Những người trẻ TP.HCM sáng tạo để đột phá


Nhằm chung tay biến nơi mình đang sinh sống thành một thành phố thông minh, hiện đại, nhiều cán bộ trẻ đã có ý tưởng đột phá và nhanh chóng biến chúng thành sự thật.

1581587677-guong-sang-tao-tre-3.jpg

TP.HCM đang hướng đến xây dựng TP thông minh, hiện đại, thì đã có không ít người trẻ bản lĩnh, năng động, tự tin, dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo, góp phần thực hiện mục tiêu của TP. 

Phần mềm giúp tiếp cận dễ dàng thông tin quy hoạch thành phố

Là một cán bộ trẻ tuổi, anh Vũ Chí Kiên, Phó Trưởng phòng Quy hoạch chung, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM không cho phép mình cứ “dậm chân tại chỗ” mà phải luôn “tiến lên” để theo kịp thời đại. Quyết tâm đó đã giúp anh Kiên có nhiều sáng kiến hay, không chỉ để phục vụ cho công tác chuyên môn mà còn giúp người dân thuận tiện hơn trong việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, quy hoạch. 

Trong năm 2017, khi còn công tác tại Phòng Quản lý Đô thị Quận Thủ Đức, anh Kiên đã cho ra đời ứng dụng “Thông tin Quy hoạch Thủ Đức”. Sau khi chuyển công tác về Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, anh tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện các giải pháp để đề xuất triển khai mô hình này trên phạm vi toàn thành phố.

Tháng 11/2017, ứng dụng “Thông tin Quy hoạch TP.HCM” chính thức được UNND TP công bố đưa vào sử dụng chính thức thông qua website và ứng dụng trên smartphone. 

Nhận thấy cơ sở dữ liệu về quy hoạch đô thị trên ứng dụng chưa được đầy đủ, dẫn đến việc phần mềm hoạt động chưa hiệu quả. Từ năm 2018 cho đến nay, anh Kiên tiếp tục nỗ lực nghiên cứu giúp ứng dụng hoạt động hiệu quả hơn. 

Nói về động lực để làm việc khó, anh Kiên chia sẻ: “Mặc dù bản đồ quy hoạch được in và dán ở trước các cơ quan, tuy nhiên không phải người dân nào cũng có thể nắm bắt được thông tin. Với lại, muốn được giải quyết thủ tục về lĩnh vực này phải mất từ 10 đến 15 ngày trong khi đó người dân thường mong được thực hiện sớm. 

Tôi từng chứng kiến câu chuyện của một người đàn ông lớn tuổi đã đặt cọc tiền để mua một mảnh đất. Tuy nhiên, sau khi đặt cọc, ông ấy mới biết khu đất mình sắp mua nằm trong diện quy hoạch. Muốn lấy lại tiền cọc, người môi giới buộc ông phải chứng minh bằng giấy xác nhận của UBND quận, may mắn là trường hợp của ông được giải quyết nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy. Từ sự việc đó đã thôi thúc tôi thực hiện sáng kiến này”.

Ứng dụng "Thông tin Quy hoạch TP.HCM".

Ứng dụng "Thông tin Quy hoạch TP.HCM".

Sau khi đưa vào vận hành, ứng dụng “Thông tin Quy hoạch TP.HCM” vừa giúp đội ngũ chuyên viên của phòng Quản lý Đô thị giảm bớt áp lực công việc vừa đáp ứng nhu cầu rất lớn của người dân trong việc tiếp cận thông tin quy hoạch. “Đến nay ứng dụng đã có hơn 200.000 lượt tải về với hơn 2,5 triệu lượt truy cập”, anh Kiên phấn khởi chia sẻ. 

Với anh Kiên, công nghệ thông tin có vai trò mấu chốt trong việc giải quyết các bài toán mà quy hoạch đô thị đang gặp phải, ví dụ như theo dõi sự phát triển đô thị, nâng cao nhận thức sâu về sự vận hành của đô thị, dự báo các xu hướng phát triển và đưa ra các giải pháp nhanh chóng cho các vấn đề mới của đô thị,...

Từ tinh thần không ngừng sáng tạo đó, anh Kiên vinh dự nhận được Bằng khen của UBND TP về việc đã có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 2 năm liên tục (2017, 2018); Bằng khen của Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc về Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở năm 2018 và nhiều giấy khen, bằng khen danh giá khác.

Chương trình quản lý hồ sơ khen thưởng điện tử 

Với mong muốn ứng dụng công nghệ thông tin vào chuyên môn, nghiệp vụ để đạt hiệu quả cao trong công việc, anh Trần Trung Chính (Chuyên viên Phòng Tổ chức Hành chính, Ban Thi đua - Khen thưởng, Sở nội vụ TP) đã mạnh dạn “Xây dựng chương trình quản lý hồ sơ khen thưởng điện tử giai đoạn 2 trên địa bàn TP”. 

