Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Bàn về Đổi mới sáng tạo

See this content in the original post

Theo khảo sát toàn cầu của IBM đối với 1500 CEOs và các nhà khởi nghiệp, 92% cho biết óc sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề là yếu tố hàng đầu khi họ tuyển dụng nhân tài hoặc đề bạt thăng cấp cho nhân viên. Vậy bạn có tự tin là mình đang có hoặc sẽ có được những kỹ năng thiết yếu này không?

Hãy quan sát một đứa bé hoặc nhớ lại chính bản thân bạn khi còn chập chững tuổi lên 3 lên 5. Hầu hết trẻ con đều rất thích đổi mới và sáng tạo trong các trò chơi cũng như mọi tình huống. Chúng khiến bố mẹ phải điên đầu với những câu hỏi “tại sao”, tạo ra những tuyệt phẩm từ bất cứ vật liệu nào có trong tay. Niềm đam mê khám phá thế giới của trẻ con rất đơn giản, đó có thể là việc tháo rời từng món đồ gia dụng nhờ hộp đồ nghề thần thánh của bố hoặc sáng chế ra những món ăn tuyệt vời nhờ nguyên liệu lén lút xén bớt từ cái giỏ làn mây kỳ diệu của mẹ. Bọn trẻ không chút ngần ngại phác họa ra những bức tranh lập thể trên bức tường phòng khách mới quét vôi trắng tinh, tạo ra những tác phẩm điêu khắc  trên mặt bàn làm việc của ông giáo khó tính. Sự hiếu kỳ và trí tưởng tượng đã cho tuổi thơ niềm vui sáng tạo đầy cảm hứng, không hề biết sợ hãi khi trải nghiệm những điều mới lạ chưa ai dám làm! Những ngày tháng trôi qua là những khám phá mới về thế giới chung quanh, để thỏa mãn trí tò mò vô hạn. Điều đó có nghĩa là sự sáng tạo gần như là bản năng có sẵn, không cần phải học hoặc rèn luyện mới có được.Thế rồi cái thế giới hồn nhiên sinh động ấy đã phải khép vào khuôn khổ với những quy định nghiêm khắc của nhà trường và xã hội, những lời giáo huấn khuôn vàng thước ngọc của bố mẹ… dần dần thui chột theo năm tháng khi bạn bước vào các cấp học phổ thông. Điều nghịch lý là quá trình suy thoái tăng dần đều đó lại tỷ lệ thuận với khối lượng lớn tri thức và kinh nghiệm được tích lũy qua năm tháng học vấn và trường đời! Chúng ta bắt đầu biết e ngại sự thay đổi, khép nép vào trong cái “vòng tròn an toàn” vì lo sợ những thay đổi mới mẻ đó sẽ đe dọa đến sự bình an của chính mình. Đúng như câu tục ngữ của Nhật: “hãy đánh thức người khổng lồ đang ngủ yên trong tâm trí của bạn” (nguyên văn: “Wake up the sleeping giant in your mind” – Japaneses proverb), sáng tạo rất đơn giản là ta chỉ cần sống lại với ký ức tuổi thơ tươi đẹp của chính mình. Trải nghiệm thú vị của chính tôi trong các khóa đào tạo về đổi mới sáng tạo, đặc biệt khi đối tượng học viên là các nhà quản lý cấp trung và cao khá lớn tuổi, khi tôi cho họ trở về với thế giới tuổi thơ với các trò chơi trẻ con để thử thách kích thích óc sáng tạo, vẻ chậm chạp ù lỳ ban đầu dần dần được thay thế bởi sự năng động, hồn nhiên với lnhững ý tưởng tuyệt vời và tiếng cười sảng khoái. Nếu là bạn, có cần phải bị ai đó thúc ép thì mới thỏa thích vui chơi thoải mái không nhỉ? 

Bài học trọng điểm 1: ĐMST phải là niềm vui chứ không phải là mệnh lệnh hành chánh.

