Khai thác tài sản trí tuệ thành công cụ tài chính: Những gợi mở về khung chính sách tại Việt Nam
Khai thác tài sản trí tuệ (TSTT) thành công cụ tài chính là yêu cầu tất yếu trong phát triển hệ sinh thái tài chính sở hữu trí tuệ (SHTT). Thông qua đó sẽ góp phần tạo nguồn lực tài chính ổn định cho các chủ thể nắm giữ TSTT, tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tăng cường đổi mới sáng tạo; các nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khởi nghiệp… tích cực tham gia vào các dự án nghiên cứu, từ đó góp phần phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.
Khai thác TSTT thành công cụ tài chính
Khai thác TSTT thành công cụ tài chính là làm thế nào để chuyển đổi một ý tưởng sáng tạo thành một tài sản tài chính. Tài sản tài chính là quyền sở hữu của một thực thể, được nắm giữ nhằm mục đích tạo ra doanh thu. Giống như bất kỳ các loại tài sản khác, TSTT có thể được bán, cấp phép, sử dụng làm tài sản thế chấp hoặc tài sản bảo đảm cho tài chính nợ, hoặc nó có thể cung cấp cơ sở bổ sung hoặc thay thế để tìm kiếm vốn chủ sở hữu từ các nhà đầu tư tư nhân, nhà đầu tư mạo hiểm, tổ chức tài chính chuyên biệt và một số trường hợp từ các ngân hàng [1].
Triển vọng của việc khai thác TSTT thành công cụ tài chính
Xu hướng khai thác TSTT thành công cụ tài chính bắt đầu ở các nền kinh tế phát triển từ giữa những năm 90 của thế kỷ XIX. Việc thế chấp các khoản vay thương mại và tài trợ ngân hàng bằng cách cấp lãi suất bảo đảm dựa trên TSTT ngày càng trở nên phổ biến. Tiền bản quyền và lợi nhuận từ TSTT là nguồn thu nhập lớn và việc chứng khoán hóa loại tài sản này có thể được sử dụng để tăng tiềm lực tài chính cho doanh nghiệp. Đối với hoạt động chứng khoán hóa, việc định giá hợp lý TSTT là yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo các khoản vay hoặc trợ cấp tài chính cho hoạt động kinh doanh [1]. TSTT với hai đặc điểm hấp dẫn có thể giúp các doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư mới hoặc có được các điều kiện tài chính thuận lợi hơn. Thứ nhất, TSTT và các quyền đối với TSTT tiết lộ cho các nhà đầu tư về chất lượng quản lý, khả năng nghiên cứu và phát triển công nghệ của doanh nghiệp. Thứ hai, với tư cách là các nguồn lực kinh tế được bảo vệ hợp pháp, TSTT và các quyền đối với TSTT có thể giúp nâng cao lợi nhuận dự kiến của một doanh nghiệp, có thể được tách ra khỏi hoạt động kinh doanh và bán trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính [2].
Việc khai thác TSTT thành công cụ tài chính sẽ góp phần tạo nguồn lực tài chính ổn định cho các chủ thể nắm giữ, đặc biệt là các chủ thể đang hoạt động, tương tác trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, tạo động lực cho tổ chức, cá nhân tạo thêm nhiều TSTT, doanh nghiệp tăng cường đổi mới sáng tạo, viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học, nhà khởi nghiệp, nhà đầu tư... tham gia tích cực vào các dự án khởi nghiệp; góp phần phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khởi nguồn, doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN).
