Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Giải pháp “3T” trong tái chế rác thải nhựa

Theo các chuyên gia, một trong những thách thức lớn đối với công tác bảo vệ môi trường tại các thành phố lớn trong đó có TP Hồ Chí Minh là số lượng rác thải nhựa tăng không ngừng.

Đáng lo ngại hơn là mới chỉ khoảng 14% chất thải nhựa được thu hồi để tái chế hoặc tái sử dụng so với 60% chất thải giấy và 90% với chất thải thép.

Gánh nặng quản lý môi trường

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố đang chịu nhiều áp lực liên quan tới chất thải rắn đô thị, với lượng phát sinh trung bình 8.000 - 8.500 tấn/ngày. Trong đó, chất thải nhựa chiếm tỷ lệ không nhỏ, ước tính mỗi năm có khoảng 250.000 - 300.000 tấn, tập trung nhiều nhất ở siêu thị, trung tâm thương mại, kế đến là khu vực văn phòng và các hộ gia đình.

Cùng với sự phát triển dân số và kinh tế, lượng rác thải nhựa phát sinh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ngày càng tăng. Các chuyên gia cho rằng, nếu dân số TP Hồ Chí Minh giữ tốc độ tăng bình quân 3,5%/năm, ước tính đến năm 2020 lượng nhựa tiêu thụ cũng như lượng chất thải nhựa phát sinh tại TP Hồ Chí Minh sẽ vào khoảng 400.000 tấn/năm. Lượng chất thải này sẽ là gánh nặng đối với công tác quản lý môi trường của thành phố.

Không chỉ riêng TP Hồ Chí Minh, tại nhiều nơi từ thành thị tới nông thôn, không khó để tìm thấy những sản phẩm làm từ nhựa trong các vật dụng hàng ngày như vỏ chai nước, ống hút, tăm bông… Đây đều là sản phẩm chỉ sử dụng một lần, song lượng nhựa thải ra môi trường lại gần như không tự phân hủy được.

Giám đốc Tổ chức Hành động vì môi trường và Phát triển tại Việt Nam (ENDA Vietnam) Nguyễn Thị Hoài Linh cho biết, theo thống kê của Tổ chức Việt Nam sạch và xanh, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất, với khoảng 1,8 triệu tấn ra môi trường mỗi năm. Không chỉ là quốc gia đứng thứ 5 về phát thải rác thải nhựa, mà Việt Nam còn được biết đến là nước có số lượng rác nhựa thải ra gấp đôi so với các nước có thu nhập thấp.

Nhiều chuyên gia môi trường cho biết, rác thải nhựa ở đại dương sẽ phá hủy môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của các loại thủy sản. Trên đất liền, loại rác thải này không tự phân hủy sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống con người. Sự tích tụ của các mảnh rác vụn trong môi trường là vấn đề do con người tạo ra, vì vậy đòi hỏi một giải pháp đến từ con người.

Ứng dụng công nghệ tái chế

Việc tái chế với công nghệ phù hợp sẽ giúp thu gom và xử lý chất thải nhựa theo cách thân thiện môi trường. Tuy nhiên, có một thực tế là ở nước ta công tác xử lý, tái chế còn yếu kém, dẫn đến số lượng rác ngày càng nhiều, gây tác động tiêu cực tới môi trường đất, nước, ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

TS. Lê Văn Khoa, Khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh cho rằng, đẩy mạnh công tác “3T” bao gồm tiết giảm, tái chế, tái sử dụng, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho môi trường và kinh tế.

Việc tái chế với công nghệ phù hợp sẽ giúp thu gom và xử lý chất thải nhựa theo cách thân thiện môi trường và có thể chuyển đổi thành tài nguyên, mang lại tiềm năng lớn cho bảo tồn tài nguyên và giảm phát thải khí nhà kính.

Mặt khác, về mặt xã hội, tái chế chất thải nhựa, đặc biệt là hoạt động thu gom và phân loại chất thải nhựa sẽ tạo cơ hội việc làm cho lao động trình độ thấp. Về mặt môi trường, tác động đầu tiên là tiết kiệm năng lượng cho sản xuất hạt nhựa nguyên sinh, bảo tồn tài nguyên không thể tái tạo. Bên cạnh đó, thu gom và tái chế chất thải nhựa hiệu quả, giúp giảm thiểu hàng loạt vấn đề môi trường liên quan như mất mỹ quan đô thị, tắc nghẽn cống rãnh, suy thoái đất.

Thực tế đó đòi hỏi, cần có sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính trong việc thực hiện các dự án tái chế rác thải nhựa, dự án nghiên cứu sản xuất sản phẩm bằng nguyên liệu thân thiện môi trường.

Song, cùng với những giải pháp như tái chế, tái sử dụng thì việc tiết giảm sử dụng sản phẩm từ nhựa phải được ưu tiên chú trọng. Theo đó, cần thiết ban hành những chính sách giáo dục, tuyên truyền tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường, áp dụng các chính sách kinh tế, tăng thuế, không khuyến khích sản suất các sản phẩm nhựa, đặc biệt đối với các bao bì nhựa.

Mặt khác, cần tăng cường tái sử dụng sản phẩm nhựa thông qua các giải pháp về thiết kế sản phẩm và chính sách thu hồi sản phẩm.

Lan Chi - Báo điện tử nhân dân

Bài gốc

See this gallery in the original post