Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Bệnh viện thông minh, người dân hưởng lợi

See this content in the original post

Khi áp dụng hệ thống thẻ khám bệnh và ki-ốt thông minh, người bệnh có thể tự đăng ký và chọn thời gian khám bệnh, còn nếu quét thẻ BHYT thì có ngay số thứ tự trong phòng khám và bác sĩ có thể truy cập hồ sơ bệnh án

PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP HCM, cho biết mỗi ngày, BV tiếp nhận 7.000 bệnh nhân. Để không xảy ra quá tải, thời gian qua, BV đã tích cực ứng dụng công nghệ bệnh án điện tử, hóa đơn điện tử, ki-ốt điện tử vào hoạt động khám chữa bệnh cũng như hoạt động quản trị BV nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn, gia tăng an toàn người bệnh.

Bỏ khám thủ công: Nhu cầu tất yếu

Mới đây, BV Đại học Y Dược TP HCM đã triển khai dịch vụ thanh toán viện phí bằng phương thức thanh toán hóa đơn trên VCB-iB@nking (thanh toán Billing) và phương thức thanh toán QR code trên VCB-Mobile B@nking (thanh toán QR code) trên ứng dụng của ngân hàng. Đây là dịch vụ nhằm đa dạng hóa các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, giúp giảm tải thời gian chờ đợi, gia tăng các tiện ích hỗ trợ bệnh nhân trong việc thanh toán viện phí.

Với dịch vụ thanh toán bằng QR code, trên mỗi phiếu thông báo viện phí sẽ tích hợp sẵn mã QR code riêng biệt, người dùng quét mã QR code trên điện thoại thông minh, có cài ứng dụng VCB-Mobile B@nking để xác nhận thanh toán. Đặc biệt, với sự liên kết của 38 ngân hàng, việc thanh toán thông qua quét mã QR code càng thuận tiện hơn.

Chưa kể, ở BV Đại học Y Dược TP HCM, người dân còn có thể đăng ký khám bệnh online trên điện thoại thông minh, iPad, máy tính bảng. Đây là giải pháp tiên tiến được BV thực hiện nhằm giải quyết tình trạng quá tải và bệnh nhân phải chờ đợi lâu.

Theo ThS Huỳnh Thị Mỹ Thư, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng BV quận Thủ Đức, hiện nay mỗi ngày, BV khám và điều trị cho 6.000 lượt ngoại trú và hơn 750 lượt nội trú. Tất cả bệnh nhân đều được theo dõi và quản lý qua hồ sơ bệnh án điện tử do BV triển khai.

Mỗi bệnh nhân khi đến khám chữa bệnh hoặc khám sức khỏe đều có một mã bệnh nhân (mã ID) được mã hóa bằng số CMND; được lưu trữ và sử dụng khi bệnh nhân đến khám bệnh tại BV. Tất cả thông tin người bệnh, diễn biến bệnh, y lệnh, thực hiện y lệnh, vật tư y tế, dược, cận lâm sàng… đều được nhập và lưu trữ vào phần mềm. Mỗi bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đều có một username, password để đăng nhập vào phần mềm này.

"Việc ứng dụng bệnh án điện tử giúp rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân, không cần mang theo kết quả cũ khi tới khám; nhân viên y tế có thêm nhiều thời gian điều trị và chăm sóc người bệnh, ngoài ra còn giúp BV làm việc khoa học và chuyên nghiệp hơn" - bà Thư đánh giá.

Chia sẻ tại hội thảo giải pháp BV thông minh tại TP HCM mới đây, BS Nguyễn Hồng Trường (BV Đa khoa TP Vinh) cho biết nhờ áp dụng thẻ khám chữa bệnh thông minh, bệnh nhân đã tự đăng ký phòng khám, lấy số thứ tự, từ đó hạn chế đi lại, giảm thời gian chờ đợi từ 20 phút còn 1 phút.

Ngoài ra, với công cụ iPad, nhân viên y tế có thể dễ dàng truy xuất hồ sơ bệnh án trên các thiết bị thông minh (iPad care): Truy xuất nhanh thông tin người bệnh, hồ sơ bệnh án, kết quả xét nghiệm, X-quang, siêu âm,... theo dõi lập y lệnh và kê đơn thuốc.

Theo ThS Nguyễn Trúc Cường (BV Hoàn Mỹ Sài Gòn), ứng dụng công nghệ thông tin trong việc mở thẻ khám bệnh không chỉ giúp bệnh nhân giảm thời gian chờ đợi mà còn hạn chế sử dụng tiền mặt, giảm áp lực cho nhân viên y tế…

Khuyến khích đối diện sự cố y khoa

Thời gian qua, nhiều sự cố y khoa không những đem lại dư luận xấu mà còn gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động khám chữa bệnh của các BV. Theo Hội Khoa học Kinh tế Y tế Việt Nam, sự cố y khoa luôn tiềm ẩn trong các hoạt động khám chữa bệnh.

Việc thẳng thắn nhìn nhận sự cố và từ đó rút kinh nghiệm là hết sức quan trọng và cần thiết. Trước tình hình đó, Bộ Y tế ban hành nhiều thông tư chỉ đạo đẩy mạnh nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và báo cáo sự cố y khoa bằng việc ứng dụng phần mềm báo cáo sự cố y khoa (Dr5-STAR). Phần mềm này khuyến khích nhân viên y tế báo cáo sự cố y khoa (thay vì né tránh) và đề ra hướng khắc phục sự cố ngay tại chỗ.

Hội Khoa học Kinh tế Y tế Việt Nam đã phối hợp với BV Nhân dân 115 (TP HCM), BV Đa khoa TP Vinh, BV Đa khoa Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng, thử nghiệm và hoàn thiện sử dụng Dr5-STAR. Kết quả cho thấy số lượt báo cáo sự cố y khoa tính đến hiện tại đã tăng gấp vài trăm lần so với trước. Phiên bản ứng dụng trên điện thoại thông minh giúp việc báo cáo, cập nhật tiến độ khắc phục thuận tiện.

Tại BV Hoàn Mỹ Sài Gòn lâu nay đã ứng dụng phần mềm báo cáo sự cố y khoa áp dụng tại tất cả các khoa, phòng tại BV. ThS Nguyễn Trúc Cường cho hay nhờ vậy hiện nay số lượng sự cố được báo cáo tăng gấp 3 lần so với trước.

Phần mềm này giúp cán bộ - nhân viên tiết kiệm thời gian, có thể báo cáo ngay khi xảy ra sự cố. Công cụ phân tích nguyên nhân sự cố của phần mềm giúp phân tích một cách cụ thể và từ đó, lãnh đạo BV phê duyệt trực tiếp báo cáo này thông qua phần mềm. Việc này đã góp phần giảm thiểu những sự cố y khoa xảy ra trong BV cũng như gia tăng chất lượng khám chữa bệnh. 

Nguyễn Thạnh - Người lao động

Bài gốc

See this content in the original post

Xem thêm

See this content in the original post