Khai thác TSTT thành công cụ tài chính dưới hình thức sở hữu ở các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
TSTT có vai trò quan trọng trong việc tăng vốn đầu tư và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Quỹ đầu tư mạo hiểm thường ưu tiên đặt tiền vào doanh nghiệp nắm giữ TSTT, đặc biệt là các doanh nghiệp có sáng chế đang được đăng ký hoặc đã được cấp bằng [3]. Lý do cơ bản là: i) các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thường chưa có doanh số lớn để có thể chứng minh ý tưởng của họ có giá trị trong khi các sáng tạo kỹ thuật được cấp bằng sáng chế cho thấy họ đã vượt qua các tiêu chuẩn để được cấp bằng; ii) bằng sáng chế cung cấp một số đảm bảo rằng các sáng tạo kỹ thuật đằng sau một doanh nghiệp khởi nghiệp có thể không dễ dàng bị sao chép bởi doanh nghiệp khác; iii) nếu doanh nghiệp khởi nghiệp bị phá sản, có thể bán hoặc cấp phép sử dụng bằng sáng chế cho các tổ chức khác, tức là có thể hạn chế được thiệt hại của nhà đầu tư; iv) bằng sáng chế “là một tín hiệu” thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, giúp cho doanh nghiệp khởi nghiệp dễ dàng được chú ý trên thị trường [3].
Khai thác TSTT thành công cụ thu hút các khoản vay
Vay vốn dựa vào TSTT: các doanh nghiệp được dùng giá trị kinh tế của TSTT mà mình sở hữu để vay vốn từ các ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính. Quyền đối với TSTT có thể được cầm cố trực tiếp như một tài sản thế chấp trong một hợp đồng vay để bên cho vay có thể thu giữ quyền sở hữu đó nếu doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Ngoài ra, các quyền đối với thu nhập do TSTT tạo ra trong tương lai có thể được dùng để trả các khoản nợ. Một công cụ đơn giản và được sử dụng thường xuyên từ danh mục này là một khoản vay được đảm bảo bằng dòng doanh thu có được từ các thỏa thuận cấp phép sử dụng hoặc tiền bản quyền, thường liên quan đến danh mục bản quyền hoặc bằng sáng chế. Khoản tài trợ tiền bản quyền này ước tính đạt 3,3 tỷ USD trong giai đoạn 2007-2008 tại Hoa Kỳ [2].
Chứng khoán hóa dựa vào TSTT: bao gồm việc đặt một TSTT hoặc các quyền đối với doanh thu dự kiến của TSTT đó (ví dụ như tiền bản quyền) thông qua một phương tiện đặc biệt (Special Purpose Vehicle - SPV), trên cơ sở đó phát hành chứng khoán trên thị trường vốn. Bằng cách này, các tổ chức cho vay có thể loại bỏ rủi ro khi nắm giữ TSTT trong khi doanh nghiệp gốc có thể có được các điều kiện tài trợ thuận lợi hơn. Điều này là do chứng khoán phát hành qua SPV về lý thuyết được tách biệt khỏi rủi ro của doanh nghiệp và do đó có thể nhận được xếp hạng tín dụng thuận lợi hơn. Hiện tại, chứng khoán hóa là lựa chọn chủ yếu dành cho các tập đoàn lớn [2].
Bán TSTT và thuê lại: một doanh nghiệp bán TSTT của mình cho một nhà đầu tư chuyên biệt để đổi lấy nguồn vốn ngay lập tức, đồng thời mua giấy phép sử dụng lại TSTT đó cho các hoạt động và sản phẩm được bảo vệ bằng quyền SHTT của mình. Khi kết thúc một thời hạn cụ thể, doanh nghiệp thường giữ quyền chọn mua lại TSTT với mức giá xác định trước. Ưu điểm của mô hình này là doanh nghiệp có thể tăng tính thanh khoản cho các hoạt động ngắn hạn trong khi vẫn duy trì việc sử dụng TSTT của mình. Cũng như chứng khoán hóa, các tập đoàn lớn là những tổ chức sử dụng thường xuyên nhất công cụ bán và thuê lại [2].
