Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Nhân World Cup, xem lại sự 'tiến hóa' của giày đá bóng

Lịch sử thể thao ghi nhận đôi giày - có thể gọi là giày đá bóng đầu tiên, ra đời vào năm 1500. Đây là sản phẩm của một cầu thủ kiêm 'nhà sáng chế' vô danh nào đó làm riêng cho mình.

Giày đi làm kiêm... giày đá bóng

Khi ấy, các cầu thủ đơn giản là dùng loại giày, ủng thông dụng mà họ vẫn mang đi làm hàng ngày. Loại giày này rất nặng nề, gò bó nên cầu thủ khó xoay trở trên sân khi chơi bóng.

Thêm nữa, giày đi làm thời đó thường có thêm các vật liệu cứng (có cả kim loại) dưới phần đế giày để chống mòn. Điều này đã gây nhiều chấn thương cho các cầu thủ khi tranh chấp bóng quyết liệt.

Một hạn chế khác là khi thi đấu vào mùa đông, mặt sân cỏ bị đông cứng lại nên rất trơn trượt, loại giày này không có độ bám tốt nên cầu thủ liên tục bị té ngã và bị chấn thương.

Do đó Hiệp hội Bóng đá Anh FA đã đề nghị các hãng sản xuất giày chế tạo một loại giày da chuyên chỉ để đá bóng với các mấu nhỏ gắn dưới đế giúp tăng bám vào mặt sân.

Các hãng sản xuất giày đã nghiên cứu và chế ra một mẫu giày làm hoàn toàn bằng da, mặt dưới đế giày thì dùng đinh đóng 6 cái núm hình trụ tròn đường kính 10mm, chiều cao từ 10-16mm.

Giày có cổ cao như giày bốt hiện nay, làm bằng lớp da bò rất dày nhằm bảo vệ thật tốt bàn chân, nên mỗi chiếc có trọng lượng đến 0,5kg. Khổ nỗi khi thi đấu dưới mưa, lớp da hút đầy nước làm trọng lượng chiếc giày tăng lên gấp đôi, cầu thủ giống như bị đeo chì vào chân vậy.

Dù loại giày này có nhiều khuyết điểm, nhưng có thể xem đây là mẫu hình cho những chiếc giày đá bóng sau này.

Sau Thế chiến II, giày đá bóng được cải tiến nhẹ hơn, may bằng loại da mềm hơn và cổ giày được hạ thấp xuống dưới mắt cá.

Ưu tiên hàng đầu của các nhà sản xuất là tăng tối đa sự linh hoạt cho đôi bàn chân của cầu thủ, giúp họ có thể thoải mái phô diễn kỹ thuật, chức năng bảo vệ chân đã trở thành thứ yếu.

Tại thời điểm này, các núm giày (hoặc đinh giày) làm bằng da hay cao su, có chiều cao tùy vào tình trạng mặt sân thi đấu (loại thấp 10mm dùng cho mặt sân cứng và loại cao 16mm dùng cho sân mềm, bùn lầy).

Núm được đóng "chết" vào đế giày bằng đinh thép. Kiểu núm này có nhược điểm là rất dễ bị long đinh nên thường xuyên "rụng răng" giữa trận đấu, gây nhiều khó chịu cho cầu thủ vì sự mất cân bằng của chiếc giày.

Một nhược điểm khác nữa là núm chỉ có một chiều cao cố định. Do đó, mỗi cầu thủ bắt buộc phải có 2 đôi giày với các núm có chiều cao khác nhau, khi thi đấu trên mặt sân cứng thì dùng giày có các núm thấp, chơi trên mặt sân mềm, nhiều bùn, vào mùa mưa thì dùng loại giày có núm cao để tăng độ bám.

Nhận thấy nhược điểm của loại núm giày này, hãng sản xuất dụng cụ thể thao Adidas (Đức) đã nghiên cứu thiết kế một loại núm mới (bằng cao su, nhựa hoặc hợp kim nhôm) có một lõi thép đã ven răng để vặn vào một nòng thép ở đế giày, giống như kiểu vặn bù-long vào con tán vậy. Thiết kế này giúp các núm bám rất chắc vào đế, cứng cáp và ổn định hơn loại núm đóng bằng đinh.

Họ đã cung cấp loại giày mới này cho đội tuyển quốc gia Đức thi đấu ở World Cup 1954. Nhờ sáng chế này, đội tuyển Đức đã chiếm ưu thế khi thi đấu trên mặt sân đầy bùn lầy do những cơn mưa mùa hè ở Thụy Sĩ, nơi tổ chức giải vô địch thế giới.

