Metro Nhổn - ga Hà Nội sẽ dùng robot đào hầm xuyên Kim Mã
Theo kế hoạch, tháng 7 tới, robot đào hầm của tuyến đường sắt đô thị (metro) Nhổn - ga Hà Nội sẽ được đưa về nước để dự kiến cuối năm nay sẽ bắt đầu đưa vào đào ngầm tại nhà ga ngầm S9 - Kim Mã.
Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, cuối tháng 1 vừa qua, các nhà thầu thi công đã hoàn thành xong việc rà phá bom mình, lắp ráp máy móc và vận chuyển container đến công trường thi công ga ngầm S9 - Kim Mã thuộc tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội.
Hiện tại, nhà thầu đang thi công các kết cấu phụ trợ, lắp đặt thùng đựng nguyên liệu, chuẩn bị hồ chứa đất đào cho kết cấu hộp ga.
Ngoài ra, nhà thầu đang triển khai thi công tường vây (tường dưới lòng đất, bao xung quanh đoạn đi ngầm). Đến nay, tại ga ngầm S9 đã có 6 trên tổng số 63 đốt tường vây được lắp đặt. Dự kiến, công tác này sẽ hoàn thành vào tháng 3, để bắt đầu đào kết cấu từ tháng 4.
Ông Lê Trung Hiếu, Phó giám đốc Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, cho biết theo kế hoạch, tháng 7 tới, robot đào hầm của tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội sẽ được đưa về nước để dự kiến, cuối năm nay sẽ bắt đầu đưa vào đào ngầm. Hiện, công tác chuẩn bị mặt bằng và giếng hạ máy đang được tích cực triển khai.
Còn đối với ga ngầm S10 - Cát Linh, hiện 26 trong tổng số 28 đốt tường vây đã được lắp đặt.
Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội nhận định, việc thi công tường vây là một trong những phần phức tạp và đòi hỏi sự kết hợp của nhiều nhân lực cùng máy móc khổng lồ. Để hoàn thành 1 đốt tường vây có chiều rộng 6 - 7,5 m, nhà thầu cầu huy động chuyên gia, kỹ sư và công nhân cùng cẩu cao gần 30 m để thi công trong 3 ngày.
Công nghệ thi công đào ngầm tuyến Nhổn - ga Hà Nội là Tunnel Boring Machine (TBM) của Italy, được áp dụng với nhiều công trình hầm trên thế giới từ 20 năm trước. Công nghệ này cũng áp dụng cho tuyến metro 1B (Bến Thành - Suối Tiên) ở TP.HCM.
Máy đào hầm TBM dạng robot điều khiển giống máy khoan hình trụ nằm ngang với đường kính 7 m - 17,5 m, đủ để chứa thiết bị máy móc và công nhân ở bên trong để vận hành. Sau khi thi công, hầm sẽ gồm 2 ống rộng 6,3 m.
Để đào hầm bằng công nghệ này, đội ngũ chuyên gia vận hành máy gồm 30 người nước ngoài (15 người làm việc dưới lòng đất và 15 người làm việc ở phía trên). Các máy sẽ khoan ở độ sâu 21 - 22 m.
Mọi hoạt động trên mặt đất diễn ra bình thường, công trình phía trên cũng không bị ảnh hưởng. Dự kiến, với địa chất nền đất cát, đất bùn ở Hà Nội, việc thi công hầm sẽ thuận lợi, mỗi ngày máy đào sẽ thi công được khoảng 10 m.
Theo Mai Hà - Báo Thanh niên