Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

QTSC: Từ nơi “cho thuê đất” đến đô thị thông minh thu nhỏ

See this content in the original post

Nhân ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18.05), ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) đã chia sẻ như vậy với Tạp chí Khám Phá về hành trình đưa trí tuệ Việt ra toàn cầu mà đơn vị đã âm thầm thực hiện nhiều năm qua.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, giới thiệu các hệ thống thông minh được quản lý trên máy tính do QTSC triển khai từ năm 2016. Ảnh: Hà Thế An.

“Chỉ dẫn địa lý” cho ngành phần mềm Việt Nam

Ở một vị trí không quá thuận lợi khi nằm cách khá xa trung tâm thành phố, và các tuyến đường nối QTSC với trung tâm TP.HCM thường phải đối mặt với kẹt xe. Ông có xem đó là một thiệt thòi của Công viên phần mềm Quang Trung?

Trong những năm đầu tiên trong việc xây dựng QTSC, có thể đó là một thiệt thòi. Nếu vị trí tốt hơn, gần trung tâm, gần những điều kiện phát triển dịch vụ hơn thì sự phát triển của QTSC có lẽ sẽ nhanh hơn.

Nhưng có thể nói từ khi thành lập năm 2001, chúng tôi mất 10 năm đầu để gầy dựng khu công viên phần mềm. Đây là thời gian chúng tôi thử nghiệm các chính sách, các mô hình để định hình hướng đi và giá trị cốt lõi của mình. Thật sự QTSC có đà phát triển từ năm 2011 đến nay, tập trung vào cốt lõi ban đầu đó là chú trọng về gia công, xuất khẩu phần mềm, thu hút doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Từ 2016, mô hình của chúng tôi chuyển dịch trong bối cảnh bùng nổ nhiều công nghệ mới. Chúng tôi nghĩ, QTSC không thể cứ tập trung chỉ làm gia công phần mềm mà cần phải hội nhập và hòa nhịp với những công nghệ mới mà nhiều người gọi là Cách mạng công nghiệp 4.0.

Nói vậy để nhìn nhận rằng, nếu có một vị trí thuận lợi hơn, chúng tôi có thể phát triển và định hình mình nhanh hơn, thay vì mất 10 năm. Đến ngày hôm nay, chúng tôi vẫn có những khó khăn riêng nhưng sức sống của QTSC đã được khẳng định. Và chúng tôi luôn đặt mục tiêu đưa công nghệ Việt đến với bạn bè quốc tế.

Trước đây, Công viên phần mềm Quang Trung có thể xem là vùng đất hoang, nhưng giờ đây là khu đô thị hiện đại với hàng loạt hệ thống thông minh, nhiều doanh nghiệp công nghệ xem đây là nơi “an cư lạc nghiệp”. Là một người có những gắn bó với QTSC từ ngày đầu thành lập, ông có thể cho biết điều gì đã tạo ra những chuyển biến đáng kinh ngạc như vậy?

Giai đoạn ban đầu lợi thế của QTSC với những chính sách ưu đãi và tâm huyết các thế hệ lãnh đạo thành phố. Hai điều đó tạo ra sự cộng hưởng để thu hút các doanh nghiệp công nghệ. Chính sách này sau đó được nhân rộng ra nhiều nơi cùng thực hiện.

Và chúng tôi nhận thức rằng, mình cần phải tạo ra những giá trị cốt lõi mà chỉ QTSC mới có. Điều đó chính là khả năng phục vụ, đáp ứng các nhu cầu của doanh nghiệp phần mềm ngày càng tốt hơn, khả năng quản lý tốt hơn và mang đến một sự tự hào cho doanh nghiệp khi đặt trụ sở tại QTSC.

Chúng tôi dám khẳng định điều này vì QTSC đang đi theo mô hình “Tech Hub”. Đó là nơi cung cấp các giải pháp công nghệ, nơi có uy tín trong các sản phẩm phần mềm, nơi các nước khi tìm hiểu về ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam phải đến với chúng tôi.

Nói nôm na, QTSC như là một “chỉ dẫn địa lý” cho ngành phần mềm Việt Nam trên bản đồ phần mềm thế giới.

Một hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại giữa doanh nghiệp VN và Nhật Bản do QTSC tổ chức.

Tự hào đưa trí tuệ Việt ra toàn cầu

Từ năm 2016, QTSC đã cho triển khai hàng loạt hệ thống thông minh như chiếu sáng, đồng hồ nước, xử lý nước thải, thu thập dữ liệu công tơ điện từ xa... Mô hình này đã được lọt vào vòng đề cử bình chọn giải thưởng “Thành phố thông minh châu Á” năm 2019. Vì sao QTSC lại quyết định xây dựng mô hình thành phố thông minh thu nhỏ này?

Đô thị thông minh là một mô hình định hướng mà QTSC phải dùng nó để triển khai cho việc nâng cao khả năng quản lý hoạt động của mình cũng như phục vụ những doanh nghiệp công nghệ trong khu công viên tốt hơn.

Có thể nói đó là công cụ để giúp chúng tôi quản lý hoạt động tốt hơn. Dĩ nhiên mô hình này có thể thay đổi theo thời gian. Và QTSC phải thích ứng nhanh với sự thay đổi này.