Đồng thời anh cũng tham mưu với lãnh đạo về việc phối hợp cùng Sở Thông tin - Truyền thông xây dựng và đưa vào vận hành phần mềm quản lý văn bản, phần mềm quản lý công tác thi đua, khen thưởng luân chuyển hồ sơ điện tử qua mạng đến 173 cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP.

Anh Trần Trung Chính vinh dự nhận Giải thưởng “Cán bộ, công chức, viên chức trẻ, giỏi, thân thiện” năm 2019.

Anh Trần Trung Chính vinh dự nhận Giải thưởng “Cán bộ, công chức, viên chức trẻ, giỏi, thân thiện” năm 2019.

Theo anh Chính, đến nay nhiều đơn vị đã bắt đầu gửi hồ sơ đề nghị khen thưởng trên phần mềm điện tử, góp phần giảm thời gian đi lại để bổ sung hồ sơ, thủ tục. Không chỉ vậy, phần mềm còn tạo sự an tâm, tin tưởng cho các tổ chức, đơn vị, cá nhân khi đến nộp hồ sơ, đáp ứng yêu cầu triển khai dịch vụ công mức độ 3, 4. 

“Việc theo dõi hồ sơ khen thưởng điện tử có đính kèm danh sách khen thưởng bằng file Exel giúp giảm sai sót tên những người, đơn vị được khen thưởng, qua đó thường xuyên nhắc nhở, báo cáo những hồ sơ trễ hạn, còn tồn đọng để lãnh đạo kịp thời chỉ đạo giải quyết, tránh được việc làm thất lạc hồ sơ. Việc cập nhật các Số Quyết định khen thưởng theo hồ sơ cũng giúp bộ phận trả kết quả nhanh chóng tra cứu, tìm kiếm các hiện vật khen thưởng để thực hiện cấp phát cho đơn vị”, anh Chính khẳng định.

Nữ cán bộ hăng say với hoạt động bảo vệ môi trường

Thực hiện cuộc vận động người dân TP không vứt rác ra kênh rạch, vì một TP sạch đẹp và giảm ngập nước, chị Châu Thị Cẩm Vân (Phó Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông môi trường, Sở Tài Nguyên - Môi trường TP.HCM) đã xây dựng chương trình “Giáo dục và truyền thông về Bảo vệ môi trường trong trường học toàn thành phố năm 2017 - 2018”. 

“Chương trình hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức, ý thức của học sinh về lối sống thân thiện với môi trường để từng bước thay đổi hành vi, hình thành thói quen tích cực trong bảo vệ môi trường, phân loại chất thải tại nguồn, góp phần xây dựng thành phố văn minh, sạch đẹp”, chị Vân chia sẻ.

Chị Châu Thị Cẩm Vân đang chia sẻ về sáng kiến của mình.

Chị Châu Thị Cẩm Vân đang chia sẻ về sáng kiến của mình.

Để công việc thật sự mang lại hiệu quả, chị đã vận động các trường học lồng ghép những nội dung giáo dục và truyền thông về bảo vệ môi trường vào các chương trình chính khóa và ngoại khóa của nhà trường.

Ngoài hoạt động trên, chị Vân còn thực hiện chương trình “Một giây hành động - Bảo vệ môi trường” và nhận được sự hưởng ứng của toàn thể ban giám hiệu, thầy cô ở 30 trường mầm non, 12.000 học sinh cùng phụ huynh và lãnh đạo TP. Chương trình hướng dẫn phân loại rác tại nguồn bắt đầu bằng loại rác đơn giản nhất mà học sinh đang vứt bỏ hàng ngày là vỏ hộp sữa giấy.

Thấu hiểu được những khó khăn của người dân vùng sâu, vùng xa trong việc bảo vệ môi trường, chị Vân còn thực hiện chương trình “Quản lý môi trường dựa vào cộng đồng” tại xã Thạnh An, huyện Cần Giờ.

Các em nhỏ tham gia bỏ vỏ hộp sữa vào đúng nơi quy định trong chương trình "Một giây hành động - Bảo vệ môi trường".

Các em nhỏ tham gia bỏ vỏ hộp sữa vào đúng nơi quy định trong chương trình "Một giây hành động - Bảo vệ môi trường".

Theo đó, chương trình giúp người dân giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm do chất thải rắn, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng dân cư, hướng tới nâng cao năng lực chủ động triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng một xã đảo văn minh, sạch đẹp, phát triển bền vững”, chị Vân cho biết.

Với sáng kiến thiết thực, chị Vân vinh dự nhận được Giải thưởng “Cán bộ, công chức, viên chức trẻ, giỏi, thân thiện” năm 2019. Giải thưởng đã góp phần biểu dương và nhân rộng các gương điển hình đoàn viên thanh niên tiêu biểu trong thực hiện phong trào “3 trách nhiệm”. 

Kiều Khánh


Xem thêm