế phẩm vi sinh rồi đóng bao để 1 tuần cho hết mùi mới xuất bán. Trung bình 1 con lợn cỡ lớn thải ra 2 kg phân/ngày nên 3.000 đầu lợn trong trại thải ra 5-6 tấn phân ướt sau khi xử lý thu được khoảng 1,2 tấn phân khô. Với giá bán 1.000đ/kg, trang trại luôn trong tình trạng “cháy hàng” vì nhu cầu của những người trồng cây ăn quả, rau sạch, hoa trong vùng rất lớn, không bao giờ sợ ế.
Anh Đỗ Trọng Thạo - cán bộ khuyến nông tỉnh chỉ tay vào cái túi chứa biogas đang phồng lên to như một quả đồi và bảo tôi: “Nếu không có hệ thống máy ép phân thì không biết môi trường sẽ còn khủng khiếp đến mức nào, bởi riêng nước thải chảy vào đã phồng to như thế chứ chưa nói đến chuyện mỗi ngày thêm mấy tấn phân đổ vào nữa.
Riêng công dọn phân cho một trang trại cỡ này cũng hàng trăm triệu đồng/năm nên trước đây mới xảy ra tình trạng lén lút xả thải, đổ trộm ra ngoài. Giờ đây, không mất tiền dọn dẹp đã đành mà chủ trang trại còn được một nguồn thu đều đặn, không hề nhỏ từ việc bán phân”.
Cụ thể, công nuôi gia công từ khi nhập giống đến 4 tháng sau xuất chuồng mỗi kg được 3.600đ. Trung bình một năm nuôi 2,5 lứa lợn giúp tổng thu của trang trại được khoảng 2,2 tỉ, tương đương 170-180 triệu/tháng. Nhưng khi áp dụng máy ép phân thì lập tức chủ trại thêm được 30-35 triệu/tháng.
Số tiền đó không làm cho ông Mỳ vừa lòng nên mới đây đã lặn lội xuống tận trụ sở Cty Thịnh Phát (Hà Nội) để xem cảnh người ta chế biến chuyên sâu phân lợn bằng cách ép khô, trộn thêm một số phụ gia nữa rồi đóng bao thành phẩm bán từ 3.500đ/kg trở lên tùy loại. Ý tưởng của ông là sẽ liên kết với 3-4 cơ sở nuôi lợn ở trong vùng để mỗi ngày gom được 4-5 tấn đủ công suất cho việc đặt một chiếc máy chế biến phân từ A-Z ngay tại trang trại mình.
Trại trại đăng ký
Khi đến trang trại của ông Nguyễn Hữu Tân ở xã Đình Cao huyện Phù Cừ (Hưng Yên) đập vào mắt tôi là hệ thống khung sắt rất kiên cố bao bọc quanh... chỗ để phân.
Ông Tân giải thích: “Tôi phải làm cẩn thận thế để đề phòng bọn nghiện nẫng mất cái máy hút phân”. Khác với quy mô khổng lồ của trang trại ông Mỳ, cơ sở chăn nuôi của ông Tân chỉ khiêm tốn ở mức 300-400 đầu lợn thế mà nó cũng từng hành ông tới số.
Dạo này giá thịt tăng khá nên lợn được ăn no ngủ kỹ còn người chăn nuôi cũng được kê cao gối mà ngủ chứ không như năm 2016, 2017 xuống dốc không phanh.
Hồi ấy có tháng ông lỗ cả triệu đồng là chuyện thường. 20 năm nuôi lợn, 18 năm lãi mà chỉ chưa đầy 2 năm lỗ đã khiến cho ông chỉ còn giữ được lại mỗi cái xác nhà. Ngân hàng sợ vỡ nợ không dám cho vay tiếp, đại lý cám, thuốc thú y cũng e dè khi phải bán chịu cho ông.
Trong chuồng lợn đói kêu gào còn ngoài ngõ thì bà con xì xào chuyện trang trại của nhà gây ô nhiễm khiến cho ông càng thêm đau đầu. Dù ông đã đầu tư hệ thống biogas để xử lý chất thải nhưng vẫn không thể đủ tải chất thải của 300 đầu lợn. Mỗi lần bể đầy ứ lên ông lại phải thuê hút, thuê dọn đổ lên vườn tốn đến vài triệu đồng mà không gian sực mùi xú uế.
Dù đang rất bí tiền mặt nhưng khi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh định hướng và hỗ trợ cho 40 triệu ông liền mạnh dạn đầu tư thêm 80 triệu nữa để mua sắm máy ép phân, xây bể chứa. Kết quả là không còn cặn bã, nặng mùi đã đành mà mỗi tháng ông còn bán được khoảng 5 triệu đồng tiền phân cho các cơ sở trồng cây ăn quả, trồng rau đủ để trả 1/3 chi phí tiền điện vận hành cho trang trại.
Theo ông Nguyễn Văn Kiên - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên, vừa qua UBND tỉnh đã phê duyệt dự án “Xử lý chất thải chăn nuôi và sản xuất phân bón hữu cơ chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch tại tỉnh Hưng Yên” giai đoạn 2017-2020 với quy mô 100 mô hình. Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai thực hiện 6 mô hình trong chăn nuôi lợn (mức 1 với quy mô trên 1.000 con: 1 mô hình, mức 2 từ 500 - 1.000 con: 1 mô hình và mức 3 trên 50 - 500 con: 4 mô hình). Tất cả đều thể hiện rõ ưu thế về môi trường cũng như kinh tế nên rất được lòng dân. Bởi vậy mà năm 2018 quy định chỉ có 12 mô hình xử lý phân lợn nhưng lại có tới 28 hộ đăng ký.
Tuy nhiên, để thực sự có hiệu quả bà con phải tỉnh táo lựa chọn loại máy cũng như công nghệ bởi trước đây từng có hộ tự tìm mua nhưng gặp tình trạng động cơ yếu, lỗ sàng rộng nên không thể hút, ép thành phân khô được. Mấu chốt nhất để biến những máy ép phân thành máy ép tiền là dù hệ thống có nguồn gốc xuất xứ từ nước nào nhưng 2 mô tơ tách, hút phải dùng loại thật tốt (hợp lý nhất là của Đức).
Dương Đình Tường - Báo Nông nghiệp