Blockchain được kỳ vọng giải quyết vấn đề thực phẩm giả
Các hệ thống truy xuất nguồn gốc hiện nay đang không mang lại hiệu quả trong việc ngăn chặn gian lận thực phẩm do thiếu một hệ thống thống nhất. Hệ thống sổ cái bất biến (immutable ledger system) của Blockchain kỳ vọng có thể giải quyết được vấn đề này.
Vào năm 2013, Cơ quan An toàn Thực phẩm của Ireland (FSA) đã thực hiện nhiều thử nghiệm trên những miếng thịt bò đông lạnh có nguồn gốc từ các siêu thị khác nhau trong khu vực.
Mục đích của việc làm này là để xem liệu thịt có bị thay đổi hoặc bị nhiễm độc hay không. Họ đã bất ngờ phát hiện ra rằng hơn một phần ba số thịt mà họ thử nghiệm có dấu vết DNA của ngựa.
Sau khi phát hiện ra, FSA đã báo cáo kết quả của họ cho các cơ quan khác ở UK có cùng hệ thống siêu thị. Dấu vết DNA của ngựa cũng được tìm thấy trong thịt ở những cửa hàng này.
Gian lận thực phẩm đã trở thành một vấn đề phổ biến trong ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu. Đó là các hành vi liên quan đến thay đổi thực phẩm, bằng cách cung cấp quảng cáo sai lệch thông qua nhãn hoặc thay đổi sản phẩm bằng cách thêm phụ gia có hại để thu lợi tài chính.
Điển hình là vụ bê bối thịt ngựa giả bò năm 2013 ở châu Âu kể trên đã bị các cửa hàng đổ lỗi cho cơ sở phân phối trước đó. Nguyên nhân nằm ở sự phức tạp và lỗi thời của chuỗi cung ứng, gây ra sự chậm trễ đáng kể trong việc xác định nguồn gốc của thịt.
Năm 2013, để đối phó với cuộc khủng hoảng thịt ngựa, EU đã phát triển Mạng lưới gian lận thực phẩm (FFN) - một lực lượng đặc nhiệm được phát triển để điều tiết sản xuất thực phẩm trên khắp châu Âu.
Trong cùng thời gian này, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng đã thực hiện các hành động để chống gian lận thực phẩm. Quy định chung của các quốc gia đòi hỏi thực phẩm phải được giám sát trong suốt các giai đoạn khác nhau khi nó di chuyển qua các chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, các quy định này khó có thể được thực thi khi thực phẩm liên tục chuyển từ tay này sang tay kia. Truy xuất nguồn gốc thực phẩm là một trong nhiều phương pháp hàng đầu để ngăn chặn gian lận thực phẩm, tuy nhiên các hệ thống hiện tại phải chịu nhiều lỗ hổng, trong đó, vấn đề phổ biến nhất là thiếu sự thống nhất và giao tiếp.
Điều này dẫn đến việc các nhà bán lẻ phải mất rất nhiều thời gian và tiền bạc, nhưng họ chỉ nhận lại những bản hồ sơ có nhiều chỗ sai sót và dễ dàng bị làm giả. Kết quả là các cơ quan chức năng, những nhà quản lý và người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn trong việc xác định nơi làm giả thực phẩm, giống như trong vụ bê bối thịt ngựa năm 2013.
Thực chất của vấn đề là các hệ thống truy xuất nguồn gốc hiện tại không mang lại hiệu quả trong việc ngăn chặn gian lận thực phẩm do thiếu một hệ thống thống nhất.
Những tiến bộ gần đây trong công nghệ blockchain có thể cung cấp một giải pháp cho hệ thống hiện đang tồn tại nhiều thiếu sót, thông qua đó, các loại thực phẩm chúng ta tiêu thụ được chuyển giao một cách an toàn hơn.
Một khảo sát của tạp chí Grocer cho thấy, 65% người mua thịt nói rằng việc truy xuất nguồn gốc rất quan trọng đối với họ.
Theo họ, mỗi điểm trong chuỗi cung ứng cần được theo dõi kỹ lưỡng hơn so với các hệ thống hiện tại. Ý tưởng cơ bản đằng sau ứng dụng của blockchain ở đây là để mỗi điểm trong chuỗi được thêm vào một sổ cái, với tất cả số liệu của thực phẩm được tải lên blockchain.
Ví dụ, khi một mặt hàng thực phẩm được vận chuyển, dữ liệu đó được thêm vào chuỗi và khi có bất kì thông tin nào được thay đổi, dữ liệu đó cũng được cập nhật lại.
Mỗi điểm trong chuỗi cung ứng được cập nhật cho đến khi sản phẩm cuối cùng được đặt trên kệ của cửa hàng. Các nhà quản lý và người tiêu dùng có thể truy cập lại dữ liệu này vào bất cứ lúc nào.
Sổ cái phân tán của blockchain an toàn ở chỗ: dữ liệu được chia sẻ bởi tất cả các thành viên trong chuỗi và dữ liệu cũ chỉ có thể được thay đổi khi đạt được sự đồng thuận của phần lớn chuỗi cung ứng.
Do đó, dữ liệu được lưu trữ kỹ thuật số và được chia sẻ với tất cả các thành viên trong suốt quá trình chuỗi cung ứng. Điều này mang lại hiệu quả cao hơn và giảm lỗi sai so với làm thủ công.
Liệu công nghệ blockchain có trở thành giải pháp hoàn hảo cho vấn đề an toàn thực phẩm? Chúng ta sẽ sớm biết được trong thời gian tới.
Hiện nay, có một số dự án đang thử nghiệm blockchain trong quản lý chuỗi cung ứng thực phẩm, điển hình là Hàn Quốc. Quốc gia này đang phát triển hệ thống blockchain trong việc kiểm soát chất lượng thịt bò, theo dõi gia súc từ lúc sinh ra cho đến khi bị giết mổ và phân phối.
Sau khi giai đoạn thử nghiệm hoàn tất, hệ thống blockchain kiểm soát thực phẩm dự kiến sẽ được tung ra vào khoảng năm 2019 với mục đích tăng tính minh bạch và giảm gian lận thực phẩm.
Linh Nguyễn Lê (theo Innovation Enterprise)