Những vụ vỡ đập thủy điện kinh hoàng nhất trên thế giới
Vỡ đập thủy điện luôn là một thảm họa kinh hoàng đối với con người bởi nó có thể quét sạch và cuốn trôi bất kỳ thứ gì khi hàng ngàn m3 khối nước đổ ập xuống. Quá khứ luôn là một bài học cay đắng cho hậu thế khi những công trình dân sinh có thể trở thành thảm họa cướp đi mạng sống của hàng ngàn người.
Năm 1802, cơn mưa lớn lịch sử tại Tây Ban Nha đã khiến con đập Pantano de Puentes nằm ở vùng Lorca không chịu nổi sức nước và vỡ tràn khiến ít nhất 608 người thiệt mạng. Hàng ngàn m3 nước đổ ập xuống khu dân cư và ảnh hưởng tới 1.800 ngôi nhà và hơn 40.000 cây cối.
Tại Ý, vào tháng 10/1963, một trong những con đập cao nhất thế giới mang tên Vajont nằm ở vùng thung lũng sông Vajont đã bất ngờ sụp đổ do một trận động đất. Chỉ trong 45 giây, 260 triệu m3 nước đã bao trùm toàn bộ khu vực. Thậm chí, nước từ hồ chứa khi đổ xuống các ngôi làng cạnh đó còn tạo nên các cơn sóng cao tới 250m khiến khoảng 2.000 người thiệt mạng.
Trước đó 40 năm, tại Ý cũng từng xảy ra một vụ vỡ đập khác khiến 356 người chết. Đó là khi đập nhiều tầng Gleno ở trên sông Gleno, vùng Valle di Scalve vỡ chỉ sau… 40 ngày. Khi đó, khoảng 4,5 triệu m3 nước đã tràn ra từ độ cao 1.535m xuống vùng thung lũng phía dưới. Nguyên nhân được xác định là do đơn vị thi công không sử dụng loại vữa xi măng thích hợp.
Còn tại Mỹ, vụ vỡ đập South Fork xảy ra năm 1889 đã đi vào lịch sử nền kinh tế số 1 thế giới với 2.209 người thiệt mạng. Trước khi “thảm họa” xảy ra, con đập ở bang Pennsylvania liên tục được cảnh báo rò rỉ nước ở nhiều chỗ nhưng các kỹ sư… không thể vá xuể.
Và chuyện gì tới cũng phải tới, khi lượng mưa vào tháng 5/1889 vượt quá sức chứa của hồ thủy điện này, 20 tấn nước đã khiến đập South Fork đổ sập và gây thiệt hại ít nhất 17 triệu USD, đồng thời khiến 2.209 người chết.
Trong khi đó, tại Ấn Độ, do chủ quan và thiếu đi các biện pháp khẩn cấp, trận mưa lớn và lũ lụt năm 1979 đã khiến con đập Machchu-2 nằm trên sông Machhu (Morbi) sụt vỡ và gây nên cái chết của hàng nghìn người.
Cho tới nay, vẫn chưa có báo cáo chính thức về số người chết. Nhưng nhiều nguồn tin Ấn Độ khẳng định con số này phải lên tới 15.000 người. Bởi chỉ trong vòng 20 phút, những con sóng cao 10m đã nhấn chìm một thị trấn cách đó 5km. Sự kiện này đã đi vào lịch sử thế giới với tên gọi Thảm họa Morbi.
Nguyên nhân của thảm họa này được cho là do những trận mưa lớn ở đầu nguồn, làm con đập đắp bằng đất dài 4km bị tan rã. Trong thiết kế, nó chỉ chịu được lưu lượng 5.663 m3/s. Song, trận mưa lớn năm đó làm lưu lượng lên đến 16.307 m3/s, gấp 3 lần sức chịu đựng của công trình.
Đối với không ít người dân Trung Quốc, vụ vỡ đập thủy điện Bản Kiều được coi là sự cố vỡ đập tồi tệ nhất trong lịch sử nước này.
Nó được xây dựng năm 1952 trên sông Hoài Nam, tỉnh Hà Nam và chính là một trong những thủy điện quy mô lớn đầu tiên của Trung Quốc. Nhưng tới năm 1975, siêu bão Nina (1 trong 5 siêu bão gây thiệt hại lớn nhất thế giới) đổ bộ vào nước này, lượng mưa đo được trong ba ngày lên đến 1605,3 mm.
Không chịu được sức nước, đập Bản Kiều đã sụp đổ, khiến Trung Quốc mất đi một nguồn năng lượng khổng lồ bởi nó có khả năng đáp ứng 1/3 nhu cầu sử dụng vào lúc cao điểm của cả nước Anh. Công suất của nhà máy lên đến 18 GW, tương đương 9 nhà máy nhiệt điện hay 20 lò phản ứng hạt nhân.
Vụ vỡ đập thủy điện này đã khiến khoảng 171.000 người thiệt mạng, khoảng 11 triệu dân trở nên vô gia cư khi hơn 5 triệu ngôi nhà bị phá hủy.
Đăng Quốc - Songmoi.vn