Bài học từ Sikkim - bang đầu tiên chuyển sang nông nghiệp hữu cơ 100% của Ấn Độ
Nằm trên khu vực miền núi phía đông Ấn Độ, bang Sikkim đã trở thành nơi đầu tiên chuyển sang phương thức canh tác nông nghiệp hữu cơ (organic) 100% ở đất nước này. Khi đến thăm Sikkim, bạn sẽ không thể tìm thấy dấu vết của phân hóa học, thuốc trừ sâu hay thực phẩm biến đổi gen (GMO) tại bang này.
Nhờ sự thành công sau hơn 1 thập kỷ nỗ lực, đến nay, Sikkim được coi là hình mẫu đáng noi theo, không chỉ cho các bang khác ở Ấn Độ mà còn cho cả thế giới.
Vào cuối năm 2015, tất cả các trang trại ở bang Sikkim đã được chứng nhận 100% hữu cơ. Thông tin này được công bố chính thức bởi Thủ tướng Ấn Độ vào ngày 18/01/2016, đánh dấu bước ngoặt lớn trong nền nông nghiệp hữu cơ của quốc gia này.
Điều này rất quan trọng, bởi nó cho thấy sự khả thi trong việc canh tác nông nghiệp hữu cơ trên diện rộng. Giờ đây, những cư dân ở Ấn Độ nói riêng và trên toàn thế giới nói chung đang học hỏi sự thành công của Sikkim và tự hỏi liệu việc canh tác thực phẩm hữu cơ có thể thành công ở những khu vực khác không?
Từ sau khi chuyển sang hữu cơ 100%, sức khỏe của cư dân địa phương đã được cải thiện rõ rệt. Thương hiệu Sikkim Organic ngày càng phổ biến với các sản phẩm như gạo, đậu, gừng, cam, bạch đậu khấu và nghệ. Nhờ sự gia tăng nhu cầu về sản phẩm hữu cơ, thu nhập của nông dân ở Sikkim đã tăng lên 20% so với trước đây.
Bên cạnh đó, nông nghiệp Organic cũng hỗ trợ đắc lực cho lĩnh vực du lịch tại Sikkim khi số lượng các tour du lịch và nghỉ dưỡng nông trại ở bang này ngày càng tăng. Du khách có thể ở lại các trang trại, thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên của dãy Himalaya và dùng thực phẩm hữu cơ sạch nổi tiếng của bang Sikkim.
Để có được thành công như ngày hôm nay, người dân ở Sikkim đã phải trải qua 12 năm khó khăn với chiến dịch “hữu cơ hóa” này. Từ năm 2003, chính quyền ở bang này đã quyết định xóa sổ thuốc trừ sâu trên toàn bộ nông trại địa phương - một bước đi táo bạo chấn động cả Ấn Độ, một đất nước có nền nông nghiệp lớn mạnh nhờ sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu để xóa đói giảm nghèo và giảm sự phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài.
Việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học bừa bãi đã khiến bang Sikkim phải đối mặt với các vấn đề về ô nhiễm môi trường và sức khỏe. Do đó, bộ trưởng Pawan Chamling tuyên bố tầm nhìn của ông là đưa Sikkim trở thành bang đầu tiên của Ấn Độ hoàn toàn hữu cơ.
Để chiến dịch thành công, chính phủ Ấn Độ đã có những sự hỗ trợ đầy đủ và các phương án thực hiện đúng đắn. Chính quyền Sikkim đã cắt giảm và cấm hẳn nguồn cung cấp thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, đưa ra các chương trình giáo dục và lắp đặt hàng ngàn hố ủ phân.
Nhiều công nghệ như bẫy pheromone để kiểm soát ruồi giấm, thuốc trừ sâu sinh học và phân bón sinh học đã được sử dụng. Các loại hộp nhựa đựng nông sản cũng được thay bằng lá gói. Luật pháp được ban hành với những khoản phạt tiền và thậm chí là bỏ tù đối với các trường hợp sai phạm.
Điều tốt nhất trong phương án của chính quyền bang Sikkim là truyền bá chiến dịch một cách rõ ràng để mọi người hiểu rõ và chung tay thực hiện. Dự án đã được giới thiệu với hàng triệu người dân Ấn Độ qua một talkshow nổi tiếng của nước này vào năm 2012.
Thủ tướng Ấn Độ khuyến khích các bang khác ở nước này noi theo gương của Sikkim. Theo ông, “Sikkim đã đi tiên phong, và những gì chúng ta đang nhìn thấy là kết quả của sự chăm chỉ và niềm tin mãnh liệt vào một lý tưởng”. Việc tăng cường nông nghiệp hữu cơ trên thế giới không hề đơn giản, nhưng điều này thật đáng để thực hiện.
Trên thực tế, Ấn Độ không phải là nơi duy nhất thành công với thực phẩm hữu cơ. Các nước như Cuba và Đan Mạch là các nước đang phát triển quy mô nông nghiệp hữu cơ. Đặc biệt, ở Hoa Kỳ, doanh số bán thực phẩm hữu cơ của nước này vào năm 2015 đã đạt gần 37 tỷ đô la, tăng 12% so với năm trước đó.
Sikkim đã vượt qua những thách thức đáng kể để truyền cảm hứng cho các khu vực khác đi theo con đường nông nghiệp hữu cơ, hoặc ít nhất là thử phương pháp canh tác sử dụng ít chất độc hại đến môi trường hơn. Đây sẽ là một bước tiến lớn trong việc cải thiện sản xuất lương thực và sức khỏe của người dân trên toàn thế giới.
Linh Nguyễn Lê