Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Nhật ký innovation: Tái phát minh bản thân

See this content in the original post

Anh Lê Trí Thông, chưa kịp 40 tuổi, đã là phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc PNJ – một trong những công ty nữ trang lớn nhất khu vực Đông Nam Á, vừa bảo: “Bây giờ là thời điểm quan trọng lắm, chúng ta cần ‘reinvent – tái phát minh bản thân mình’, không thôi mọi thứ cũ mất tiêu, không phù hợp với thế giới mới nữa rồi…”.

Lê Trí Thông - phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc PNJ

Thông ngồi đó, vẫn cứ cười hiền hiền như cái thuở 10 năm về trước, khi hai đứa mới về nước, có chút ngu ngơ, và chắc là nhiều giấc mơ đập đá vá trời lắm.

Hai đứa, làm hai công việc không liên quan với nhau, chỉ ngồi chung phòng, và thỉnh thoảng nói chuyện thế giới. Mười năm sau, cũng là hai đứa, ngồi trên cái sân khấu rộng mênh mông, phía dưới là hơn một ngàn quan khách, là các uỷ viên trung ương, là các doanh nhân ngàn tỷ, là các đại sứ…

Và vẫn cứ nói những chuyện giống như ngày  xưa, cái thời mỗi đứa vẽ mô hình bản thân, và mô hình của tổ chức mang tên Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn theo những hướng hoàn toàn khác nhau.

Ừ, giờ thì phải tái phát minh bản thân mình, không thôi không kịp. Mớ kiến thức mà mình biết, cũng chỉ đúng tới hôm qua, chứ hôm nay có khi bị lạc hậu mất rồi. Con đường đã dẫn mình đến những thành công hôm nay, có khi không thể dẫn mình đến thành công ngày mai nữa. Vậy giờ sao?

Đâu có biết sao. Mỗi người phải tự tính thôi chứ.

Tự dưng, không biết sao, trong đầu hiện lên mẩu tin mới đọc, nói về các nhà khoa học đã nghiên cứu ra con robot mô phỏng được khả năng tự định hướng đường đi của loài kiến sa mạc.

Đó là khả năng quan trọng, khi nếu một ngày, cái vệ tinh GSM không còn phủ sóng để dẫn đường cho máy móc nữa, thì chúng ta phải tự tìm đường đi.

Loài kiến đen trên sa mạc, luôn phải sống trong sợ hãi, vì cát bỏng, vì nắng cháy, vì chúng không thấy đường, nhưng vẫn phải sinh tồn. Vậy nên có chừng vài chục giây để đi kiếm ăn trước khi bị nắng sa mạc đốt cháy, chúng phải tính toán từng bước đi, không nhanh, không chậm, không thừa, không thiếu, và tuyệt đối phải biết đường về hang.

Và giờ, con người, và cả robot, đã phải nhờ cậy đến cái khả năng của loài kiến kiên cường này, để học, và để tái phát minh một phương thức định hướng đường đi mới.

Chuyện con kiến, lại dẫn miên man đến chuyện tập yoga – nơi mà con người tuyệt đối mô phỏng cách vận động của con chó, con mèo, con quạ và cả cái cây nữa, để tìm ra sự cân bằng giữa con người và tự nhiên, để thu hút được năng lượng trái đất làm cho cơ thể mình mạnh mẽ, dẻo dai như các loài động vật khác.

Steve Jobs của Apple

Yoga, nói như trong tập sách Yogi mà năm nào Steve Jobs cũng đọc lại, là một phương thức để hiểu biết về bản thân mình, khám phá cơ thể và hơi thở, suy nghĩ của mình một cách đầy đủ nhất.

Đứng dậy, cúi chào khán giả của cái sân khấu lớn, bước xuống và nhận được vài cái vỗ vai khen ngợi, vài lời hẹn hò đi uống bia để nói tiếp câu chuyện còn dang dở về tái phát minh bản thân mình, tự dưng thấy hào hứng.

Về, viết thư cho ông thầy, nói rằng, tới bây giờ mới hiểu cái chuyện vì sao một ông tỷ phú, giàu có hạng ở Thuỵ Sỹ, già rồi, vẫn thích dấn thân vào một lãnh vực hoàn toàn mới, mà theo ông, “là không có một ý niệm gì về con đường sẽ dẫn đến cái đích mới cả, nhưng cứ bắt tay vô làm thôi, con đường ở dưới chân mình mà…”.

Axel trả lời, gần như ngay lập tức: “Ở yên đó, tuần sau tôi bay qua Việt Nam, sẽ nói chuyện nhiều hơn”.

Ơ hay, thật ngẫu nhiên, cái ông thầy từng tuyên bố “Sứ mệnh của tôi hiện tại là thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, tăng gấp đôi tỉ lệ khởi nghiệp thành công vào năm 2035 và tăng sự bình đẳng thịnh vượng trên toàn cầu”- một cái sứ mệnh đủ to để tỷ phú theo đuổi, sau khi về hưu và buồn chán với sự rảnh rỗi của mình, giờ quyết định mang Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Thế giới (World Innovation Forum) sang Việt Nam.

Đêm qua, nằm mơ, thấy bị ông thầy già – mà vẫn rất trẻ này mắng mỏ cho một trận, vì sau bao nhiêu thời gian, mới chịu ngồi yên, hít thở và tìm cách phá bỏ cái bản thân cũ kỹ của mình.

Quyết định xoá Google map trong máy, để tự nhớ đường đi, tự tìm đường, và sẽ bắt ông thầy tỷ phú này dạy hết những trải nghiệm tái phát minh bản thân khi dấn thân vào một khát vọng mới…

Bung Trần

Trần Bung - với chữ Bung trong món Bắp Bung của Đà Lạt, nơi anh sinh ra - hiện là Phó chủ tịch Hội đồng Cố vấn của Saigon Innovation Hub và phó chủ tịch Quỹ đầu tư Khởi nghiệp Flying Fish Investment. Bung là tác giả của bộ sách bán chạy “Những người làm thuê số 1 Việt Nam” và nhiều tựa sách khác nhau về khởi nghiệp, lập nghiệp. Anh là một gã lang thang khắp mọi miền của thế giới, gặp gỡ từ nữ hoàng Đan Mạch, thủ tướng Pháp, các tỷ phú ở Silicon Valley để kể chuyện. Bung hiểu biết nhiều về các loại bia, nghệ thuật thủ công và nghiên cứu về thiền chánh niệm.

Từ ngày 24.12, Bung sẽ phụ trách chuyên mục “Nhật ký innovation”, để kể lại chuyện buồn vui trong thế giới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bạn có chuyện gì hay, hãy meo cho Bung một tiếng tại tranbung@khampha.vn nhen.

See this content in the original post

Xem thêm

See this content in the original post