Trải nghiệm Ứng dụng đặt lịch khám bệnh và quản lý bệnh án của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM
Với bệnh án điện tử mọi vấn đề sức khoẻ của bệnh nhân sẽ trở nên rõ ràng, bác sĩ sẽ tránh được tình trạng kê thuốc chữa mắt nhưng lại làm tình trạng dạ dày của bệnh nhân thêm trầm trọng.
Bắt đầu từ 1/3, Bộ Y tế đã quy định các cơ sở khám chữa bệnh triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Đây được coi là một bước tiền đề trong việc hiện đại hoá hệ thống y tế nước nhà, giúp giảm tải giấy tờ, thời gian cho người dân khám bệnh lẫn quản lý bệnh viện, nâng cao sự chính xác và liên thông của thông tin, và cũng là khâu quan trọng trọng việc xây dựng thành phố thông minh.
Ở TP.HCM, đã có những bệnh viện đã sử dụng bệnh án điện tử từ 10 năm nay, điển hình là Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Thủ Đức, và mới đây nhất là Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM - tuy khởi động sau, nhưng hiện nay Bệnh viện Y Dược đã cho ra mắt ứng dụng “UMC-DatKham” với những tính năng rất ấn tượng.
Ứng dụng cho phép người dùng có thể tạo hồ sơ khám bệnh, đặt lịch khám, chọn bác sĩ, theo dõi bệnh án và quản lý lịch tái khám ngay tại nhà. Hệ thống bên trong cũng giúp bệnh viện quản lý bệnh án, thời gian khám chữa bệnh, lịch hẹn và giao tiếp, cung cấp thông tin cho các bác sĩ một cách thông minh.
Giao diện thân thiện, Tải, Đăng ký và Tạo hồ sơ khám bệnh dễ dàng
Ứng dụng “UMC-DatKham” hiện có trên cả Ios lẫn Android, ứng dụng công nghệ Account Kit của Facebook giúp người dùng dễ dàng tạo tài khoản mới qua số điện thoại. Đây là giao diện khi mới tải và mở ứng dụng lên, trông khá thoáng với màu xanh lam, trắng xám và font chữ nhỏ.
Sau khi nhập số điện thoại, trong vòng 1 phút ứng dụng gửi mã xác nhận đến điện thoại để người dùng có thể nhập vào và sử dụng bình thường. Những lần sau, ứng dụng cũng tự ghi nhớ lượt đăng nhập giúp người dùng không phải điền thông tin đăng nhập lần nữa.
Cách đăng nhập khá đơn giản và nhanh chóng, không cần mật khẩu, duy trì đăng nhập. Tuy nhiên cũng có thể gây ra một số nghi ngại về vấn đề bảo mật, khi người lạ có thể dễ dàng truy cập và xem được tình trạng bệnh tình của người dùng.
Giao diện chính của ứng dụng hiện ra như sau.
Ở giao diện chính là những tính năng cơ bản như “Đặt lịch khám”, “Phiếu khám bênh”, “Thanh toán viện phí nội trú”.
Phía dưới ứng dụng có 2 số điện thoại khá nổi bật. Một để hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến ứng dụng - phòng khi ứng dụng có vấn đề hoặc khi người dùng cần được hướng dẫn sử dụng. Một để hỗ trợ chuyên môn - người dùng có thể được tư vấn sơ trước khi chọn khoa khám và bác sĩ khám.
Ngoài ra, khi bấm vào nút 3 gạch góc trên bên trái, thanh bên hiện ra với rất nhiều tính năng nhỏ.
Ở đây tôi sẽ tạo hồ sơ khám bệnh để bắt đầu sử dụng ứng dụng. Ngay lập tức, có 1 phiếu thông tin xuất hiện và yêu cầu tôi điền đầy đủ thông tin từ Họ tên, Năm sinh, Giới tính… những thông tin cá nhân cơ bản.
Ứng dụng cũng yêu cầu tôi nhập thông tin về người thân phòng những trường hợp khẩn cấp.
Sau khi nhập xong đầy đủ thông tin, tôi đã có 1 hồ sơ khám bệnh, sẵn sàng để đặt lịch khám bệnh.
Đánh giá: Tải, Đăng ký, Thiết lập ban đầu khá dễ dàng và nhanh chóng đối với những người hay sử dụng điện thoại thông minh. So với việc mỗi lần đi khám phải điền thông tin lại 1 lần, ứng dụng UMC giúp lưu trữ thông tin tiện lợi hơn rất nhiều. Nhưng, cũng có thể thấy ứng dụng hướng tới đối tượng trẻ, khi có rất ít hướng dẫn và sử dụng font chữ khá nhỏ, có thể gây khó khăn với người cao tuổi.
Đặt lịch khám cụ thể, rõ ràng, và nhiều tiện ích lựa chọn
Khi bấm vào ô “ĐẶT LỊCH KHÁM” ở trang chủ, ứng dụng cho người dùng 2 sự lựa chọn. Một - “Đặt khám theo ngày” và “Đặt khám theo bác sĩ”.
Đặt khám theo ngày
Phòng trường hợp nhiều người sử dụng chung 1 ứng dụng, sau khi chọn “Đặt khám theo ngày”, người dùng một lần nữa sẽ chọn lại hồ sơ khám bệnh. Chọn hồ sơ khám bệnh xong, giao diện mới xuất hiện cho phép đặt lịch khám theo ngày.
