Nhật Bản ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngăn chặn bạo lực học đường
Otsu là thành phố của Nhật đi tiên phong trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện và ngăn chặn bạo lực học đường.
Dự án của Otsu được thực hiện bởi công ty Hitachi, có trụ sở tại Tokyo, và dự kiến tiến hành vào tháng tới.
Giới chức giáo dục tại Otsu tin rằng công nghệ AI hiện đại sẽ giúp giáo viên có thể phát hiện sớm những dấu hiệu của bạo lực học đường.
Theo báo Nhật Mainichi, AI sẽ phân tích khoảng 9.000 trường hợp bị bạo lực tại trường cấp 1 và cấp 2 trên địa bàn thành phố trong 6 năm qua. Từ đó rút ra dữ liệu về mức độ bạo lực, giới tính của cả nạn nhân và hung thủ và nơi những vụ bắt nạt thường xảy ra.
Nhờ dữ liệu này, ban giám hiệu nhà trường có thể ngăn chặn phần nào tình trạng bạo lực trước khi nó xảy ra và cung cấp hỗ trợ cần thiết cho nạn nhân.
Thị trưởng Otsu, bà Naomi Koshi cho biết với sự trợ giúp của AI, bà rất kỳ vọng vào việc các trường trên địa bàn thành phố "quyết liệt chống lại nạn bạo lực học đường".
Hệ thống giáo dục tại Otsu đang ‘ngồi trên đống lửa’ sau khi xảy ra vụ việc một học sinh 13 tuổi đã tự tử vào năm 2011 bằng cách nhảy ra khỏi tòa nhà nơi cậu đang sống.
Vào năm 2013, điều tra cho thấy, cậu học sinh này bị các bạn bắt nạt trong thời gian dài.
Kể từ đó, giới chức buộc các trường học phải báo cáo trong vòng 24 giờ sau khi phát hiện có tình trạng bắt nạt xảy ra.
Minh Khôi - Báo Tuổi trẻ