Nợ mạo hiểm: đây là một công cụ tài chính có cả đặc điểm nợ và vốn chủ sở hữu. Về mặt hình thức, trong mô hình này, doanh nghiệp tiếp cận tài trợ vốn dưới hình thức một khoản vay mà doanh nghiệp đồng ý trả lãi, đồng thời phát hành chứng quyền đối với vốn chủ sở hữu trong doanh nghiệp, được bên cho vay mua lại. Khi được triển khai hiệu quả, cấu trúc như vậy sẽ kết hợp vai trò “vốn dài hạn” của tài trợ vốn cổ phần với khả năng đánh giá và định giá rủi ro của một tổ chức cho vay. TSTT đại diện cho một tài sản quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch này, nhưng cần lưu ý rằng khoản vay thường được hỗ trợ bởi một quyền thế chấp chung, tức là một yêu cầu đối với tất cả các tài sản của doanh nghiệp trong trường hợp vỡ nợ [2].
Thách thức tài chính trong khai thác TSTT thành công cụ tài chính
(i) Thị trường chứng khoán dựa trên tài sản SHTT còn nhỏ do số lượng người mua và người bán SHTT có hạn; việc mở rộng các khoản vay được bảo đảm bằng TSTT vẫn chưa phổ biến; trên thực tế, nó được các nhà đầu tư mạo hiểm áp dụng hơn là các ngân hàng [1].
(ii) TSTT không được nêu rõ ràng trên bảng cân đối kế toán của hầu hết các doanh nghiệp. Lý do thường gặp nhất là do yêu cầu của quá trình thẩm định chi tiết, sự thiếu hiểu biết chung trong cộng đồng tài chính về tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền SHTT [1].
(iii) Thị trường TSTT chưa phát triển: các thị trường thứ cấp cho TSTT được cho là kém phát triển để đảm bảo việc bán lại các tài sản này một cách nhanh chóng với chi phí thấp. Điều này tạo ra rào cản lớn cho chủ nợ khi họ cần bán TSTT được thế chấp. Đối với ngân hàng, vấn đề này là rào cản lớn vì các tổ chức này thường không có nhiều kiến thức để đánh giá rủi ro về TSTT hoặc bán TSTT trên các thị trường không chính thức và không có tính thanh khoản [2].
(iv) Chi phí giao dịch cao đối với tài sản thế chấp: việc cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải chịu chi phí giao dịch cao vì nhiều lý do. Trước hết, thông tin không cân xứng nghiêm trọng làm tăng chi phí cần thiết để thu thập bằng chứng thuyết phục về mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp. Ngoài ra, trong bối cảnh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nhiều TSTT, sự hiện diện của TSTT có thể đại diện cho một giá trị nhưng cũng có thể được coi là một nguồn không chắc chắn về lợi nhuận kỳ vọng của các dự án của doanh nghiệp và về giá trị của TSTT, vốn có thể thay đổi thường xuyên [2].
(v) Các ngân hàng không hiểu đầy đủ về TSTT: để thế chấp TSTT, các tổ chức tài chính cần hiểu chức năng, mối quan hệ của TSTT với các dòng tiền và giá trị tiềm năng của nó nếu được xử lý tách biệt khỏi doanh nghiệp. Rõ ràng, các yếu tố được mô tả ở trên làm cho sự hiểu biết này khó đạt được. Hầu hết các tổ chức tài chính - đặc biệt là các ngân hàng - chưa phát triển các phương pháp cần thiết để hợp lý hóa việc đánh giá TSTT [2].
Kinh nghiệm khai thác TSTT thành công cụ tài chính ở một số quốc gia
Để vượt qua những thách thức trong việc biến TSTT thành một công cụ huy động tài chính, một số chính phủ can thiệp và thúc đẩy thị trường tài chính nợ dựa trên TSTT.