Thế giới ngày nay đang thay đổi với tốc độ chóng mặt được dẫn dắt bởi cuộc CMCN 4.0. Những biến động về mặt kinh tế xã hội, những tiến bộ nhanh chóng của khoa học kỹ thuật và công nghệ đang định hình nên những nhu cầu và hành vi tiêu dùng mới, thách thức các hình thức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ truyền thống. Ngay cả khái niệm về doanh nghiệp lớn hoặc SMEs hoàn toàn không còn phụ thuộc vào quy mô, cơ sở hạ tầng hay số lượng nhân viên. Chẳng hạn như việc áp dụng nền tảng cung cấp dịch vụ trực tuyến đã làm thay đổi hoàn toàn phương thức kinh doanh taxi và khách sạn truyền thống mà Grab và Agoda là những đại diện điển hình. Với hệ thống các văn phòng nhỏ được phủ sóng rộng khắp các thành phố lớn trên nhiều quốc gia, các nền tảng ứng dụng trực tuyến này đã cung cấp hàng triệu phương tiện di chuyển và lưu trú trên toàn thế giới, mặc dù Grab và Agoda không hề sở hữu khối tài sản khổng lồ này. Các Start up kỳ lân (Unicorn) như Uber, Airbnb, TikTok, WeWork… đều là những công ty rất sáng tạo để chinh phục thế giới nhờ phương thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ rất khác biệt với cách thức truyền thống và họ làm điều đó một cách nhanh chóng và xuất sắc nhất. Trở lại với tình hình đất nước ta hiện nay đang dần thay thế Trung Quốc trong vai trò “công xưởng của thế giới”. Cũng vui đấy nhưng thật sự có đáng tự hào lắm không? Các nhà máy sản xuất gia công cho các thương hiệu quốc tế ồ ạt đổ vào Việt Nam tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động thì phải vui chứ. Nhưng liệu niềm vui này kéo dài được bao lâu khi các dây chuyền sản xuất, công nghệ lạc hậu đang và sẽ dần được thay thế bởi robot và máy in 3D. Vấn đề hoàn toàn không nằm ở yếu tố kỹ thuật công nghệ mà chỉ còn là thời gian và giá thành. Bạn có dám chắc là một nhà máy gia công hàng may mặc với quy mô hàng chục ngàn công nhân sẽ có doanh thu và lợi nhuận cao hơn một công ty khởi nghiệp (start up) với một vài kỹ sư đang vận hành các nền tảng ứng dụng mới thu hút hàng triệu người sử dụng (users) trên toàn cầu. Có bao giờ chúng ta tự hỏi tại sao quá trình công nghiệp hóa diễn biến sôi động như vậy mà đất nước ta vẫn đang ngấp nghé cái ngưỡng thu nhập trung bình? Nếu năng suất lao động của Việt Nam vẫn tiếp tục nằm trong nhóm CLMV (Cambodia – Laos – Myanmar – Vietnam) rất thấp so với mức bình quân của khối ASEAN thì ngay cả lao động giá rẻ cũng không còn là lợi thế cạnh tranh nữa. Rõ ràng lời giải của bài toán cải thiện năng suất không thể chỉ là kêu gọi người lao động hãy làm việc siêng năng vất vả hơn nữa, sử dụng nhiều sức mạnh cơ bắp hơn nữa mà chính yếu phải biết phát huy sức mạnh của trí tuệ và phương pháp làm việc thông minh hơn. Điều này chỉ đến như một hệ quả tất yếu của một hệ thống giáo dục giáo dục tiên tiến, khoa học và sáng tạo. Sau cùng thì hãy cởi trói để cho sự đổi mới sáng tạo đó được bay bổng mà không sợ bị trói buột vì “vòng tròn an toàn” là những chính sách, cơ chế cũ.

