Tầm soát bệnh tim bẩm sinh bằng công nghệ 4.0
Dự kiến, hơn 30 ngàn trẻ ra đời trong năm 2018-2019 được hưởng lợi từ dự án này. Đối với các trẻ phát hiện bệnh, nếu gia đình khó khăn sẽ được chương trình Trái tim cho em tài trợ kinh phí phẫu thuật/ can thiệp miễn phí.
Ngày 18/9/2018, tại Bệnh viện Sản Nhi An Giang đã diễn ra lễ công bố khởi động dự án “Phát hiện sớm bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh tại An Giang”. Đây là dự án trọng điểm nằm trong chuỗi hoạt động của chương trình “Trái tim cho em” do Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) và Đài Truyền hình Việt Nam đồng sáng lập từ năm 2008.
Theo đó Viettel đầu tư trang thiết bị gồm Ống nghe tim điện tử, Máy đo bão hoà oxy, cùng với hệ thống phần mềm quản lý trị giá gần 1, 6 tỷ đồng cho gần 30 cơ sở y tế tại An Giang.
Dự án được triển khai sẽ giúp các cơ sở sản khoa trên địa bàn tỉnh An Giang có thể hội chẩn nhanh chóng với các bác sỹ tim mạch của Trung tâm tim mạch Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Tim mạch An Giang, từ đó phát hiện bệnh tim bẩm sinh kịp thời và có phác đồ điều trị sớm cho các trẻ bị bệnh tim bẩm sinh.
Dự kiến, hơn 30 ngàn trẻ ra đời trong năm 2018-2019 được hưởng lợi từ dự án này. Đối với các trẻ phát hiện bệnh, nếu gia đình khó khăn sẽ được chương trình Trái tim cho em tài trợ kinh phí phẫu thuật/ can thiệp miễn phí.
Trước đó, để tầm soát bệnh tim, trong suốt 10 năm, chương trình Trái tim cho em đã tiến hành khám sàng lọc cho hơn 100.000 trẻ em tại hơn 45 tỉnh thành trên cả nước. Việc ứng dụng công nghệ vào phát hiện bệnh tìm sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, công sức của đội ngũ y bác sĩ, các nhà tài trợ, đồng thời hỗ trợ điều kiện tốt nhất để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh.
“Tôi mong muốn đây là dự án Nhân đạo, nhưng đồng thời cũng là dự án Khoa học, là hình mẫu ứng dụng công nghệ 4.0 vào chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em An Giang nói riêng và người dân cả nước nói chung”, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu – PGĐ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khẳng định tại sự kiện.
“Bệnh tim bẩm sinh là bệnh thường gặp, chúng ta có thể phát hiện điều trị sớm. Là bác sĩ, chúng tôi muốn tìm phương tiện tối thiểu nhất nhưng hiệu quả nhất để các đồng nghiệp phát hiện sớm bệnh tim cho các cháu bé. Cùng với Viettel, chúng tôi đã khởi động dự án này ở An Giang. Ví dụ, chiếc ống nghe được tài trợ khá đặc biệt, có khả năng khuếch đại âm thanh, sau đó qua internet truyền tín hiệu tiếng tim về hệ thống.
Cùng ý tưởng về việc ứng dụng công nghệ chăm sóc sức khoẻ 4.0 với Viettel, hiện nay chúng tôi đã xây dựng phần mềm quản lý, có tính năng bảo đảm, lưu giữ, phân tích tiếng tim được các cơ sở y tế gửi về. Khi hệ thống cảnh báo, các bác sĩ sẽ chẩn đoán và có chỉ định điều trị kịp thời cho gia đình người bệnh. Đây là cơ hội để chúng ta dùng CNTT vào quản lý sức khoẻ cho mọi người”, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết.
Với sự đầu tư của Viettel, cùng với sự hỗ trợ của Sở y tế An Giang, Bệnh viện Tim mạch An Giang, Bệnh viện Sản Nhi An Giang, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và chương trình “Trái tim cho em” tin rằng dự án sẽ được thử nghiệm thành công tại An Giang và sớm được nhân rộng mô hình ra cả nước qua đó góp phần sàng lọc và phát hiện kịp thời bệnh Tim bẩm sinh ở trẻ em giúp phát hiện và điều trị kịp thời cho trẻ.
Thục Quyên - Báo Tiền phong