Trung Quốc triển khai các chương trình của chính phủ nhằm thúc đẩy việc sử dụng TSTT làm tài sản thế chấp bằng cách cung cấp các khoản trợ cấp lãi suất, hình thành các quỹ đặc biệt cho ngân hàng, cũng như thiết lập các công cụ định giá để giảm rủi ro cho vay. Từ năm 2018 đến tháng 9/2019, chỉ riêng tỉnh Quảng Đông, tổng số tiền cho vay thế chấp bằng sáng chế có trị giá 30 tỷ nhân dân tệ (hơn 4 tỷ USD) và “hàng nghìn” doanh nghiệp đã được hưởng lợi từ các kế hoạch này. Ở Singapore, một chương trình hỗ trợ thế chấp TSTT đã được triển khai vào năm 2014, tuy nhiên, đã ngừng hoạt động vào năm 2018, và hiện đang được Singapore đánh giá lại để ban hành theo mô hình mới cho giai đoạn tới. Ngoài ra, Singapore cũng đang phát triển nền tảng đổi mới sáng tạo mở (OIP), theo đó các vấn đề về kinh tế, xã hội, KH&CN, các vấn đề của doanh nghiệp… sẽ được đặt thành những bài toán cụ thể để kêu gọi cộng đồng gồm: doanh nghiệp (doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp spin-off, các tập đoàn…), viện nghiên cứu, trường đại học sử dụng TSTT của mình hoặc đề xuất các giải pháp về kỹ thuật, công nghệ… nhằm giải quyết các vấn đề đó.
Ở Hàn Quốc, nơi Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) được cho là đã ứng trước 100 triệu USD cho 80 doanh nghiệp sở hữu nhiều TSTT dưới hình thức các khoản vay có thế chấp. Ở Malaysia, Chương trình tài trợ cho TSTT (IPFS) có trị giá 200 triệu RM được cung cấp thông qua Malaysia Debt Ventures Bhd để hỗ trợ việc sử dụng TSTT làm tài sản thế chấp. Một vấn đề với các chương trình này là những thành công và thách thức của chương trình không được đánh giá công khai [3].
Một số đề xuất khung chính sách cho Việt Nam
Gợi mở về cơ sở pháp lý điều chỉnh một số vấn đề liên quan đến TSTT
Hiện nay quyền SHTT và vấn đề về tài sản được điều chỉnh trong nhiều văn bản khác nhau như Bộ luật Dân sự, Luật SHTT, Luật Chuyển giao công nghệ và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Luật Chuyển giao công nghệ quy định: “Quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền khác phát sinh từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đối tượng SHTT có thể xác định được giá trị là quyền tài sản” (Điều 35). Nghị định 76/2018/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật này đã quy định về sử dụng quyền tài sản bảo đảm cho giao dịch vay vốn với việc ghi nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng SHTT theo quy định của pháp luật SHTT và quyền khác phát sinh từ kết quả nhiệm vụ KH&CN, đối tượng SHTT theo quy định của pháp luật có thể xác định được giá trị là quyền tài sản (Điều 11) nhằm tạo nguồn lực và cơ chế bảo đảm cho giao dịch dân sự, kinh tế dựa trên TSTT và đối tượng quyền SHTT.
Nghị định 21/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định quyền phát sinh từ quyền SHTT có giá trị tài sản (Điều 171). Nghị định 08/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KH&CN (điểm a khoản 1 Điều 412) và Luật Doanh nghiệp 2020 (khoản 1 Điều 343) quy định về quyền góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền SHTT.
Thông tư liên tịch số 39/2014/TT-BKHCN-BTC của Liên Bộ KH&CN, Tài chính quy định việc định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, TSTT sử dụng ngân sách nhà nước đưa ra định nghĩa về TSTT4 làm cơ sở cho việc đưa ra các quy định về hình thức, chi phí định giá, các bước định giá... Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 ban hành kèm theo Thông tư 06/2014/TT-BTC ngày 07/01/2014 của Bộ Tài chính ban hành có sử dụng khái niệm TSTT nhưng chưa được định nghĩa rõ.
TSTT trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là rất quan trọng trong giao dịch thương mại, đầu tư, gọi vốn, góp vốn, cổ phần hóa, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp. Quy định hiện hành về hệ thống hạch toán tài sản của doanh nghiệp chưa đề cập đến vấn đề này.
