Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Chỉ 7,1% người dân, tổ chức tiếp cận thông tin về dịch vụ hành chính công qua mạng Internet

See this content in the original post

Theo báo cáo Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2018, số người dân, tổ chức tiếp cận thông tin về dịch vụ hành chính công qua mạng Internet nói chung trong cả nước mới chỉ chiếm 7,1%.

Chỉ số của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2018 (Chỉ số SIPAS 2018) vừa được Ban chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ công bố hôm nay, trong khuôn khổ hội nghị công bố Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số SIPAS 2018 do Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì hôm nay, ngày 24/5 tại Hà Nội.

Báo cáo SIPAS 2018 mang đến một bức tranh toàn diện, chi tiết về chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công và sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đối với người dân, tổ chức ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước, từ việc tiếp cận dịch vụ, việc công khai và tuân thủ các quy định thủ tục hành chính (TTHC), việc giao tiếp và xử lý công việc của đội ngũ công chức, kết quả cung ứng dịch vụ cho đến việc tiếp nhận, xử lý các ý kiến đóng góp, phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức.

Ông Phạm Minh Hùng, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ cho biết, việc đánh giá Chỉ số SIPAS 2018 thông qua phương pháp điều tra xã hội học với tổng số 33.900 mẫu điều tra người dân, tổ chức, doanh nghiệp đã trực tiếp giao dịch, nhận kết quả hành chính công trong thời gian từ ngày 1/11/2017 đến 31/7/2018.

Theo báo cáo, tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung trong cả nước là 82,99%. Tỉnh có chỉ số hài lòng cao nhât là 97,88% và tỉnh có Chỉ số hài lòng thấp nhất là 69,98%, cách biệt xấp xỉ 28%.

Một nửa số tỉnh trong cả nước có Chỉ số hài lòng nằm trong khoảng từ 81,92% - 97,88%; và một nửa số tỉnh có Chỉ số hài lòng nằm trong khoảng từ 69,98% đến dưới 81,92%. Như vậy, vẫn còn gần một nửa số địa phương trong cả nước vẫn cần nỗ lực để đảm bảo mục tiêu CCHC là trên 80% người dân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước vào năm 2020.

5 yếu tố cơ quản của quá trình và kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công được đánh giá trong Chỉ số SIPAS 2019 gồm: tiếp cận dịch vụ; thủ tục hành chính; công chức; kết quả dịch vụ; việc tiếp nhận và xử lý ý kiến đóng góp, phản ánh, kiến nghị, nhận được sự hài lòng của người dân, tổ chức nói chung trong cả nước lần lượt là 80,62%, 86,4%, 85,1%, 88,13% và 74,07%.

So với năm 2017, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính nói chung của cả nước trong năm 2018 đã tăng hơn 2%.

Theo báo cáo Chỉ số SIPAS 2018, tỷ lệ người dân, tổ chức tra cứu thông tin về thủ tục hành chính trên mạng Internet nói chung trong cả nước chỉ là 4,92% (Ảnh minh họa: Internet)

Đáng chú ý, báo cáo SIPAS 2018 cũng cho thấy, số người dân, tổ chức tiếp cận thông tin về dịch vụ hành chính công qua mạng Internet nói chung trong cả nước chỉ chiếm 7,1%, và của 63 tỉnh , thành phố là từ 2,5% đến 16%. Tỷ lệ người dân, tổ chức tra cứu thông tin về thủ tục hành chính trên mạng Internet còn thấp hơn nữa, lần lượt là 4,92% với cả nước và của 63 tỉnh, thành phố là từ 3,96% đến 15,04%.

“Mặc dù các tỷ lệ trên có tăng so với năm 2017 nhưng vẫn còn quá thấp so với mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử và ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước đặt ra tại Kế hoạch CCHC nhà nước giai đoạn 2016 – 2020”, đại diện Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ đánh giá.

Liên quan đến nội dung này, báo cáo của Văn phòng Chính phủ về tình hình triển khai xây dựng Chính phủ điện tử năm 2018 cũng đã đưa ra những số liệu thống kê liên quan đến việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến khá tương đồng với kết quả đánh giá của Chỉ số SIPAS 2018 về kênh tiếp cận thông tin về dịch vụ hành chính công qua Internet.

Cụ thể, Văn phòng Chính phủ cho biết, đến quý IV/2018, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 các bộ, ngành đã cung cấp là 1.721 dịch vụ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 45.247 dịch vụ. Tuy nhiên, số lượng dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến vẫn còn thấp, đặc biệt là ở địa phương với tỷ lệ 12,84%, còn với bộ, ngành là 49,85%.

Cùng với đó, Chỉ số SIPAS 2018 còn cung cấp thông tin về nhu cầu, mong đợi của người dân, tổ chức đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công của cơ quan hành chính nhà nước. Ba nội dung mà người dân, tổ chức mong đợi nhất gồm có: mở rộng các hình thức thông tin tiếp cận dịch vụ (60,89% số người được hỏi); tiếp tục đơn giản hóa TTHC (46,80% số người được hỏi); rút ngắn thời gian giải quyết TTHC (44,74% số người được hỏi).

Chỉ số SIPAS 2018 nhằm đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công, chất lượng phục vụ người dân, tổ chức của cơ quan hành chính nhà nước. Việc đánh giá được thực hiện thông qua ý kiến phản hồi và mức độ hài lòng của người dân, tổ chức để từ đó xác định, thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức theo yêu cầu của cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020.

Chỉ số SIPAS 2018 do Bộ Nội vụ chủ trì thực hiện, với sự tham gia giám sát của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và sự tham gia thực hiện điều tra xã hội học của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost).

Theo M.T - ICTNews

Bài gốc

See this content in the original post

Xem thêm

See this content in the original post