Ở dòng đầu tiên là tên bệnh viện Đại học Y dược TPHCM. Đây có lẽ là 1 thiết kế để sau này khi các bệnh viện liên kết với nhau, người dùng có thể chủ động lựa chọn bệnh viện. Lúc đó qua ứng dụng, bạn có thể quản lý bệnh á và đặt lịch khám không chỉ ở Bệnh viện Y dược, mà còn có thể ví dụ như Bệnh viện Ung bứu, Bệnh viện Gia Định, v.v..
Dưới đó là những thông tin người dùng cần điền vào để đặt lịch khám, gồm 4 thông tin: “Ngày khám”, “Chuyên khoa”, “Phòng và giờ khám”, “Bảo hiểm y tế”.
Và tiếp theo là tích chọn ô “Có” hoặc “Không” ở mục “Bảo Hiểm Y Tế”. Cuối cùng chọn “Đặt khám” và ứng dụng sẽ xác nhận lịch hẹn khám của người dùng.
Quá trình đặt hẹn dễ hiểu và dễ thực hiện. Khi đến đúng ngày đúng giờ hẹn, người dùng chỉ cần lên đúng bệnh viện và đưa cho tiếp tân lịch hẹn của mình.
Đặt khám theo bác sĩ
Nếu bạn có biết danh tiếng 1 vị bác sĩ và muốn được trực tiếp bác sĩ đó khám, bạn có thể chọn “Đặt khám theo bác sĩ”.
Giao diện “Đặt khám theo bác sĩ” cũng yêu cầu tổng cộng 4 thông tin: “Bác sĩ”, “Ngày khám”, “Phòng và giờ khám”, “Bảo Hiểm Y Tế”.
Đặt biệt ở mục “Chọn bác sĩ”, ứng dụng sẽ cung cấp 1 bộ lọc và tìm kiếm tiện lợi, giúp người dùng tìm được bác sĩ mong muốn. Bộ lọc gồm có “Chuyên khoa”, “Lịch khám”, “Giới tính”, “Học hàm học vị”.
Tại Ô “Ngày khám” ứng dụng sẽ hiện ra ngày mà bác sĩ đó trực tại bệnh viện. Như bác sĩ tôi chọn chỉ trực bệnh viện vào thứ 2 mỗi tuần.
Mục “Phòng và giờ khám”, “BHYT” tương tự cách Đặt khám theo ngày. Sau khi điền xong xuôi, chọn “Đặt khám” để xác nhận lịch hẹn.
Đặc biệt hữu dụng khi bạn là phụ nữ và muốn bác sĩ nữ khám bệnh tình liên quan đến các vùng nhạy cảm. Và tương tự với con trai.
Đánh giá: Tính năng “Đặt khám theo bác sĩ” đặc biệt hữu dụng khi người dùng là phụ nữ (nam) và muốn bác sĩ nữ (nam) khám bệnh tình liên quan đến các vùng nhạy cảm. Cơ chế cho bệnh nhân chọn bác sĩ cũng giúp các bác sĩ ý thức hơn tới hình ảnh, thái độ của mình trong mắt bệnh nhân, nếu họ không muốn bị “cơ chế thị trường” đào thải.
Nếu không có yêu cầu gì đặc biệt về bác sĩ, người dùng có thể nhanh chóng đặt lịch hẹn khám theo thời gian, để có thể chọn được thời gian thích hợp nhất với mình.
Bệnh án điện tử và Những tính năng tiện ích khác
3 chức năng nổi bật khác của ứng dụng là “Phiếu khám bệnh”, “Lịch tái khám”, và “Thanh toán viện phí nội trú” - đều là những tính năng tiện ích cho người dùng theo dõi bệnh tình, tiện lợi trong việc theo dõi và thanh toán viện phí. Người dùng có thể truy cập 3 tính năng này ngay tại trang chủ.
Không chỉ điện tử hoá ở khâu đăng ký khám bệnh, và các tiện ích cho bệnh nhân. Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cùng với Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện quận Thủ Đức là 3 bệnh viện đứng đầu thành phố trong việc áp dụng quản lý hồ sơ điện tử.
Đặc biệt trong đó, Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện quận Thủ Đức đã quản lý bệnh án điện tử từ 10 năm nay.
Không còn cần sổ khám bệnh, không cần in kết quả chụp X-quang, chụp CT, không cần đi lấy thông tin từ phòng này sang phòng khác, bệnh án điện tử thật sự tiết kiệm thời gian và công sức cho cả bệnh nhân lẫn nhân viên y tế.
Không chỉ vậy, trước đây với các sổ khám bệnh, bệnh nhân thường làm mất hoặc không giữ lại, khiến bác sĩ không hiểu được toàn bộ tình trạng sức khoẻ bệnh nhân.
Với bệnh án điện tử, tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân từ mọi lần khám bệnh sẽ được lưu trữ thông suốt, bác sĩ từ đó sẽ đưa ra những giải pháp chữa trị thích hợp nhất. Tránh tình trạng đang diễn ra như hiện nay như: cấp thuốc chữa mắt nhưng lại làm tình trạng dạ dày của bệnh nhân thêm trầm trọng.
Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện quận Thủ Đức, và đặc biệt Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM là những bệnh viện đi đầu trong việc số hoá Hệ thống Y tế. Đây là bước chuyển mình giúp quy trình khám chữa bệnh tiện lợi và hiệu quả hơn cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế.
Hoàng Phi