Chính phủ điện tử (Phần 2): Quá trình xây dựng chính phủ điện tử
“Cái gì đo lường được là sẽ quản trị được” - đây là phương châm của những nhà quản trị hàng đầu Thế Giới. Và để đo lường sự hoàn thiện của chính phủ điện tử, Liên Hợp Quốc đã cho ra đời bộ chỉ số EGDI (Chỉ số phát triển chính phủ điện tử).
Căn cứ theo bộ chỉ số này, ta có thể định hướng được quá trình xây dựng và phát triển chính phủ điện tử cho Quốc gia. Bộ chỉ số này bao gồm 3 yếu tố:
1. Sự đầy đủ của cơ sở hạ tầng viễn thông
Yếu tố này bao gồm số lượng người sử dụng điện thoại, số lượng người sử dụng internet, độ phủ sóng của mạng viễn thông, v.v..
2. Năng lực của người dân để phát triển và sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Khi có đầy đủ cơ sở vật chất, yếu tố tiếp theo là người dân phải có đủ trình độ và khả năng để sử dụng dịch vụ công trên mạng, cũng như giao tiếp với chính phủ trực tuyến. Yếu tố này được thể hiện qua tỷ lệ dân số biết đọc biết viết, tỷ lệ phổ cập tiểu học, trung học v.v...
3. Sự sẵn có của nội dung và dịch vụ công trực tuyến
Cuối cùng, khi đã có đầy đủ 2 điều kiện nền tảng phía trên, chính phủ đã sẵn sàng để đưa các kênh giao tiếp, và dịch vụ công lên mạng. Có 4 mức độ triển khai dịch vụ công trực tuyến:
- Cấp độ 1: Thiết lập kênh giao tiếp 1 chiều. Đưa những thông tin chính phủ lên mạng, như luật, thủ tục hành chính, các văn bản về nghị định, v.v.. Để người dân có thể tiếp cận và tìm hiểu thông tin.
- Cấp độ 2: Hoàn thiện kênh giao tiếp 1 chiều. Đảm bảo người dân có thể tải xuống những mẫu kê khai, những bảng biểu cần thiết để làm hồ sơ giao tiếp với chính phủ. Ở cấp độ 2, người dân vẫn phải nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.
- Cấp độ 3: Thiết lập kênh giao tiếp 2 chiều. Cho phép người dân có thể điền và gửi các hồ sơ, khai báo trực tuyến. Tuy nhiên ở mức độ 3, người dân vẫn phải nộp lệ phí và nhận hồ sơ/nhận tư vấn trực tiếp ở các cơ quan chính quyền.
- Cấp độ 4: Hoàn thiện kênh giao tiếp 2 chiều. Người dân và chính quyền có thể giao tiếp hoàn toàn qua mạng. Người dân có thể điền, gửi, nộp lên phí, nhận tư vấn và nhận kết quả trực tuyến, không cần đến các cơ quan chính quyền. Cấp độ 4 cũng đề cao sự tương tác qua lại giữa 2 bên, chính quyền khuyến khích người dân góp ý, và đề xuất, cũng như tham gia vào các quá trình quyết định của chính quyền.
Để hiểu rõ lộ trình phát triển chính phủ điện tử, chúng ta hãy nhìn qua nước bạn Singapore. Kế hoạch của họ đã bắt đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Họ bắt đầu bằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng.
Lúc này họ đã xây dựng được nền tảng cần thiết để triển khai chính phủ điện tử. Họ bắt đầu đưa những dịch vụ công, những kênh giao tiếp lên mạng một cách liên tục và dần dần. Trong những năm 2010, 92% các dịch vụ công của Singapore được cung cấp trực tuyến.
Để đảm bảo thành công chính phủ điện tử, Singapore đã quyết tâm không bỏ lại ai phía sau. Họ đã thành lập các trung tâm kết nối công dân với nhiệm vụ là trạm cung cấp các thiết bị kết nối internet, và hỗ trợ bất kỳ ai cần sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, từ lập hồ sơ điện tử, khai báo thuế, vay mượn ngân hàng, hay các dịch vụ tư pháp.
Để duy trì thành công, Singapore tiếp tục phát triển đồng bộ cả 3 tiêu chí. Đến nay, 85% dân số Singapore sử dụng các thiết bị kết nối Internet, với mạng lưới internet đứng đầu Thế Giới về băng thông.
Họ tập trung vào hướng dẫn cho những đối tượng khó khăn - có hơn 5000 cơ sở đào tạo về công nghệ thông tin và các nguồn tài nguyên máy tính cho người khuyết tật và người già ở Singapore.
Họ từng gặp khó khăn trong việc đưa toàn bộ dịch vụ công, và thông tin lên mạng. Việc tổ chức dữ liệu tỏ ra rất phức tạp. Cổng thông tin chính phủ của họ rất rối rắm và nhiều lỗi với hơn 11.000 loại dữ liệu khác nhau - chúng chỉ là 1 đống lộn xộn, không hề thân thiện với người dân.
Những dữ liệu này cũng không đồng bộ tức thời với tất cả các cơ quan, nên thường xuyên những thông tin này bị lỗi thời khi các cơ quan “quên” cập nhật.
Để giải quyết điều đó, họ đã sử dụng mô hình API để giải quyết điều này. Nôm na là họ xây dựng một kho dữ liệu chung cho mọi cơ quan, và tạo nên những cái "cổng" để những ban ngành cụ thể, có thể làm việc với những dữ liệu cụ thể liên quan tới họ.
Kết quả là, việc lưu trữ dữ liệu không bị chồng chéo nhau nữa, các cơ quan phải chủ động, chịu trách nhiệm trong việc đồng bộ, sắp xếp, và chuyển giao dữ liệu của mình. Họ cũng chú trọng hơn vào việc phân loại và cải thiện giao diện, giúp người dân thuận tiện hơn trong việc truy cập và sử dụng.
Với lộ trình đồng bộ, Singapore đã gặt được những kết quả ngọt ngào. Họ hiện đang đứng trong top 10 Quốc gia có chỉ số phát triển chính phủ điện tử cao nhất Thế Giới (đứng đầu là Đan Mạch).
Và với bộ não thông minh như vậy, Singapore hiện đang là một trong những Quốc gia thông minh nhất trên Thế Giới. Mọi mặt ở Singapore được tổ chức thông minh hoàn hảo.
Từ cuộc sống thông minh (Smart Living), đô thị thông minh (Smart HDB Town Framework), đến quy hoạch thông minh (Smart Planning), môi trường thông minh (Smart Environment), kiến trúc thông minh (Smart Estate), và nơi ở thông minh (Smart Living).
Người bạn láng giềng này thật sự là một tấm gương để cho chúng ta học hỏi và phát triển chính phủ điện tử. Trong số tiếp theo, chúng ta sẽ cùng khái quát xem tình hình phát triển chính phủ điện tử ở nước ta.
Surphi10