Gợi mở về một số nội dung để hoàn thiện khung chính sách tại Việt Nam
Pháp luật về SHTT đóng vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sáng tạo, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần khuyến khích hoạt động nghiên cứu, đổi mới, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Luật này đang được sửa đổi để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về SHTT. Đây cũng là cơ hội cho việc thúc đẩy, khai thác TSTT thành công cụ tài chính hiệu quả. Từ nghiên cứu tổng quan nêu trên, một số gợi mở để hoàn thiện khung chính sách được đề xuất như sau:
(i) Bổ sung khái niệm về TSTT đảm bảo phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đặc biệt là các quy định của Bộ luật Dân sự, pháp luật chuyên ngành; và bổ sung cơ chế khuyến khích khai thác TSTT thành công cụ tài chính, tạo nguồn lực từ tài sản vô hình cho phát triển các mô hình doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off), doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
(ii) Bổ sung một số quy định về TSTT, quyền phát sinh từ quyền SHTT, quyền và nghĩa vụ đối với TSTT và một số quy định đặc thù trong quản lý, khai thác, định giá TSTT của cá nhân, doanh nghiệp để tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho khai thác TSTT trong hoạt động nghiên cứu phát triển và sản xuất kinh doanh.
(iii) Nghiên cứu ban hành các quy định đặc thù trong hạch toán TSTT của doanh nghiệp để có căn cứ pháp lý cho việc xác định giá trị của doanh nghiệp; phát triển các công cụ tài chính, các nền tảng định giá TSTT để đảm bảo các khoản vay hoặc tài chính cho hoạt động kinh doanh.
(iv) Triển khai thí điểm cho phép các quỹ (Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, quỹ KH&CN của doanh nghiệp), ngân hàng, tổ chức tài chính... trợ cấp lãi suất, hỗ trợ thế chấp hoặc bảo lãnh các khoản vay sử dụng TSTT làm tài sản thế chấp.
Kết luận
Tài chính SHTT là một hệ sinh thái gồm nhiều chủ thể tham gia (doanh nghiệp sở hữu TSTT, tổ chức bảo lãnh TSTT, tổ chức tài trợ vốn của Chính phủ, bên cho vay, nhà đầu tư...) với các mối liên hệ thiết yếu, tương tác với nhau thông qua các nghiệp vụ có tính đặc thù, chuyên sâu gắn với tài chính, tài sản và SHTT (bảo hộ quyền SHTT, tài trợ vốn, các khoản vay…). Phát triển hệ sinh thái tài chính SHTT góp phần tạo nguồn lực tài chính ổn định cho các chủ thể chính nắm giữ TSTT, tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp tăng cường đổi mới sáng tạo, các nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khởi nghiệp… tham gia tích cực vào các dự án nghiên cứu, qua đó góp phần phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.
Các nước phát triển đạt được sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia một phần là vì đã phát triển tốt hệ sinh thái tài chính SHTT. Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc hay Hoa Kỳ là những ví dụ điển hình cho điều này. Việt Nam có thể phát triển hệ sinh thái tài chính SHTT của mình với việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, trong đó nghiên cứu bổ sung khái niệm về TSTT trong Luật SHTT, có cơ chế khuyến khích khai thác TSTT thành công cụ tài chính, tạo nguồn lực từ tài sản vô hình cho phát triển các mô hình doanh nghiệp sáng tạo, ban hành các quy định đặc thù trong hạch toán TSTT của doanh nghiệp để có căn cứ pháp lý cho việc xác định giá trị của doanh nghiệp, thiết lập các nền tảng định giá tài sản vô hình, cho phép thí điểm cơ chế đặc thù trong khuôn khổ (sandbox), chẳng hạn bảo lãnh các khoản vay hoặc trợ cấp lãi suất đối với các chủ thể nắm giữ TSTT.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] S.K. Verma (2006), “Financing of intellectual property: developing countries’ Context”, Journal of Intellectual Property Rights, pp.22-32.
[2] OECD (2015), “IP-based financing of innovative firms”, Enquiries Into Intellectual Property’s Economic Impact, OECD Publishing.
[3] A. Rradauer (2020), “Opportunities to reap financing through ip for innovation”, Global Innovation Index 2020.
ThS Lương Văn Thường1, PGS.TS Nguyễn Minh Ngọc2
1.Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN, 2.Trường Đại học Kinh tế quốc dân
Nguồn: https://vjst.vn