Uy tín của start-up phụ thuộc vào nhà sáng lập
Các nhà sáng lập dự án khởi nghiệp được đánh giá cao nếu có trách nhiệm với từng đồng vốn của nhà đầu tư hoặc không nản chí, tiếp tục hoàn chỉnh dự án khi bị từ chối rót vốn.
Trách nhiệm với từng đồng tiền
Cú sốc mang tên Covid-19 khiến hầu hết các doanh nghiệp đều gặp ít nhiều khó khăn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp vốn còn khá non trẻ, thiếu kinh nghiệm. Vì vậy, bà Quỳnh Võ, Giám đốc Chương trình Zone Startups Việt Nam đánh giá rất cao các nhà sáng lập đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn trong mùa dịch, tiếp tục gọi vốn thành công, luôn tìm kiếm và đưa ra các giải pháp mang tính chiến lược để vượt khó.
Là công ty khởi nghiệp non trẻ, Teso kỳ vọng, giai đoạn sắp tới có thể tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược đồng hành với doanh nghiệp, thay vì chỉ bỏ vốn ra đầu tư như các nhà đầu tư tài chính. Nhưng dù cần tìm kiếm nhà đầu tư nào, theo Nguyễn Hữu Ân, Nhà sáng lập/ Giám đốc điều hành Teso, bản thân start-up phải có giá trị cốt lõi tốt (sản phẩm tốt), kế hoạch kinh doanh, vận hành bài bản, có thể tự đứng vững thay vì phụ thuộc vào nguồn tiền của nhà đầu tư.
Nếu start-up chỉ giỏi tiêu tiền vào việc kích thích thu hút người dùng, đầu tư vào những thứ chưa cần thiết như trang hoàng văn phòng…, mà không giỏi kiếm tiền, thì chẳng khác gì “con nghiện”. “Tiền của nhà đầu tư cũng là tiền mồ hôi nước mắt của họ. Họ đầu tư vào con người, chứ chưa hẳn đã đầu tư vào công ty. Thế nên, phải có trách nhiệm, tôn trọng từng đồng vốn để không mất chữ tín”, Ân chia sẻ.
Còn theo ông John Lê, nhà sáng lập Propzy, khi trao đổi với nhà đầu tư, start-up không nên đưa ra những kỳ vọng quá cao trong khi kết quả lại ở mức thấp. Kinh nghiệm gọi vốn của start-up này là “hãy luôn kỳ vọng thấp một chút và tập trung mang lại kết quả vượt mong đợi; hãy quản trị thật tốt các kỳ vọng, đặc biệt là kỳ vọng của các cổ đông”.
Đánh giá cao người biết sửa đổi
Các quỹ đầu tư sẽ có những lý do riêng khi từ chối làm việc với một start-up. Vì vậy, việc lắng nghe, ghi chú lại và về nhà “làm bài tập” là việc mà bà Quỳnh Võ luôn yêu cầu các nhà sáng lập làm trước và sau khi gặp các quỹ đầu tư. Việc ghi chú lại các ý kiến, nhận xét và câu hỏi của quỹ đầu tư sẽ giúp cho các nhà sáng lập thấy các mảng tối hoặc mảng sáng, mà đôi khi vì quá chú tâm vào công việc, họ chưa thể nhận ra.
“Các nhà sáng lập biết thu thập ý kiến và sửa đổi, hoàn chỉnh, hoặc đưa ra phản biện sau buổi họp (sau khi đã nghiên cứu) chứng tỏ họ có lắng nghe, tìm hiểu và ra sức giải quyết vấn đề. Tại Zone Startups, chúng tôi đề cao người sáng lập có các đức tính này”, bà Quỳnh Võ chia sẻ.
Một công ty khởi nghiệp trẻ thường thấy mọi thứ bấp bênh và thiếu rõ ràng. Do đó, tạo dựng một môi trường có thể phát triển thành công và cạnh tranh lành mạnh là điều rất quan trọng đối với các start-up.
Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam cần những tổ chức, chương trình và những người hỗ trợ (ecosystem builders). Bà Quỳnh Võ cho rằng, cần phân định rõ vai trò và giá trị của các tổ chức đó, như chương trình ươm tạo, chương trình tăng tốc, các tổ chức chính quyền và các tổ chức khác, nhằm tăng tính hiểu biết của các nhà sáng lập trong việc định vị tổ chức của họ đang ở đâu và bước kế tiếp nên làm những gì. Cùng với đó, cần xây dựng các mối quan hệ tốt và rộng lớn. Các mối quan hệ ở đây là nhóm các nhà sáng lập cùng tạo ra một hệ giá trị và có thể chia sẻ với nhau.
Các cơ quan hỗ trợ khởi nghiệp đều đang làm việc sôi nổi, từ việc hỗ trợ các công ty start-up đến các tổ chức hỗ trợ cho hệ sinh thái như Zone Startups. Tuy nhiên, việc các bên còn nói tiếng nói riêng và dẫm chân vào nhau vẫn đang diễn ra.
“Tôi hy vọng, các cơ quan chức năng sẽ có các chương trình, ngày hội, bàn tròn dành riêng cho Chính phủ và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đa ngành, từ địa phương đến cấp thành phố cùng các tổ chức nước ngoài. Từ đó, cùng nhau đưa ra ý kiến đóng góp hoặc lập một tổ chức tham vấn độc lập cho Chính phủ đến từ chính các start-up”, bà Quỳnh Võ chia sẻ.
THEO THỊ HỒNG