Người tiêu dùng xếp hàng mua bánh mì thanh long. Nguồn báo Tuổi Trẻ

Cần phải hiểu đúng về khái niệm về Đổi mới sáng tạo. Không như các phát minh (invention) đơn thuần là tạo ra những sản phẩm mới lạ, ĐMST (innovation) là quy trình biến những ý tưởng mới, sáng kiến hoặc phát minh thành sản phẩm hàng hóa dịch vụ phải tạo ra được giá trị hoặc được khách hàng đón nhận và sẵn sàng trả tiền cho hàng hóa/dịch vụ đó (Theo Business Dictionary: The process of translating an idea or invention into a good or service that creates value or for which customers will pay). Một ví dụ điển hình về đổi mới sáng tạo là sản phẩm bánh mì thanh long xuất phát với cùng một mục đích là “giải cứu” nông sản Việt giống như các hệ thống siêu thị, nhưng ý tưởng tạo ra một dòng sản phẩm mới hoàn toàn khác biệt, độc đáo và nhân văn của ông chủ ABC Bakery đang được người tiêu dùng đón nhận nhiệt liệt (xem ảnh 1). Như Einstein từng nói: “Bạn đừng bao giờ mong chờ có được kết quả tốt hơn nếu vẫn cứ lặp đi lặp lại cách làm cũ". Vậy nếu bạn không còn lựa chọn nào khác phải thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh mới, đừng bao giờ trông chờ vào may mắn mà phải thoát ra được tư duy lối mòn, thay đổi nhận thức, tầm nhìn, tư duy, chíến lược, phát triển nguồn nhân lực, và kế hoạch hành động để đưa ra phương pháp vận hành tối ưu nhằm đạt được hiệu quả cao nhất (đó chính là đầu ra như năng suất, chất lượng, thời gian giao hàng…) với ít nguồn lực nhất (đầu vào như nhân lực, vật liệu, CSVC, trang thiết bị…). Với cấp độ cơ sở và doan nghiệp, đó mới chính là cách làm đơn giản, khả thi và “thông minh” – một từ khóa nóng được nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây. Tôi đang ngồi viết bài này tại một địa điểm tọa lạc trong khu “Độ thị sáng tạo phiá Đông”. Cái khu đô thị này chưa thể “thông minh” sáng tạo hơn nếu chưa làm được một việc đơn giản và cần thiết hơn rất nhiều là “văn minh”. Tại sao con đường được mệnh danh là đại lộ đẹp nhất Saigon lại có bộ mặt toàn là quán nhậu và tiệm ve chai,   không tìm nổi một sạp báo và tiệm sách nào cả! Nếu muốn xem những pha đua tốc độ rung rợn còn hơn cả bộ phim “Fast and Furious”, xin hãy đến đây vào giờ cao điểm để xem xe máy đánh võng lạng lách vùn vụt trước đầu ô tô, trong đó có không ít màu áo xanh của các em học viên trường Công an gần đó. Ý tưởng đang bay bổng cũng bị nát vụn vì mớ âm thanh Karaoke hỗn loạn phát ra bất kể ngày đêm từ những dãy nhà trọ mọc lên như nấm chen chúc trên những mảnh đất vàng đầy rác và nước thải nhếch nhác!. Vậy trước khi trông chờ vào phép màu 4.0, tại sao chúng ta không đổi mới tư duy quản lý để làm được những việc đơn giản và thiết thực hơn trong giai đoạn này: xây dựng một nền dăn trí văn mình và trật tự đô thị.

Bài học trọng điểm 2: văn minh trước khi thông minh.

