Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Ứng dụng cần kết nối với hệ thống chung

See this content in the original post

Để triển khai đô thị thông minh tại 24 quận huyện, sự kết nối các ứng dụng công nghệ thông tin để người dân tương tác là hết sức cần thiết. Điều này cũng nằm trong kế hoạch của Sở TT-TT TPHCM khi định hướng năm 2020 là năm của sự tương tác qua các ứng dụng. Quan trọng nhất là làm sao xây dựng hệ thống dữ liệu đồng bộ, kết nối với hệ thống chung của TPHCM để thống nhất vận hành dù mỗi quận huyện có cách làm khác nhau.

Gia tăng tương tác qua ứng dụng

Hiện nay các phần mềm, ứng dụng như Quận 9 trực tuyến, Thủ Đức trực tuyến, Quận 10 online, Phú Nhuận trực tuyến, Quận 7 trực tuyến, Hóc Môn trực tuyến…  dần trở thành công cụ gần gũi với người dân tại các địa phương để “giao tiếp” với chính quyền sở tại khi có nhu cầu phản ánh các vi phạm về an ninh - trật tự, xây dựng tại địa bàn, cũng như tra cứu tiến độ xử lý hồ sơ hành chính, tra cứu thông tin quy hoạch. Qua đây, các quận huyện, sở ngành đã nâng cao một cách rõ ràng mức tương tác giữa người dân và chính quyền qua các ứng dụng. 

Không chỉ quận huyện, các sở ngành đã tiên phong trong phát triển ứng dụng hướng đến phục vụ đô thị thông minh. Ứng dụng UDI Maps do Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị TPHCM triển khai và phát hành rộng rãi miễn phí cho nền tảng điện thoại thông minh Android và iOS. Sau khi cài đặt ứng dụng UDI Maps thông qua Google Play Store và App Store, người dùng sẽ được cập nhật thông tin mới nhất và những cảnh báo liên quan tình hình triều cường, ngập lụt, lượng mưa hiện trạng, cũng như dự báo khả năng ngập do mưa trên các tuyến đường. Từ đó, người dân có thể chọn cho mình cách di chuyển hợp lý, an toàn trong mùa mưa. 

Còn Cổng thông tin giao thông TPHCM trên nền tảng bản đồ số trực tuyến thông qua địa chỉ giaothong.hochiminhcity.gov.vn và ứng dụng di động TTGT TPHCM giúp người dân có được những công cụ hữu ích, mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn. Người dân được cung cấp thông tin theo thời gian thực về tình hình giao thông tại địa điểm cần di chuyển đến hay vị trí hiện tại (thông qua GPS của thiết bị thông minh đang sử dụng), thông tin tiện ích, công cụ tìm đường, vị trí rào chắn đang thi công, vị trí nhà vệ sinh công cộng, vị trí trạm xăng, trạm y tế, bệnh viện… Không chỉ vậy, người dân còn có thể thông báo tình trạng kẹt xe đến trung tâm điều phối hệ thống bằng cách điền thông tin vào mục Góp ý trên cổng thông tin, hay ứng dụng đang sử dụng trên smartphone, hay tablet. 

Xây dựng hệ thống dữ liệu đồng bộ

Trong tiến trình xây dựng đô thị thông minh tại TPHCM, quận 1 và quận 12 là 2 quận đầu tiên làm thí điểm. Theo ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, cách tiếp cận ở mỗi địa phương khác nhau, nhưng cùng đạt kết quả tốt. Điều đó cho thấy, các địa phương có cách làm đa dạng, biết rõ mình cần gì và triển khai thành công. 

Trong đó, quận 1 triển khai nâng cấp dịch vụ công trực tuyến “tiếp nhận đăng ký không giấy” trên nhiều lĩnh vực. Thủ tục dịch vụ công trực tuyến được rút gọn. Người dân có thể sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng để “đăng ký giải quyết thủ tục hành chính” và gửi các thành phần hồ sơ theo yêu cầu. Người dân không phải nộp bất kỳ giấy tờ liên quan; các hồ sơ sẽ được phòng chuyên môn in sẵn, chuyển đến người dân ký xác nhận, cùng với kết quả được giải quyết. Qua đây người dân đã từng bước thay đổi thói quen, chuyển từ hình thức nộp hồ sơ trực tiếp sang nộp hồ sơ trực tuyến. 

Tại quận 12, các hoạt động tương tác với người dân qua môi trường điện tử thể hiện rõ hơn. Như với phần mềm quản lý hồ sơ hành chính (eHSHC), người dân có thể theo dõi quy trình xử lý hồ sơ ở từng công đoạn và nắm bắt kết quả giải quyết một cách tức thời. Quận đã đưa vào sử dụng Dịch vụ công trực tuyến với 18 thủ tục thuộc các lĩnh vực. Đáng chú ý, quận còn ứng dụng ảnh viễn thám trong quản lý đô thị, tài nguyên môi trường, nhằm giám sát biến động sử dụng đất và phát hiện các công trình xây dựng không phép…

Với những mặt đã làm được, việc các quận huyện khác có đề án xây dựng đô thị thông minh trên tinh thần xác định rõ mục tiêu, lĩnh vực cần tập trung, điều kiện và lộ trình thực hiện sát với tình hình thực tế là hết sức cần thiết. Theo bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, các quận huyện cần xây dựng hệ thống dữ liệu đồng bộ, kết nối với hệ thống chung của TPHCM; phải xác định các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý cấp quận huyện để xây dựng giải pháp, đề án tổ chức thực hiện; cung cấp nhiều tiện ích, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp - đó cũng là mục tiêu cuối cùng mà việc xây dựng đô thị thông minh cần đạt được.

Bá Tân

SGGP

See this content in the original post

Xem thêm

See this gallery in the original post