Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dưới góc nhìn công nghệ (Phần 5): “Made in China 2025” - tham vọng của Trung Quốc
Trong những phần trước, ta đã thấy một vài lát cắt về sức nóng Trung Quốc đang phả vào lưng của Mỹ, và chiến lược kéo dài hàng chục năm đã giúp họ đạt được điều đó. Nhưng, liệu Trung Quốc đã muốn dừng lại?
Theo lẽ thông thường thì chắc chắn là KHÔNG - chiến lược “Made in China 2015” đã thể hiện rõ tham vọng của họ, và áp lực trong tương lai Trung Quốc có thể đặt lên các quốc gia đã phát triển của Mỹ và Châu Âu hiện giờ.
“Made in China 2025” là chiến lược nâng cấp nền công nghiệp Trung Quốc từ cơ bản sang công nghệ cao. Đây là chiến lược dễ hiểu - mọi quốc gia đều nhắm tới mục tiêu này - và cách thức chính phủ Trung Quốc hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước cũng hoàn toàn dễ hiểu - Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore theo một cách nào đó cũng đã từng như vậy. Vậy tại sao Mỹ và chính quyền Trump lại phản ứng gay gắt với chiến lược đến vậy?
1. Mong muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình bằng công nghệ cao, cũng là tham vọng muốn dẫn đầu kinh tế Thế Giới
Bằng chiến lược ‘học hỏi’ khôn ngoan đã được đề cập trong phần trước, Trung Quốc hiện nay là quốc gia đang dẫn đầu Thế Giới về sản xuất hàng công nghệ thấp và trung bình, như quần áo, giày dép, đồ điện. Đây là những lĩnh vực đã giúp Trung Quốc vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 Thế Giới.
Tuy nhiên, việc duy trì chính sách tỷ giá thấp và tập trung vào các ngành sản xuất giá trị thấp khiến Trung Quốc vẫn bị xếp vào các quốc gia đang phát triển. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP bình quân đầu người của Trung Quốc năm 2017 chỉ là 8,643.11 tỉ USD - xếp thứ 75 Thế Giới và bằng 1/7 GDP bình quân đầu người Mỹ.
Để thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”, Trung Quốc đã ban hành kế hoạch “Made in China 2025” với chủ trương biến Trung Quốc thành cường quốc trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao - lĩnh vực đang được các quốc gia đã phát triển như Mỹ, Đức thống lĩnh.
Chiến lược này nhắm vào hầu như mọi ngành công nghiệp công nghệ cao như: tự động hóa, hàng không, máy móc, robot, thiết bị hàng hải, phương tiện vận chuyển tiết kiệm năng lượng, thiết bị y tế, công nghệ thông tin...
Để thực hiện chiến lược này, Trung Quốc sẽ phải cần rất nhiều thiết bị và công nghệ, như robot công nghiệp, cảm biến thông minh, mạng cảm biến không dây, chip nhận dạng tần số vô tuyến...
Nghe có vẻ như là một cơ hội tuyệt vời cho những doanh nghiệp nước ngoài để xuất khẩu các thiết bị công nghệ cao sang Trung Quốc, mang lại nguồn lợi nhuận to lớn cho các công ty Quốc Tế. Việc này có thể mang lại cơ hội hợp tác cùng phát triển trong cả kinh tế, công nghệ và chính trị cho Trung Quốc, Châu Âu và Hoa Kỳ. Đáng lẽ ra, nền kinh tế Toàn cầu phải chào đón chiến lược “Made in China của” Trung Quốc.
Tuy nhiên trong kế hoạch của Trung Quốc, họ không có vẻ đang hướng đến một cuộc hợp tác “win-win”.
Họ nhấn mạnh vào các cụm từ “đổi mới bản địa” và “tự cung tự cấp”
Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025, Trung Quốc đạt 70% “tự cung tự cấp” trong những thiết bị và nguyên liệu chính cho công nghệ cao, như: tự sản xuất 40% chip di động, 70% robot công nghiệp và 80% thiết bị năng lượng tái chế.
Để đạt được điều này, chính phủ Trung Quốc bảo trợ và tài trợ một lượng tiền cực lớn cho ngành sản xuất công nghệ cao trong nước. Khiến các công ty công nghệ cao nước ngoài không chỉ không thu lợi được từ chiến lược này, mà còn phải đối mặt với nguy cơ bị cạnh tranh khủng khiếp trên mọi thị trường trong tương lai.
Hành động này của Trung Quốc đang bị xem xét là vi phạm tự do thương mại của WTO.
Nếu kế hoạch thành công, những Quốc gia đang phát triển khác sẽ chịu thiệt hại nặng nề
Trung Quốc thể hiện tham vọng không hề muốn bắt tay với những nền kinh tế công nghệ cao hiện nay như Mỹ, Đức, Hàn, Nhật, mà là thay thế toàn bộ các quốc gia trên.
Theo biểu đồ trên, rất nhiều Quốc gia sẽ bị ảnh hưởng kinh tế khi Trung Quốc thống trị ngành công nghệ cao. Với công nghệ tiên tiến và lợi thế về giá, không một Quốc gia nào có thể cạnh tranh lại Trung Quốc, như cái cách mà Trung Quốc đang thống trị những mặt hàng cơ bản hiện nay.
Nếu hàng giả, hàng giá rẻ Trung Quốc đã từng bóp chết không biết bao nhiêu công ty toàn cầu, thì trong tương lai hàng công nghệ cao giá rẻ Trung Quốc sẽ một lần nữa bóp nghẹt rất nhiều Quốc gia đã phát triển trên Thế Giới.