Không dừng lại ở đó, mới đây QTSC đưa ra mô hình QTSC Lab, rồi thúc đẩy hoạt động ươm tạo doanh nghiệp, tổ chức kết nối đầu tư cho doanh nghiệp, xúc tiến thương mại quốc tế,…Đây là những bước đi nhằm xóa tan dư luận “QTSC chỉ là nơi cho thuê mặt bằng”?

Từ năm 2016 trở đi QTSC phải chuyển mình, thay đổi phương thức quản lý, thay đổi cách làm để tiếp cận công nghệ mới. Khi làm như vậy, đa số doanh nghiệp tại QTSC và bản thân chúng tôi chưa biết được những cái mới là như thế nào, nhưng bắt buộc chúng tôi phải chuyển đổi. Tôi quan niệm rằng, chúng tôi là những người “cầm cờ” tại đây, và chúng tôi chuyển đổi thì mới mong doanh nghiệp nội khu sẽ quan tâm chuyển đổi theo.

Sự chuyển đổi đó thay vì khuyến khích doanh nghiệp làm gia công phần mềm, khuyến khích doanh nghiệp có quy mô lớn thì QTSC hướng đến, khuyến khích những doanh nghiệp có sản phẩm trí tuệ cao, ứng dụng các công nghệ mới có khả năng cạnh tranh với thế giới.

Năm 2017, QTSC triển khai khu thực nghiệm ứng dụng CNTT trong nông nghiệp và nhận được nhiều tín hiệu tích cực. Dự kiến trong 6 tháng cuối năm nay chúng tôi sẽ nâng cấp thành một mô hình smart village (làng thông minh) nhằm đưa ra các trải nghiệm công nghệ phù hợp với bối cảnh ứng dụng CNTT cho nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam.

Từ năm 2018, chúng tôi quyết tâm đầu tư xây dựng phòng Lab rộng hơn 1000 mét vuông tập trung vào những công nghệ mới như blockchain, trí tuệ nhân tạo, robotics…

Hoạt động của lab này sẽ là thu hút những dự án ứng dụng công nghệ nói trên, biến thành những doanh nghiệp mạnh và kết nối thẳng với thị trường bên ngoài như Silicon Valley, Nhật Bản. Điều kiện để tạo ra giá trị kinh tế trong hoạt động này là doanh nghiệp phải có sản phẩm độc đáo và cộng với trí tuệ và tiềm lực của các bạn khởi nghiệp.

Những người làm trong phòng lab phải có nền tảng gắn với thị tường họ muốn nhắm tới. Cụ thể, doanh nghiệp muốn hướng đến thị trường Hoa Kỳ thì họ phải là người từng sống và trải nghiệm ở đất nước này, biết văn hóa, giỏi ngôn ngữ nước này… Và họ có sản phẩm mẫu để nghiên cứu thêm để chúng tôi “hà hơi tiếp sức”, có nền tảng tài chính để sống được.

Chúng tôi làm những điều đó để chứng minh rằng, QTSC có công nghệ, có nhân lực, có cộng đồng hệ sinh thái về công nghệ để kết nối doanh nghiệp Việt với thị trường toàn cầu và tạo ra nhiều giá trị gia tăng chứ không phải là nơi chỉ cho thuê đất như nhiều người nghĩ.

Khu thực nghiệm nông nghiệp công nghệ cao tại QTSC. Ảnh: Hà Thế An.

TP.HCM đang định hướng trở thành đô thị thông minh. Trong khi đó QTSC cũng đang thực hiện mô hình đô thị thông minh thu nhỏ. QTSC sẽ phải làm gì để hòa nhịp vào mục tiêu chung của thành phố?

Đề án đô thị thông minh của TP.HCM là cơ hội cho doanh nghiệp công nghệ tại QTSC có thể tiếp cận thị trường nhiều hơn, dễ hơn. Thay vì trước đây doanh nghiệp phải bôn ba bên ngoài thì nay ngay chính trong thành phố đã có những chương trình, dự án... do vậy doanh nghiệp có điều kiện tham gia tốt hơn.

Mặt khác, quy mô khu đô thị thông minh của chúng tôi trong chừng mực nào đó rất nhỏ so với chương trình mang tầm vóc của thành phố đang làm. Nhưng ở quy mô nhỏ, chúng tôi hoàn toàn có đủ hạ tầng, công nghệ để trở thành nơi thử nghiệm của thành phố trước khi quyết định đưa vào đầu tư hay phát triển hệ thống nào đó.

Chúng tôi cũng đang sở hữu cộng đồng rất mạnh, thành phố có thể khai thác. Chúng tôi hướng doanh nghiệp của mình không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà hướng đến thị trường nước ngoài. Hằng năm QTSC có lực lượng doanh nghiệp khá hùng hậu đi xúc tiến thương mại ở nước ngoài. Bản thân QTSC cũng là điểm đến của các đoàn nước ngoài. Và chúng tôi luôn tận dụng điều đó để tạo môi trường kết nối với doanh nghiệp trong nước.

Những nỗ lực đó, mục tiêu sau cùng của chúng tôi là làm sao cho quốc tế biết đến Việt Nam về con người, trí tuệ Việt. Đó là những hoạt động mang tính dài hơi và vất vả nhưng chúng tôi làm với một sự tự hào!

Xin chân thành cảm ơn ông!

Hà Thế An - Khampha.vn

Bài gốc

See this content in the original post

Xem thêm

See this content in the original post