Phẩm chất của một giám đốc công nghệ giỏi
Một giám đốc công nghệ giỏi không chỉ cần có khả năng dẫn dắt, thúc đẩy đội/nhóm của mình, mà còn cần có tầm nhìn phát triển các sản phẩm công nghệ cho doanh nghiệp trong trung và dài hạn.
Tạo động lực, phát huy điểm mạnh của mỗi cá nhân
TS. Vũ Duy Thức, CEO OhmniLabs; Nguyễn Văn Quang Huy, đồng sáng lập, CTO Holistics và Lê Triệu, phụ trách kỹ thuật tại Manabie đều chưa từng đặt kế hoạch sẽ trở thành những người đứng đầu về công nghệ, kỹ thuật tại các start-up như hiện nay.
Điểm chung giữa họ là sau khi được đào tạo bài bản về khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo…, niềm đam mê tìm tòi sâu về công nghệ cũng như xây dựng các sản phẩm tạo tác động đến người tiêu dùng đã thúc đẩy họ đến gần hơn vị trí lãnh đạo tại các doanh nghiệp.
Sau quá trình được đào tạo về lập trình tại trường cấp 3, Vũ Duy Thức tiếp tục theo học về robotics, trí tuệ nhân tạo ở bậc cử nhân và tiến sĩ. Song song với quá trình đó, Thức thành lập một số công ty và sau này bán lại cho Google trước khi làm việc tại “gã khổng lồ” này trong khoảng 3 năm.
“Sự thú vị đến từ việc tôi được trải qua môi trường học thuật ở Stanford, rồi tham gia vào môi trường khởi nghiệp và đầu quân vào những công ty lớn như Google. Điều đó càng giúp tôi nhận ra, mình đam mê công nghệ… Càng làm, tôi càng thấy lĩnh vực này hấp dẫn”, Thức chia sẻ.
Còn với Lê Triệu, sau khi tốt nghiệp ngành mỹ thuật số, anh nhận ra bản thân không thực sự yêu thích ngành này và quyết định học về khoa học máy tính tại Singapore. Trong thời gian đi học, Triệu còn đầu quân vào nhiều doanh nghiệp, dự án trong các lĩnh vực công nghệ y tế, công nghệ giáo dục, công nghệ tài chính, thậm chí làm việc không nhận lương để học hỏi. Nhờ đó, Triệu tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong xây dựng đội ngũ.
“Khởi nghiệp như hành trình đi tàu lượn, có lúc lên, lúc xuống. Con người là quan trọng nhất, nên việc ra tạo động lực và duy trì nó trong nội bộ rất quan trọng”, Triệu nhấn mạnh.
Lãnh đạo thường được ví như người chỉ huy dàn nhạc, họ không trực tiếp chơi nhạc cụ, mà chỉ huy. Ở doanh nghiệp, người lãnh đạo giúp đội ngũ phát triển bằng cách tìm ra những điểm mạnh, điểm yếu trong mỗi thành viên.
Holistics là một start-up cung cấp nền tảng phân tích báo cáo và xây dựng kho dữ liệu cho các doanh nghiệp dựa trên mô hình dịch vụ phần mềm chạy trên định dạng web có thể xử lý từ xa. Tại Holistics, không có bộ phận chăm sóc khách hàng. Nguyễn Văn Quang Huy cho biết, các kỹ sư của Công ty sẽ thay phiên nhau chăm sóc khách hàng để có thể lắng nghe trực tiếp ý kiến phản hồi của khách hàng, từ đó tham gia vào quá trình xây dựng ý tưởng cho sản phẩm.
Có tầm nhìn và thấu hiểu
Theo TS. Vũ Duy Thức, một CTO giỏi cần phải có tầm nhìn. Dựa trên lộ trình phát triển của công ty đã được hội đồng quản trị và ban giám đốc vạch ra, CTO phải mường tượng được một bản đồ về các sản phẩm công nghệ cần được phát triển trong trung và dài hạn.
Nếu CTO quá cẩn trọng và dành sự tập trung vào các chi tiết, họ sẽ bỏ lỡ khả năng nhìn ra một bức tranh tổng thể cho sự phát triển về công nghệ trong nội bộ cũng như so sánh với thị trường chung.
Holistics từng vấp phải thất bại này. Giai đoạn đầu, toàn bộ đội ngũ chỉ tập trung giải quyết bài toán mà khách hàng đầu tiên đặt ra. Khi giải quyết xong cũng là lúc họ nhìn lại và nhận ra, mình đã bỏ lỡ cơ hội vì thị trường đã có sự dịch chuyển trong một số mảng và đối thủ đã vươn lên chiếm lĩnh.
Vậy làm cách nào để các CTO hay lãnh đạo kỹ thuật ở mỗi doanh nghiệp không bị lỗi thời, không bị lạc lõng, khi mà sự phát triển của bản thân không tỷ lệ thuận với sự phát triển của công ty?
Câu trả lời chung là CTO phải luôn học hỏi, tìm tòi công nghệ mới và để ý đến xu hướng thị trường. Còn câu trả lời cụ thể hơn, theo TS. Vũ Duy Thức, là CTO phải thường xuyên nói chuyện, chia sẻ với với khách hàng. Nếu khoảng cách này ngày càng được thu hẹp, tác dụng thật sự của sản phẩm mà người kỹ sư tạo ra sẽ càng tương thích với nhu cầu thực sự của người dùng.
Không trao đổi thường xuyên với khách hàng chính là lý do dẫn đến thất bại của một start-up công nghệ y tế mà Lê Triệu từng tham gia. Do không nghiên cứu thị trường, không trò chuyện với người bệnh tiểu đường để hiểu rõ căn bệnh và phân loại người dùng mục tiêu, start-up này đã đưa ra một sản phẩm mà không có một khách hàng hay đội ngũ xây dựng sản phẩm của bất cứ công ty nào chịu chấp nhận sử dụng.
“Đây là thất bại rất lớn cho chúng tôi bài học về xây dựng sản phẩm”, Lê Triệu chia sẻ.
THEO PHÚC TẠ