Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Học sinh làm robot giải quyết các vấn đề xã hội

See this content in the original post

Với các chủ đề như giải cứu đại dương, giải cứu rừng, thiết kế sáng tạo,…học sinh đến từ khắp cả nước đã có những mô hình robot sáng tạo nhằm phục vụ, giải quyết những vấn đề của xã hội.

Chung kết cuộc thi “Tài năng robot - IYRC VIỆT NAM 2018” diễn ra vào ngày 5.8. Cuộc thi do đơn vị International Youth Robot Association (IYRA), Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ, Thành đoàn TP.HCM và  Công ty Giáo dục ELI, Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp SIHUB trực thuộc Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM tổ chức.

150 thí sinh được chia ra thành 2 bảng thi gồm bảng cá nhân và bảng đồng đội. Đối với bảng cá nhân sẽ thi đấu ở 2 chủ đề là tái chế vật liệu, giải cứu rừng; còn bảng đồng đội thì giải cứu đại dương, chiếc cầu tình bạn, bóng đá, sáng tạo Tiểu học và sáng tạo Trung học.

Robot cứu thương

Bên cạnh các bảng thi đấu bóng đá vô cùng gây cấn, thì các thí sinh ở những bảng đấu sáng tạo lại “cân não” sáng chế những con robot có thể giải quyết được những vấn đề của đời sống xã hội.

Bùi Gia Khánh (lớp 7, Trường THCS Lê Lợi, Q.Tân Phú, TP.HCM) và đồng đội thực hiện mô hình con robot cứu thương.

Nhóm tác giả với con robot hỗ trợ cứu thương

Với mô hình này, đội của Khánh sẽ sáng chế ra những con robot chạy vòng vòng quanh các công viên, khu vui chơi, nơi tập trung nhiều trẻ nhỏ. “Những trẻ nhỏ khi đi chơi thường rất tinh nghịch và dễ bị té ngã, hay gặp tai nạn. Chính vì thế mà con robot này được thiết kế để chạy quanh những khu vui chơi, nếu có tình huống xảy ra có thể ứng phó kịp thời”, Khánh lý giải.

Khánh cũng phân tích về nguyên lý hoạt động của robot: “Khi bị thương chúng ta chỉ cần ấn vào nút trên con robot và ngay lập tức robot sẽ kết nối với bác sĩ để theo dõi trực tiếp tình trạng vết thương của bạn. Đi kèm với đó, con robot luôn được trang bị đầy đủ các loại thuốc và người bị thương chỉ cần làm theo hướng dẫn của bác sĩ từ xa. Nếu vết thương nằm ở những chỗ khó bôi thuốc, hoặc băng bó thì cánh tay robot sẽ phụ giúp chúng ta băng bó vết thương theo sự điều khiển của bác sĩ”.

Giúp trẻ em không còn sợ bệnh viện

Còn 3 học sinh Vũ Gia Phú, Phan Hải Hà, Nguyễn Nam Khánh (cùng học lớp 5) Trường tiểu học Khương Thượng (Hà Nội) thì mang đến mô hình Bệnh viện robot thông minh.

Trong Bệnh viện robot này sẽ có những mô hình thông minh, như giường robot dành cho người bị bại liệt. Với chiếc dường này, người bị bệnh chỉ cần làm những cử chỉ như vỗ tay (nếu tay còn hoạt động), hoặc giọng nói, hay chỉ cần phát ra tiếng động thì chiếc giường sẽ tự động thay ra giường cho người bệnh.

Nhóm tác giả thuyết trình về mô hình bệnh viện robot thông minh

Đặc biệt hơn là chiếc giường robot thực tế ảo, chiếc giường này sẽ dành cho những bệnh nhân nằm lâu ngày trong bệnh viện và mong muốn được nhìn thấy thế giới bên ngoài. Chiếc giường được gắn những màn hình với công nghệ thực tế ảo, tại đây sẽ chiếu những cảnh, đời sống sinh hoạt ở bên ngoài. Điều đặc biệt của công nghệ này là giúp người bệnh dù nằm trong bệnh viện vẫn có cảm giác như đang sống bên ngoài đời thực.

“Với mô hình này em mong muốn trẻ em nếu chẳng may bị bệnh sẽ không còn có cảm giác sợ bệnh viện nữa. Hoặc những bạn không may mắc phải những căn bệnh ung thư và phải điều trị lâu ngày trong bệnh viện cũng sẽ không có cảm giác chán nản hay buồn phiền mà thay vào đó là có động lực hơn để chiến đấu với bệnh tật”, Hải Hà chia sẻ.

Gia Phúc cũng chia sẻ thêm: “Mô hình này tụi em sử dụng tất cả bằng năng lượng mặt trời. Với mục đích là giảm được chi phí viện phí, từ đó giúp được cho nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn vẫn có cơ hội để điều trị bệnh”.

Giải quyết bữa ăn cho người vô gia cư

Còn với trăn trở về nạn đói còn tái diễn nhiều nơi trên thế giới, cũng như còn nhiều mảnh đời khó khăn, thiếu thốn về bữa ăn, nhóm học sinh đến từ Trường tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền (Q.Tân Bình, TP.HCM) đã nghiên cứu và lắp ráp thành mô hình khu vườn khép kín.

Mô hình nhằm giải quyết bữa ăn cho người nghèo và vô gia cư

Lý Nguyễn Bạch Dương (10 tuổi, thành viên nhóm) cho biết với mô hình này, thức ăn sau khi ăn xong tại các nhà hàng sẽ được thải ra ngoài và có một thùng đựng rau củ, thức ăn thừa. Khi thùng rác đầy, cảm biến hồng ngoại sẽ tự động đóng nắp lại, cùng với đó là bộ phận Speaker sẽ phát ra tiếng kêu để xe robot đến vận chuyển thức ăn thừa qua khu xử lý.

Tại đây sẽ ép để tách thành phần nước và bả. Bả sau khi được tách sẽ được ủ thành phân bón và được vận chuyển sang nhà kính để trồng rau. Rau, quả của nhà kính sau khi chín, được thu hoạch và các xe vận chuyển sẽ mang đến các trạm thức ăn để bán rẻ hoặc phát miễn phí cho người nghèo, người vô gia cư.

Hoa Nữ - Báo Thanh niên

Bài gốc

See this content in the original post