Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

TP.HCM: Vận động người dân chung tay xây dựng thành phố thông minh

See this content in the original post

TP sẽ luôn đồng hành, cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các nhà đầu tư để xây dựng TP.HCM sớm trở thành đô thị thông minh (smart city).

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến tham quan các sản phẩm, công nghệ và giải pháp trong việc xây dựng đô thị thông minh trưng bày tại hội nghị.

Đó là nội dung được Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nêu ra tại hội nghị mời gọi đầu tư xây dựng trung tâm điều hành smart city, Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội thuộc Đề án xây dựng TPHCM trở thành smart city do UBND TP tổ chức ngày 15/9.

Huy động nguồn lực đầu tư cho smart city

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Dương Anh Đức cho biết: Trung tâm Điều hành smart city là nơi tổng hợp các nguồn thông tin, dữ liệu quan trọng của đô thị phục vụ điều hành quản lý tổng thể của lãnh đạo TP. Qua đó giúp giám sát, phân tích đánh giá chất lượng dịch vụ, hỗ trợ ra quyết định, xây dựng cơ chế, chính sách, định hướng phát triển TP. Đồng thời, Trung tâm Điều hành smart city tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng dễ dàng giao tiếp, phối hợp và đồng bộ các thông tin hoạt động theo thời gian thực để cung cấp bức tranh toàn cảnh về các hoạt động của TP cho lãnh đạo các cấp, giúp nâng tầm chất lượng các dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN).

Đối với trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội TPHCM, trong giai đoạn 2018 - 2020, có mục tiêu mô phỏng xu hướng phát triển trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đối với các lĩnh vực có liên quan đến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu thuộc giai đoạn 2015 - 2020 của TP phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Thành ủy, UBND TP và các cơ quan có liên quan; đáp ứng yêu cầu thông tin cần thiết phục vụ công tác ra quyết định của lãnh đạo TP.

Còn trong giai đoạn 2021 trở đi, mở rộng phạm vi mô phỏng xu hướng phát triển đối với tất cả lĩnh vực thuộc Đề án smart city phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Thành ủy, UBND TP và các cơ quan có liên quan. Nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu thông tin cần thiết phục vụ công tác ra quyết định của lãnh đạo TP.

Cũng tại hội nghị, trả lời câu hỏi của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đặt ra về mô hình đầu tư hợp lý smart city của TP, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tiến bộ Quốc tế (AIC) Nguyễn Thị Thanh Nhàn khẳng định, không thể có một mô hình nào để một DN, tổ chức làm toàn bộ cho TP mà cần có sự huy động lực lượng khác nhau và cùng phối hợp đầu tư cho TP trong tương lai.

Về tiêu chí để lựa chọn DN đầu tư vào TP, theo bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, TP cần chọn những DN có sự mạnh dạn trong việc đầu tư những mô hình giúp TP trải nghiệm trước, nhìn thấy thực tiễn. Về đầu ra của các trung tâm trong smart city là tạo tiện ích cho tất cả các đối tượng như người dân, học sinh - sinh viên, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, các cơ quan chuyên môn….

Trong khi đó, ông Lê Dương Lâm, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Crowbiz (Mỹ) cho rằng: Xây dựng thành phố thông minh phải có giao thông thông minh và đều phải sử dụng khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Trong đó, có thể ứng dụng nền tảng đám mây Google (GCP), bigdata, tiền xử lý, phân tích dữ liệu thời gian thực hoặc dùng apps, sms.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu kết luận hội nghị.

Chung tay xây dựng thành phố thông minh

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết: Phát triển smart city ở Việt Nam nói chung và tại TPHCM nói riêng nhằm hướng tới mục tiêu là tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; phát huy các tiềm năng, lợi thế; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối đa hiệu quả tài nguyên con người; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; tăng cường sự tham gia giám sát của người dân; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị; nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế, hội nhập quốc tế…

Vì vậy, chính quyền TP sẽ triển khai nhiều giải pháp trọng tâm, các điều kiện cần và đủ để tập trung thực hiện sớm đạt kết quả mà Đảng bộ và Nhân dân TP giao. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề nghị các ngành, đặc biệt là Sở Thông tin và Truyền thông TP, với tư cách là cơ quan thường trực của đề án nhanh chóng triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch của Đề án smart city. Đồng thời, xác định các lĩnh vực cụ thể để triển khai thực hiện ngay trong năm 2018. Các sở, ngành, quận, huyện tập trung công tác tuyên truyền để vận động người dân TP chung tay xây dựng thành phố thông minh.

Mặt khác, tiếp tục khuyến khích mời gọi các DN, thành phần kinh tế tham gia xây dựng smart city. Sở Thông tin và Truyền thông TP phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện để bổ sung, hoàn chỉnh các dữ liệu thích ứng với công nghệ; từ đó tham mưu cho Ban Điều hành Đề án smart city để đưa vào ứng dụng giúp các tổ chức, DN luôn thích ứng với các xu thế, nâng cao cải tiến công nghệ.

“Xây dựng đô thị thông minh là một quá trình liên tục và mang tính chất mở, cần phải thường xuyên cập nhật, bổ sung và hoàn chỉnh. Do đó, Ban Điều hành Đề án đô thị thông minh sẽ tiếp tục tiếp nhận các ý kiến của người dân, DN, tổ chức, các nhà khoa học trong quá trình tổ chức thực hiện đảm bảo việc triển khai được hiệu quả. TP sẽ luôn đồng hành, cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các nhà đầu tư để xây dựng TPHCM sớm trở thành đô thị thông minh như mục tiêu mà đề án đã xác định” - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Nguyễn Lý - Khampha.vn

Bài gốc

See this content in the original post

Xem thêm

See this content in the original post