Dịch vụ công online: Nghiên cứu nhân rộng điển hình TPHCM
Trước các thông tin ấn tượng từ TPHCM, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã đề nghị các cơ quan chức năng “nghiên cứu, phát triển và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem có thể nhân rộng kinh nghiệm và mô hình từ TPHCM với các điển hình cải cách TTHC thành công hay không”.
Được xem là điển hình thành công trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đặc biệt là cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, TPHCM đã được tuyên dương với các đột phá được báo cáo tại Hội nghị trực tuyến về “Nâng cao Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính” mới diễn ra sáng ngày 11/9 vừa qua.
Trong đó, đáng chú ý nhất là sáng tạo về “Thực hiện cấp phép xây dựng thuộc thẩm quyền Sở Xây dựng TPHCM theo cơ chế liên thông một cửa điện tử” từ tháng 10 năm 2017.
Cụ thể, quy trình này cho phép Sở Xây dựng thực hiện đồng thời cả 3 thủ tục, gồm: thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật (hoặc thiết kế bản vẽ thi công) và cấp giấy phép xây dựng. Đồng thời thực hiện liên thông điện tử với các cơ quan quản lý nhà nước có chức năng khác để trao đổi thông tin cần thiết nhằm đảm bảo sự phù hợp của công trình xây dựng với lĩnh vực chuyên ngành có liên quan.
Quy trình này đã giúp rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ TTHC trên từ 122 ngày (theo quy định) xuống còn 42 ngày. Đến nay, tỷ lệ hồ sơ cấp phép xây dựng theo quy trình liên thông chiếm 31,1% (97/312 hồ sơ), tức đang chiếm 1/3 tổng số hồ sơ cấp giấy phép xây dựng mà Sở Xây dựng TPHCM đang tiếp nhận và giải quyết.
Điển hình tiếp theo là ứng dụng “tận răng” công nghệ thông tin để tăng cường chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại Quận Bình Thạnh.
Theo đó, trước thực tế tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn ở địa bàn này chỉ đạt 90%, Quận đã thực hiện hàng loạt cải cách TTHC. Nổi bật nhất là quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đô thị từ tháng 9 năm 2016. Đây là hệ thống thông tin được xây dựng trên nền tảng công nghệ GIS, với các dữ liệu được số hóa liên thông, toàn diện cả ở chiều dọc lẫn chiều ngang; từ lãnh đạo đến từng phó, trưởng các phòng ban và công chức; từ cấp quận đến cấp phường.
Với ứng dụng này, cả 3 đối tượng có liên quan là công dân/tổ chức/DN, công chức và lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước đều được “hưởng lợi”. Chỉ cần tải ứng dụng về thiết bị có nối mạng, người dân có thể nộp hồ sơ trực tuyến, tra cứu tiến độ hồ sơ, được đảm bảo thông tin công khai minh bạch; có thể tra cứu thông tin quy hoạch đất đai.
Ứng dụng cũng nhận phản ánh từ người dân về tình hình vệ sinh môi trường, trật tự đô thị để chính quyền địa phương nhanh chóng kiểm tra và xử lý kịp thời. Đến nay đã có hơn 15 nghìn lượt người dân tham gia tải ứng dụng và hơn 10 nghìn thông tin phản ánh các vi phạm trật tự, môi trường đã được chuyển đến chính quyền thông qua ứng dụng này.
Nhờ có ứng dụng điện tử nên dù đi thực tế ở địa bàn, cán bộ công chức vẫn có thể tham gia giải quyết hồ sơ, TTHC cho người dân/DN/tổ chức. Lãnh đạo các phòng ban qua đây cũng có thể quản lý tiến độ xử lý công việc của nhân viên sát sao hơn trước. Vậy nên chỉ sau vài năm thực sự “chuyển mình”, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn của Quận Bình Thạnh đã tăng lên 99%.
Trước các thông tin ấn tượng từ TPHCM, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã đề nghị các cơ quan chức năng “nghiên cứu, phát triển và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem có thể nhân rộng kinh nghiệm và mô hình từ TPHCM với các điển hình cải cách TTHC thành công hay không”.
Phương Hiền - Cổng thông tin điện tử chính phủ TP.HCM