Họ muốn thống trị mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi giá trị Toàn cầu, và trở thành Quốc gia đứng đầu Thế Giới
Công nghệ cao được coi là phân khúc có giá trị nhất trong chuỗi cung ứng Toàn cầu. Làm chủ được công nghệ cao sẽ giúp Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ về cả kinh tế lẫn quyền lực đối ngoại.
Nếu Made in China 2025 thành công, vị thế cường quốc số 1 Thế Giới của Mỹ hiện nay sẽ có thể thuộc về Trung Quốc.
Tham vọng phát triển đất nước là một tham vọng chính đáng, nhưng với những chiến lược của Trung Quốc, họ có vẻ đang không quan tâm tới những Quốc gia khác để hình thành nên một thế cờ đôi bên cùng có lợi. Quyền lợi của Mỹ và các quốc gia phát triển khác đang bị đe dọa nghiêm trọng, nên không có gì lạ khi họ không hề thích chiến lược này của Trung Quốc.
2. Liệu Trung Quốc sẽ thành công?
Trong phần 1 của loạt bài này, ta đã đi qua những dẫn chứng cho thấy Mỹ đang chịu thách thức từ công nghệ Trung Quốc lớn đến như nào. Sự phát triển của Trung Quốc giống như một con tàu, đã khởi hành thì chỉ có thể nhanh hơn và khó có thể dừng lại được.
Tuy nhiên, câu chuyện của Trung Quốc cũng không phải là chuyện cổ tích. Họ cũng đang vấp phải những cản trở đáng kể, hãy cùng điểm qua 2 yếu tố chính: Công nghệ và Nhân tài.
Công nghệ
Thách thức: Mặc dù Made in China 2025 nhắm đến “tự cung tự cấp” các thiết bị công nghệ cao, hiện nay Trung Quốc vẫn còn đang cách khá xa mục tiêu đó. Thậm chí họ còn đang phải phụ thuộc khá nhiều vào các nhà cung cấp công nghệ nước ngoài để sản xuất. Những nhà sản xuất trong nước khó có thể đáp ứng được nhu cầu thiết bị cần thiết cho phát triển trong tương lai gần về cả chất lượng lẫn số lượng.
Minh chứng rõ ràng nhất trong việc này chính là hãng thiết bị viễn thông lớn thứ 2 Trung Quốc, ZTE đã gần như phá sản chỉ sau một lệnh cấm vận của Mỹ.
Dấu hiệu tích cực cho Trung Quốc: Nguồn hỗ trợ từ chính phủ là trên cả tuyệt vời để nghiên cứu và phát triển quy mô, cộng với chiến lược mua lại công ty nước ngoài để sở hữu trí tuệ và dây chuyền nhanh chóng, công nghệ Trung Quốc đang phát triển rất nhanh về cả chất lượng lẫn số lượng.
Nhân tài
Thách thức: Trung Quốc hiện đang không có đủ nhân lực trình độ cao để chuyển đổi nhanh sang sản xuất thông minh. Tình trạng thiếu công nhân lành nghề trong lĩnh vực công nghệ cao này diễn ra ở nhiều Quốc gia, nhưng ở Trung Quốc thậm chí còn bi đát hơn.
Dấu hiệu tích cực cho Trung Quốc:
- Hệ thống giáo dục của Trung Quốc, đặc biệt là các trường Đại học đang nỗ lực hết sức để đào tạo ra đủ lượng chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cao. Theo Times Higher Education, Trung Quốc ngày càng có nhiều trường Đại học lọt top 100 trường Đại học Uy tín nhất Thế Giới. Năm 2018 Trung Quốc có 6 trường lọt top, trong đó Đại học Thanh Hoa đứng thứ 14.
- Nhân tài hồi hương: 10 năm trước đây, Trung Quốc còn đang loay hoay với tình trạng chảy máu chất xám, khi những sinh viên ưu tú nhất của họ đều đổ xô ra nước ngoài học tập và sinh sống. Thì hiện giờ, đang có một làn sóng hồi hương mạnh mẽ của họ, mang theo tri thức và tiền tài về lại nước. Trong năm 2016, hơn 430,000 du học sinh Mỹ tốt nghiệp quay về Trung Quốc - tăng 22% so với năm 2013.
Ngoài ra Trung Quốc cũng có một chế độ thu hút nhân tài đáng ngưỡng mộ: chỉ cần có bằng thạc sĩ trở lên, bạn được đảm bảo một mức lương ít nhất 1,300 USD; nếu có bằng tiến sĩ, bạn sẽ được hỗ trợ 50% số tiền để mua nhà ở thành phố lớn. Nhân tài của thung lũng Silicon đang chuyển dịch về Trung Quốc.
Đây đang là 2 điểm yếu nhất trong chiến lược Made in China 2025, và cũng là 2 điểm Mỹ phải tấn công vào nếu muốn lật ngược thế cờ trong cuộc chiến mà Trung Quốc đang có vẻ nhanh chân hơn - cùng với nỗ lực cách ly Trung Quốc khỏi thị trường Quốc tế mà Mỹ đã nhiều năm theo đuổi. Trong bài viết cuối cùng của loạt bài, chúng ta hãy xem Mỹ đã và đang làm những gì, và tác động của chúng lên Trung Quốc ra sao.
Surphi10