Giấc mơ về một dân tộc Việt Nam hùng cường theo như Tầm nhìn Quốc gia 2045 đòi hỏi phải có những kế hoạch hành động cụ thể với khởi đầu là cải tiến quy trình, loại bỏ những lãng phí khủng khiếp trong hệ thống hành chánh quản trị hiện thời, đặt ra những mục tiêu và kết quả cụ thể (OKRs) để có thể thực thi, giám sát và điều chỉnh theo thời hạn ngắn, trung và dài hạn (tuần, tháng, quý) chứ không đợi đến cuối năm để báo cáo thành tích. Sự phát triển của một quốc gia phụ thuộc rất lớn vào chiến lược tiếp cận và tốc độ đổi mới tư duy để thích nghi thay vì kiên định với chính sách hoạch định theo kế hoạch từ 5 -10 năm trước đây. Bỏ qua những lý thuyết sáo mòn về CMCN 4.0, điều cần thiết hơn là thể chế, chủ trương đồng bộ hoá và chuẩn bị nguồn nhân lực để chủ động tiếp cận với công  nghệ mới mà theo tôi việc triển khai 5G là một chủ trương sáng suốt để bắt kịp với nhịp độ phát triển của thế giới. Theo Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng: Năm 2020 sẽ là năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động mạnh mẽ để tiến tới một nền kinh tế số Việt Nam được dự đoán có giá trị đến 9 tỷ USD trong năm 2019 và dự kiến đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Việc ĐMST từ trong tư duy, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đẩy mạnh tỷ trọng các ngành dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao tạo động lực cho nền kinh tế như thương mại điện tử, tài chính, ngân hàng, du lịch, đặc biệt là chuyển đổi số là con đường nhanh nhất để có thể bắt kịp và hội nhập với thế giới. Phương thức tiếp cận chính phủ số hóa tinh gọn (Lean Goverment Digital approach – xem hình 2) và sự thành công rực rỡ của Saudi Arabi, UAE và Singapore -  3 quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng “Global Innovation Index” đo lường năng lực và thành công về ĐMST trong lãnh vực dịch vụ hành chính công là một bài học tham khảo vô cùng giá trị.

Những lợi ích của chương trình Chính phủ số hoa tinh gọn. Nguồn: Four Principles

Bài học trong điểm số 3: chuyển đổi số và chính phủ số hóa tinh gọn (Lean Goverment Digital approach) là lựa chọn tối ưu nhất. (*)

Hành trình ĐMST đầy thử thách gian nan chỉ vừa mới khởi đầu! Đặc biệt khi Hiệp định Thương mại tự do EVFTA vừa được Nghị viện châu Âu thông qua đang mở ra một cơ hội vàng đồng thời cũng là thách thức vô cùng lớn, yêu cầu các doanh nghiệp Việt phải chủ động vươn lên phân khúc tạo ra giá trị gia tăng cao của chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu. Sân chơi mới với một thị trường hiện đại hơn 500 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) lên tới 18.000 tỷ đô la sẽ không chấp nhận tư duy và cách làm cũ như tận dụng lao động giá rẻ có kỹ năng và năng suất thấp, chỉ chuyên gia công và khai thác tài nguyên khoáng sản thô, không có những chuẩn mực đạo đức về bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội theo những tiêu chí phát triển bền vững nghiêm ngặt nhất. Liệu cơ hội vàng này sẽ được tận dụng thành công hay không? Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào sự đồng hành của các doanh nghiệp dám “lột xác” chuyển mình vươn lên tầm cao mới và một nền kinh tế thi trường đúng nghĩa. 

(*) Tham khảo nguồn: https://www.fourprinciples.com/wp-content/uploads/2018/09/FP_Lean-Digital-Government_Mobile.v2.pdf

NGUYỄN VIẾT ĐĂNG KHOA

Giám đốc |  chuyên gia tư vấn công ty tư vấn Kim Đăng | Giảng viên bộ môn Năng Suất - Better Work Việt Nam

> Ghi chú: Trên đây chỉ là những ý kiến theo quan điểm riêng của người viết, rất mong được đón nhận sự đóng góp ý kiến và phản hồi của người đọc.

See this content in the original post

Xem thêm

See this gallery in the original post