Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

TS Nguyễn Trung Việt: Không nên khuyến khích sử dụng túi nylon tự hủy

Ở Việt Nam, chúng ta đang lẫn lộn giữa túi nylon phân hủy sinh học với túi nylon tự hủy. Một loại có thể tự phân hủy, còn một loại chỉ phân rã nylon ra thành từng mảnh nhỏ và phát tán trong môi trường.

Chúng ta đang lẫn lộn giữa túi nylon phân hủy sinh học và túi nilon tự hủy

Ô nhiễm nhựa và nylon được chọn làm chủ đề của Ngày Môi trường Thế giới 2018 cho thấy sự báo động về mức độ nguy hại của các loại rác thải này. Tạp chí Khám Phá đã có buổi trao đổi với TS Nguyễn Trung Việt, nguyên trưởng phòng Quản lý Chất thải rắn - Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, để tìm hiểu về vấn đề này.

Nguy hại không khác chất độc màu da cam

Xin ông cho biết về tác hại của nhựa, túi nylon với môi trường và sức khỏe con người?

Nhựa, nilon có nhiều loại khác nhau. Trước đây phổ biến là PVC rất độc hại còn hiện nay chủ yếu đã chuyển sang PE không độc hại về mặt hóa học. Ngoài ra còn rất nhiều loại nhựa khác nhau.

Các chương trình truyền hình đã nói nhiều về tác hại của túi nylon, nhựa. Điểm nguy hại nhất của các loại chất thải nhựa là yếu tố chậm phân hủy trong môi trường. Do đó, các loại rác thải này ảnh hưởng đến môi trường, làm chết các loại sinh vật khi chúng ăn phải cũng như tắc nghẽn các đường ống. Khi các loại nhựa tồn tại trong đất khiến cho khả năng thấm nước của đất bị giảm, gây tắc nghẽn dòng chảy.

Đặc biệt, nhựa PVC là hợp chất có Clo, khi đốt ở nhiệt độ từ 300 - 800 độ C sẽ tạo thành các loại chất độc giống như chất độc màu da cam gây ảnh hưởng rất lớn đến các khu dân cư.

Những năm 60, Mỹ đã cấm sản xuất PVC khi phát hiện lượng lớn dioxin quanh các lò đốt rác. Hiện nay nhiều quốc gia cũng cấm loại nhựa này. Tuy nhiên ở các nước đang phát triển như Việt Nam, những sản phẩm này vẫn được sử dụng do giá thành rẻ.

Vậy hiện nay chúng ta đang có những biện pháp nào để xử lý vấn đề này?

Về mặt quản lý, các biện pháp, tuyên truyền hạn chế sử dụng túi nylon đã được triển khai nhưng chưa hiệu quả. Một trong những nguyên nhân là do thói quen, ý thức của người dân về vấn đề này chưa cao.

TS Nguyễn Trung Việt, nguyên trưởng phòng Quản lý Chất thải rắn - Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM trong một buổi trả lời phỏng vấn

Ngoài ra, các quốc gia phát triển khi ra những chính sách thì họ thực hiện ngay và rất quyết liệt như đánh vào giá các loại túi nylon. Còn Việt Nam, vấn đề quản lý đô thị chưa tốt, các chính sách chưa được thực hiện cương quyết.

Bên cạnh đó, tại Việt Nam hoạt động kinh doanh buôn bán nhỏ ngoài đường rất nhiều nên khó quản lý. Chúng ta cũng thiếu những chính sách khuyến khích sản xuất các loại túi phân hủy sinh học nên giá thành cao, không được sự đón nhận của người dân.

Về công nghệ, tái chế là phương pháp đang được quan tâm. TP.HCM hiện có nhiều nhà máy tái chế nhựa. Tôi đánh giá hoạt động này ở TP.HCM rất tốt bởi vừa giải quyết rác thải nhựa lại vừa tạo ra việc làm. Nhưng chúng ta đang rất thiếu các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các đơn vị tái chế rác thải nhựa.

Tuy nhiên, hoạt động tái chế không ổn định mà trồi sụt theo giá dầu bởi dầu mỏ là nguyên liệu để sản xuất nhựa. Khi giá dầu mỏ xuống thì giá nhựa rẻ theo và khi đó nhu cầu tái chế nhựa cũng giảm.

Nilon tự hủy: Tưởng không hại mà hại không tưởng

Sử dụng các loại túi nylon tự hủy đang được nhiều người cho là biện pháp tốt. Ý kiến của ông về điều này như thế nào?

Đây cũng là vấn đề gây tranh luận. Khoảng năm 2013 khi tôi làm việc ở Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, tôi cũng rất ủng hộ các loại túi nylon tự hủy. Nhưng sau khi đến tận các cơ sở để xem cách thức sản xuất và qua thử nghiệm, tôi phát hiện những túi nylon tự hủy này khác hẳn các loại túi nylon phân hủy sinh học.

Ở Việt Nam, chúng ta đang lẫn lộn giữa túi nylon phân hủy sinh học với túi nylon tự hủy. Túi nylon phân hủy sinh học làm từ các vật liệu hữu cơ sinh học như bột khoai tây, bột bắp nên có thể phân hủy bởi hoạt động của vi sinh vật. Những loại túi này có giá thành cao, thường gấp 3 lần loại túi thông thường.

Còn túi nylon, nhựa tự hủy có trộn một lượng Carbonat Canxi (CaCO3). Dưới ánh sáng Mặt trời, Carbonat Canxi trong các chuỗi polyme bị phân hủy và làm nylon tự hủy vụn ra thành các mảnh nhỏ. Điều này hết sức nguy hại bởi các mảnh nhỏ này phát tán vào trong môi trường đất, nước và không thể thu lại được.

Do đó, chúng ta chỉ nên khuyến khích sản xuất, sử dụng các loại túi phân hủy sinh học chứ không nên khuyến khích các loại túi nilon tự hủy này bởi nó không tốt gì cho môi trường.

Theo ông, chúng ta nên làm gì để hạn chế tác hại của nhựa, nylon?

Như tôi đã nói, chúng ta phải ra các chính sách và cương quyết thực hiện. Thứ hai là phải tích cực đẩy mạnh công nghệ. Cả hai điều đều cần thực hiện một cách kiên trì và có hệ thống nhưng hiện tại chưa được quan tâm đúng mức.

Tôi cho rằng khó có thể có một cuộc cách mạng trong vấn đề này mà cần những nhóm xã hội nghiên cứu và thực hiện theo nguyên tắc giảm dần sử dụng túi nylon, nhựa. Ban đầu chúng ta có thể nhắm tới các nhóm người tiêu dùng có thu nhập cao rồi đến thế hệ trẻ.

Các chương trình tuyên truyền hiện nay chỉ mang tính thời điểm, chưa hiệu quả và ít được phần lớn người dân quan tâm bởi trong mắt họ vấn đề nhựa, túi nylon không đáng ngại như các loại ô nhiễm khác. Tuy nhiên, nếu đi ra biển, đặc biệt là các khu vực đảo không có người ở mới thấy lượng túi nylon, nhựa trôi dạt nhiều khủng khiếp. Do đó chúng ta cần có chương trình tuyên truyền sâu rộng và đánh vào yếu tố kinh tế để hạn chế lượng sử dụng túi nylon.

Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn

Phạm Sơn - Báo Khám phá

Bài gốc

See this gallery in the original post