Muốn có quốc gia sáng tạo thì phải có môi trường sáng tạo
Nghe tin NIC, một kiểu công viên công nghệ cao “high tech park” mới, vừa được tư vấn thành lập với giấc mộng đưa Việt Nam thành nền kinh tế ngàn tỉ đô la, có người tự hỏi, Chính phủ nên tiếp tục đầu tư cho công nghệ hay chỉ cần một chính sách giúp sáng tạo, nhất là với các startup.
“Silicon Valley Việt Nam” 1.0
Cách đây hơn 40 năm (1977), người viết bài này là một thanh niên vừa du học trở về với hoài bão lớn lao xây dựng lại đất nước bị tàn phá sau chiến tranh. Nhận việc ở Viện Khoa học Việt Nam (VKHVN - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ hiện nay) ở dốc Bưởi (Hà Nội).
Viện có hơn 3.000 cán bộ ở độ tuổi trên dưới 30 được coi là tinh hoa trẻ tương lai của nước nhà. Dân Hà Nội gọi đùa là “vườn trẻ trung ương” vì có nhiều con ông cháu cha làm việc trong đó.
VKHVN có nhiều viện nhỏ chuyên sâu và cơ bản như hóa học, sinh vật, vật lý, toán, tính toán và điều khiển, địa chất... với ước mong đó là nền tảng cho đất nước phát triển, vì không có quốc gia nào có thể đi lên mà không có nghiên cứu khoa học cơ bản.
Có thể gọi đó là Silicon Valley 1.0 của Việt Nam thời đó vì có đủ môi trường và điều kiện nghiên cứu, hỗ trợ của Chính phủ từ chính sách đến tài chính, nguồn nhân lực trẻ và tài năng, ngoại ngữ giỏi giang. Nhưng sau hơn bốn thập kỷ, viện không đơm hoa kết trái như Silicon Valley, giấc mơ ban đầu của hầu hết các nhà khoa học trẻ, chưa bao giờ trở thành nơi sáng tạo và nền tảng cho phát triển quốc gia.
Phiên bản 2.0 và hơn thế
Nằm ở vùng vịnh San Francisco tại phía Bắc California (Mỹ), Silicon Valley được biết đến một trung tâm công nghệ mà bất kỳ quốc gia nào cũng mơ ước. Đó là nơi khởi nguồn lớn các phát minh, sản xuất các loại chip silicon, nơi hội tụ của những công ty công nghệ lớn nhất thế giới.
Mô hình Silicon Valley được nhiều quốc gia bắt chước, Bangalore của Ấn Độ là một ví dụ, và Việt Nam cũng nhắc nhiều đến cái tên này khi xây dựng khu công nghệ cao tại TPHCM và Hà Nội.
Tin mới đây cho hay, Việt Nam có đề án “Xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia - NIC” mang tầm cỡ thế giới.
Bên tư vấn xây dựng NIC cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam, tạo bước nhảy vọt lên cấp độ phát triển kinh tế thông qua năng lực đổi mới sáng tạo tốt hơn, việc làm chất lượng hơn và năng suất cao hơn để mang lại thịnh vượng cho người dân Việt Nam và hy vọng Việt Nam trở thành quốc gia có nền kinh tế ngàn tỉ đô la.
Giấc mơ NIC làm tôi nhớ chuyện 40 năm trước của VKHVN, cũng như nhớ ra Việt Nam có mấy trung tâm công nghệ cao đang hoạt động tại TPHCM và Hòa Lạc (Hà Nội).
Năm 2010 cả nước vui như đoạt cúp bóng đá thế giới với tin GS. Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields tương đương Nobel trong toán học và ngành toán lại lên ngôi. Hai năm sau đó, Viện Toán cao cấp được thành lập nhằm phấn đấu “đến năm 2020 toán học Việt Nam có thứ hạng thứ 40 trên thế giới”.
Còn vài tháng nữa là đến năm 2020, toán Việt Nam liệu có đứng tốp 40 như mong ước ban đầu? Giá như bên tư vấn nói rõ là NIC mới hiệu quả hơn những “cái cũ” thì sẽ thuyết phục cho nhà đầu tư. Giấc mơ kinh tế ngàn tỉ đô la của người Việt liệu có đáng tin?
