Các lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo thu hút nhà đầu tư
Bất chấp những tác động từ đại dịch, dòng vốn đầu tư vào start-up Việt được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Kỳ vọng “mùa gặt” cuối năm
Nhìn lại bức tranh đầu tư vào hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam trong năm 2020, bà Lê Hoàng Uyên Vy, đồng sáng lập, kiêm CEO Quỹ Do Ventures chia sẻ, từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, việc tiếp cận, tìm hiểu trực tiếp giữa nhà đầu tư và các start-up bị hạn chế, nên tổng vốn đầu tư vào hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam giảm gần 1 nửa so với cùng kỳ năm 2019.
Nhưng, điều đặc biệt là tổng số thương vụ đầu tư vào start-up Việt trong năm 2020 chỉ giảm 17% so với năm 2019. Trong nửa cuối năm 2020, dù nhà đầu tư không thể trực tiếp đến Việt Nam, nhưng rất tin tưởng vào khả năng phục hồi của nền kinh tế, nên nhiều vòng hạt giống (giá trị thương vụ dưới 500.000 USD) vẫn được “chốt” qua hình thức online
Theo thống kê của Do Ventures và Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, trong 9 tháng đầu năm nay, thị trường chứng kiến sự phục hồi nhanh của dòng vốn đầu tư vào start-up Việt khi có hơn 600 triệu USD được đầu tư, tổng số thương vụ bằng cả năm 2020.
“Quý IV sẽ là ‘mùa gặt’ và chúng tôi kỳ vọng năm nay, tổng số tiền các quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư vào các dự án sẽ đạt mức kỷ lục khi vượt 1 tỷ USD”, bà Uyên Vy dự báo. Một số thương vụ nổi bật mà CEO Quỹ Do Ventures nhắc đến là VnLife được đầu tư 250 triệu USD, Kiot Việt nhận đầu tư 45 triệu USD…
Start-up công nghệ, đổi mới sáng tạo được quan tâm nhiều hơn
Tương ứng với từng giai đoạn phát triển, mỗi start-up đều có “nấc thang” huy động vốn khác nhau.
Trong giai đoạn mới hình thành ý tưởng, chưa có mô hình kinh doanh rõ ràng và chưa có doanh thu, việc tìm kiếm nhà đầu tư và được các quỹ đầu tư đầu tư mạo hiểm rót vốn là trường hợp rất hiếm khi xảy ra, trừ khi start-up đó có đội ngũ rất xuất sắc và có kinh nghiệm, năng lực thực hành nhiều năm trong ngành. Vì vậy, ở giai đoạn này, start-up phải sử dụng vốn tích lũy của bản thân và sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè.
Bước vào giai đoạn khởi động, giới thiệu sản phẩm ra thị trường là lúc start-up tìm đến các nhà đầu tư cá nhân, hay còn gọi là nhà đầu tư thiên thần.
Khi phát triển đến giai đoạn tăng trưởng với mô hình kinh doanh rõ ràng và có lợi nhuận, start-up thường tìm đến các quỹ đầu tư tư nhân với giá trị đầu tư trung bình 20 - 50 triệu USD.
Xét về ngành, các quỹ đầu tư thường quan tâm tới các start-up trong lĩnh vực thanh toán, thương mại điện tử. Minh chứng là, các start-up trong mảng này đều thu hút được vốn đầu tư lớn, như Momo huy động 99 triệu USD, Sendo gọi vốn thành công 51 triệu USD…
Tuy nhiên, từ khi Covid-19 bùng phát, dòng tiền không còn đổ dồn vào 2 lĩnh vực trên, mà “phủ sóng” ở nhiều lĩnh vực đổi mới sáng tạo khác, như công nghệ giáo dục, công nghệ y tế… Theo thống kê, giá trị trung bình vòng pre-series A khoảng 500.000 USD/thương vụ, vòng series A là 2 triệu USD và vòng series B trung bình là 11 triệu USD.
Theo báo cáo từ Google, Temasek và Bain & Co., nền kinh tế Internet của Đông Nam Á đã tăng lên 105 tỷ USD vào năm 2020 và khu vực này cũng đã khai sinh nhiều kỳ lân.
Nhìn nhận về sự phát triển của các start-up trong khu vực, ông Amit Anand, đối tác sáng lập của Jungle Ventures (một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm lâu đời nhất Đông Nam Á) cho rằng: “Bất cứ điều gì chúng ta đang thấy ngày hôm nay là những con số hoàn toàn rất nhỏ so với những gì sắp tới trong 5 năm tới”. Theo đó, có thể dự báo, vốn đầu tư sẽ tiếp tục đổ vào start-up Việt.
THEO HỒNG PHÚC