Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

tMonitor trở thành quán quân cuộc thi Startup Wheel 2021

tMonitor là thiết bị, ứng dụng đo lường 13 chỉ số chất lượng không khí và đưa ra các cảnh báo, giải pháp theo thời gian thực. Dự án này vừa đạt giải nhất cuộc thi Startup Wheel 2021.

tMonitor được thành lập từ tháng 6/2019, cung cấp giải pháp giám sát được 13 chỉ số chất lượng không khí, ứng dụng Internet vạn vật (IoT) và Học máy (Machine Learning) để vừa giám sát thời gian thực vừa cảnh báo các khủng hoảng xảy ra ở môi trường làm việc trong nhà, nơi có mật độ người cao như công xưởng, bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại…

Điểm khác biệt của tMonitor so với các giải pháp khác đó là tự sản xuất phần cứng tại Việt Nam, tích hợp trí tuệ nhân tạo để đưa ra các phân tích, dự đoán chất lượng không khí. 

Thêm vào đó, tMonitor có thể tự động hiệu chuẩn độ chính xác của các cảm biến không khí, tích hợp sẵn hệ thống quản lý khủng hoảng và có khả năng kết hợp với các hệ thống quản lý khác.

tMonitor có 2 đồng sáng lập là Vũ Hải Nam (kiêm CEO) và Trần Đức Nghĩa.

Đội ngũ tMonitor đang triển khai gọi vốn đầu tư để sản xuất đại trà sản phẩm và tinh luyện thêm nhiều tính năng thông minh cho sản phẩm cùng mục tiêu gọi vốn khoảng 450.000USD (đổi cho 10% cổ phần). 

Ngoài ra, trong thời gian tới, tMonitor sẽ triển khai lắp thiết bị đo không khí tại trường Đại học Huế, đại học FPT... cũng như nơi công cộng, tập trung đông người, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, khu bảo tồn, dọc bờ sông Hương tại Huế.

Trước đó, tMonitor đã đạt giải nhất cuộc thi IoT Startup 2019 và dần bắt đầu mối hợp tác với Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang để sản xuất đèn thông minh, cảm ứng tiết kiệm điện năng theo điều kiện thực của môi trường.

Là một trong những giám khảo Startup Wheel 2021, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HoSE: HBC) nhận thấy điểm chung của nhiều startup là sự tâm huyết và sáng tạo. 

Nhiều ngành nghề vốn quen thuộc và truyền thống nhưng các nhà sáng lập đã tìm ra các điểm “nghẽn” để cải tiến và biến chúng thành cơ hội khởi nghiệp. 

Tuy nhiên, điểm mạnh đôi khi cũng là điểm yếu. Một số dự án vẫn chưa thể hiện được tính đột phá vượt trội mà theo ông Lê Viết Hải, có thể do yếu tố thị trường đã bó hẹp tính đột phá trong một số startup. 

Vị này cho rằng, các nhà sáng lập nên đầu tư tìm tòi và nghiên cứu những giải pháp mới, sáng tạo những ý tưởng chưa ai làm hoặc đáp ứng nhu cầu của hàng tỷ người trên thế giới, thay vì chỉ dừng lại ở những  giải pháp mang tính địa phương hóa hay chỉ phục vụ trong nước như hiện nay.

“Bằng cách làm đó, chúng ta có khi cần cùng nhau đặt mục tiêu doanh thu hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đô la cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với hàm lượng nghiên cứu cao, thay vì chỉ hài lòng với con số vài chục ngàn đô la Mỹ như hiện nay”, ông Lê Viết Hải chia sẻ.

Chủ tịch Xây dựng Hoà Bình còn cho biết, dù ngành xây dựng "có lợi nhuận không cao" nhưng với kỳ vọng đưa khoa học công nghệ Việt chinh phục thế giới, Tập đoàn này sẽ đầu tư vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam thông qua Trung tâm đổi mới sáng tạo Hoà Bình (HBIC).

Trong giai đoạn đầu (dự kiến từ năm 2021 - 2024), HBIC sẽ tập trung đầu tư chính vào các công ty đổi mới sáng tạo trong hệ sinh thái ngành xây dựng và các ngành có liên quan như vật liệu xây dựng, tự động hóa, cơ khí chế tác,...

THEO THỊ HỒNG

(Báo Đầu tư)

See this gallery in the original post