Vai trò của Chính phủ
Đối với một doanh nghiệp thì sự sáng tạo vô cùng quan trọng. Sự sống còn dựa vào khả năng khuyến khích sáng tạo, cung cấp cho nhân viên công cụ và kỹ năng để tạo ra ý tưởng mới. Hiểu được mục đích của doanh nghiệp cùng với sản phẩm, thì họ sẽ đề xuất những ý tưởng sáng tạo. Môi trường trao đổi nhóm tốt sẽ có được tập thể sáng tạo tốt và đương nhiên phải biết công nhận, khen thưởng những ý tưởng tuyệt vời.
Ở tầm quốc gia cũng vậy nhưng là tầm vĩ mô. Thay vì đầu tư những trung tâm công nghệ hay khởi nghiệp như cách đây mấy thập kỷ,
Chính phủ nên tạo ra chính sách thông thoáng cho doanh nghiệp như luật pháp, môi trường kinh doanh, cấp phép, thuế, giao thông, môi trường, giáo dục... mà chính các bộ ngành chuyên môn đóng vai trò chủ chốt thực thi hơn là để Thủ tướng “làm dâu trăm họ”.
Chính sách phải tổng thể, có tầm nhìn xa và bền vững cho hệ sinh thái thay vì kiểu “kiếm tiền nhanh rồi chuồn”, hay cho vài nhóm lợi ích chiếm diện tích đất vàng dưới danh nghĩa xây dựng cái gì đó công nghệ cao (high tech).
Các ngành, các doanh nghiệp cần được đối xử công bằng, bất kể là nhỏ vài người hay lớn hàng ngàn người.
Nhiều chuyên gia cho rằng áp dụng mô hình Silicon Valley dễ thất bại do điều kiện từng vùng, từng quốc gia khác nhau. Những gì đang có và thuận lợi thì nên phát triển tiếp và biến thành tên tuổi hơn là xây dựng high tech mới trên vùng đồi núi hẻo lánh, hy vọng vẻ ngoài “hiện đại bắt mắt” sẽ lôi kéo được các công ty startup và các công ty lớn.
Vài lời kết - tư duy 10 héc ta và 3 héc ta
Mấy tháng trước tôi gặp hai ông bà Bradley Babson từng là trưởng đại diện Ngân hàng Thế giới đầu tiên tại Hà Nội từ năm 1994. Theo ông bà, chính sách vĩ mô của Việt Nam trong những năm ấy đã giúp cho nền móng phát triển sau này.
Có một chi tiết làm tôi nhớ mãi là khi bà Katherine Babson thăm trường Quốc tế UNIS do chính ông bà và một số đại sứ thời đó khởi xướng. Khi lập đề án, bà có đề nghị diện tích cho UNIS là 10 héc ta. Bên phê duyệt nói sao lại lớn thế, chỉ cần 3 héc ta là đủ. Trình lên xuống vẫn là chuyện 3 héc ta và 10 héc ta.
Bà và các cộng sự cố giải thích, UNIS là trường nước ngoài đầu tiên ở Đông Dương nên mang dấu ấn quốc tế, có đủ chức năng, tầm cỡ và hình ảnh, sao cho những nhân tài thế giới nhất là giới trẻ, vốn đi đâu lập nghiệp cũng cần gia đình và con cái được hưởng nền giáo dục, môi trường và pháp luật văn minh, nghe thấy tên và muốn chuyển đến. Việt Nam sẽ được hưởng lợi và đó là một cách trải thảm đỏ gọi chất xám thế giới.
Nhớ hơn 40 năm trước về Viện KHVN, giờ đã đổi qua khá nhiều tên như Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Viện Khoa học và Công nghệ, và hiện là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ.
Dù chữ “công nghệ” đi theo năm tháng nhưng cuối cùng thì vẫn là phiên bản Silicon Valley 1.0 giờ đã xuống cấp nghiêm trọng trong khi lớp “đàn em” high tech mọc ra như nấm nhưng chắc gì đã sang tới 2.0.
Dùng NIC 2.0 để phát triển 4.0 đòi hỏi một tư duy “UNIS 10 héc ta”, nơi hội tụ cho các tài năng thế giới và tiền của đổ về. Nếu chỉ là lời hứa cho quốc gia ngàn tỉ thì sẽ không khác người viết bài đã chứng kiến hơn bốn thập kỷ trước, nơi mà hơn 3.000 tinh hoa đất nước phải bỏ viện, bỏ nghề đi kiếm sống và lang bạt khắp nơi. Giờ thì họ đã hưu và già lắm rồi.
Hiệu Minh - Kinh tế Sài Gòn