Start-up công nghệ Indonesia tăng hiện diện tại Việt Nam
Dòng vốn từ các start-up và quỹ đầu tư mạo hiểm Indonesia vào Việt Nam đang có xu hướng tăng, nhờ sự tương đồng trong môi trường kinh doanh khởi nghiệp của hai quốc gia.
Hệ sinh thái khởi nghiệp có nhiều nét tương đồng
East Ventures, quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Jakarta (Indonesia) đã tham gia vòng gọi vốn 2,7 triệu USD vào Công ty Truyền thông số Vietcetera cuối tháng 8/2021. Bà Melisa Irene, Giám đốc East Ventures cho biết, đây là khoản đầu tư thứ tư của Quỹ tại Việt Nam. Trước đó, Quỹ đã đầu tư vào start-up CirCo (lĩnh vực không gian làm việc chung - co-working space) năm 2018, nền tảng thương mại điện tử Sendo vào năm 2019 và start-up Kim An (lĩnh vực công nghệ tài chính - fintech) vào năm 2020.
“Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam và Indonesia có nhiều nét tương đồng. Do đó, chúng tôi đang tích cực tìm kiếm các lĩnh vực tiềm năng tại Việt Nam, như co-working space, cho vay, thương mại và truyền thông”, bà Melisa Irene chia sẻ.
Mới đây, Kredivo, nền tảng cung cấp dịch vụ mua trước, trả sau của Indonesia cũng tuyên bố mở rộng hoạt động sang Việt Nam thông qua liên doanh với Phoenix Holdings. Việt Nam là thị trường nước ngoài đầu tiên của Kredivo.
Ông Valery Crottaz, Giám đốc điều hành Kredivo gọi sự kiện ra mắt của Kredivo tại Việt Nam là một cột mốc quan trọng của doanh nghiệp này trong năm nay.
“Việt Nam là một lựa chọn hợp lý, do tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng trong nước thấp và tầng lớp người có thu nhập ổn định đang tăng nhanh. Thêm vào đó, thị trường thương mại điện tử Việt Nam cũng đang phát triển nhanh chóng, có sự tương đồng về mô hình nhân khẩu học cũng như khẩu vị tiêu dùng ở Indonesia”, ông Valery Crottaz nói.
Chia sẻ về cú bắt tay Kredivo, ông Nguyễn Lân Trung Anh, Tổng giám đốc Phoenix Holdings nhấn mạnh, việc hợp tác có ý nghĩa rất lớn đối với cả hai bên. “Phoenix Holdings chia sẻ kinh nghiệm đầu tư tài chính và sự hiểu biết sâu rộng về thị trường Việt Nam. Trong khi đó, Kredivo cung cấp nền tảng dịch vụ mua trước, trả sau ưu việt tại Indonesia. Cả hai có cùng mục tiêu và tầm nhìn về việc phát triển, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng nhanh chóng đối với người dùng”, ông Trung Anh cho biết.
Cũng theo đại diện Phoenix Holdings, Kredivo muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam vì đây là một trong những thị trường tiềm năng nhất trong khu vực với nền kinh tế đang trên đà phát triển, tỷ lệ dân số trẻ thành thị tăng cao và xu hướng số hóa diễn ra mạnh mẽ. Việt Nam đang thu hút nhiều khoản đầu tư lớn trong và ngoài nước, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ tài chính; điều này giúp một số công ty fintech Việt Nam đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua.
Đồng thời, môi trường kinh doanh thông thoáng và hệ thống pháp lý ổn định cũng góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác đầu tư vì lợi ích của người tiêu dùng Việt Nam, ngành tài chính và sự phát triển lâu dài của đất nước.
Việt Nam - điểm đến của các kỳ lân Indonesia
Kredivo không phải là “kỳ lân” duy nhất của Indonesia có mặt tại Việt Nam. Trước Kredivo, Gojek - kỳ lân đầu tiên của Indonesia, đã hiện diện và tăng cường hoạt động tại đây. Vừa qua, Gojek giới thiệu dịch vụ gọi xe bốn bánh GoCar tại TP.HCM, dành riêng phục vụ lực lượng y tế tuyến đầu, trước khi mở rộng để đáp ứng nhu cầu của người dân trong thời gian tới. Dự kiến, cuối năm nay, Gojek sẽ ra mắt dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để tham gia sâu hơn vào lĩnh vực fintech tại Việt Nam.
Một “kỳ lân” khác của Indonesia là J&T Express cũng đã xây dựng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam để phục vụ nhu cầu giao hàng thương mại điện tử. Công ty này có trụ sở tại Jakarta, hiện có hơn 1.900 bưu cục với khoảng 25.000 nhân viên trên toàn quốc. Tương tự, start-up Social Bella của Indonesia hoạt động trong lĩnh vực công nghệ làm đẹp cũng đã có mặt tại Việt Nam gần một năm qua thông qua nền tảng thương mại điện tử làm đẹp Sociolla.
Có thể thấy, những điểm tương đồng giữa Việt Nam và Indonesia đã tạo điều kiện cho các start-up Indonesia gặt hái thành công và mở rộng quy mô ở cả hai thị trường.
“Hiện nay, các đô thị lớn đông dân của Indonesia và Việt Nam đều đã đẩy mạnh việc ứng dụng kỹ thuật số như Jakarta ở Indonesia; TP.HCM và Hà Nội ở Việt Nam. Những đặc điểm phát triển này giúp chúng tôi dự đoán các xu hướng phát triển giữa hai quốc gia để có thể rót vốn đầu tư vào các mảng tiềm năng. Chúng tôi cho rằng, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam có thể đi sau Indonesia 3 - 4 năm, nhưng khoảng cách có thể được thu hẹp tương đối nhanh”, bà Melisa Irene nhận định.
Bà Melisa Irene, Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm East Ventures (Indonesia) chỉ ra một số điểm tương đồng giữa Indonesia và Việt Nam. Đó là, cả hai nước đều có dân số đông và tỷ lệ sử dụng Internet tương đương nhau (70,3% ở Việt Nam và 73,7% ở Indonesia, số liệu tính đến tháng 1/2021); cả hai nước đều có cơ cấu dân số trẻ với thanh niên chiếm hơn một nửa, khoảng 55% ở Việt Nam và 70% ở Indonesia. Đây là những yếu tố tác động đến xu hướng phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số.
THEO THÀNH VÂN