Những cải tiến mạnh mẽ

Đến những năm 1970, bắt đầu xuất hiện những đôi giày thế hệ mới làm bằng da kagaroo - vốn có những thuộc tính ưu việt hơn da bò, kết hợp với vật liệu tổng hợp thay cho việc dùng thuần da bò và cao su.

Đế giày cũng không còn làm bằng cao su nặng nề nữa mà bằng vật liệu tổng hợp với ưu điểm là mỏng, nhẹ và rất linh hoạt.

Điểm độc đáo của loại đế mới này là nó có cơ chế hoạt động tương tự một cái lò xo. Đế sẽ hấp thu động năng khi cầu thủ co chân hay nhún người, rồi phóng thích động năng khi cầu thủ duỗi bàn chân hay nhảy lên, trợ lực cho cầu thủ khi sút bóng hay nhảy cao tranh bóng bổng hoặc đánh đầu.

Hãng Adidas lại là người tiên phong khi chế tạo thành công mẫu giày nổi tiếng Predator với những vân nổi mặt ngoài (làm bằng vật liệu tổng hợp) giúp cầu thủ tăng lực sút mạnh hơn và làm quả bóng có độ xoáy cao hơn, gây nhiều khó khăn cho các thủ môn đối phương.

Các núm giày không còn mang dáng vẻ cổ điển hình trụ côn và làm bằng nhựa cứng hay hợp kim nhôm nữa. Kết cấu núm có nòng thép ven răng cũng đã được thay thế bằng loại đế giày có các núm đúc sẵn trong quá trình chế tạo đế giày bằng vật liệu tổng hợp.

Các núm lại có chiều cao khác nhau tùy thuộc vào vị trí của nó dưới đế giày. Điều này giúp phân bổ hợp lý áp lực của bàn chân trên mặt sân, tăng độ bám để cầu thủ dễ dàng thực hiện những động tác xoay trở mà không sợ bị trượt ngã.

Với việc thu nhập của cầu thủ ngày càng cao và giá thành sản xuất giày càng hạ, các cầu thủ có thể mua sắm cùng lúc nhiều đôi giày có kiểu núm cao, thấp khác nhau để thi đấu tùy tình trạng sân bãi.

Nhờ làm bằng vật liệu tổng hợp, giày đá bóng hiện nay đã rất nhẹ, chỉ khoảng từ 103-230g mỗi chiếc tùy loại. Đây quả là một bước tiến vượt bậc so với chiếc giày cồng kềnh nặng cả 0,5kg thời cuối thế kỷ 19.

Những đôi giày hiện nay cũng trông bắt mắt hơn với nhiều màu sắc và họa tiết đa dạng thay cho màu đen truyền thống rất đơn điệu của những thập niên trước.

Giày gắn chip điện tử

Hiện tại, với những sáng chế mới trong lĩnh vực vật liệu tổng hợp, người ta đã sản xuất ra được các loại da tổng hợp có những tính năng có phần ưu việt hơn da tự nhiên.

Da tổng hợp có thể dễ dàng bổ sung các công nghệ mới vào trong quá trình sản xuất, ví dụ: công nghệ Dribbletex trên mẫu giày Adizero giúp tăng độ bám trong mọi điều kiện thời tiết, không bị co giãn, biến dạng quá mức và không thấm nước.

Cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin, laser và nhân trắc học (anthropometry) vào sản xuất giày đá bóng, kích thước của mỗi chiếc giày sẽ được tinh chỉnh để thật vừa vặn với từng bàn chân của cầu thủ.

Đặc điểm sinh học của con người là không ai có 2 bàn chân có kích thước hoàn toàn bằng nhau, bởi thế trong giới cầu thủ, người thuận chân nào thì chân đó có kích thước lớn hơn chân kia.

Điểm đột phá mới nữa là giày đá bóng được thiết kế chuyện biệt hóa theo sở thích và vị trí cầu thủ trong đội hình: những cầu thủ hàng tấn công sẽ dùng loại giày nhẹ nhất, hỗ trợ tăng tốc cực nhanh, cầu thủ chơi ở vị trí tiền vệ thì thích dùng loại giày hỗ trợ cảm giác bóng giúp họ kiểm soát bóng tốt hơn...

Các nhà khoa học đang nghiên cứu chế tạo những con chip điện tử gắn vào giày để thu thập dữ liệu hoạt động và di chuyển của cầu thủ. Sau đó, ban huấn luyện sẽ phân tích dữ liệu (bằng máy tính hay điện thoại thông minh) để đánh giá kết quả tập luyện và thi đấu của từng cầu thủ một, giúp họ cải thiện hiệu suất thi đấu và chỉnh sửa kỹ thuật cá nhân cho hoàn thiện hơn.

Đồng Lộc - Báo Tuổi trẻ

Bài gốc

See this gallery in the original post