Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Start-up chăm sóc sức khỏe từ xa thu hút nhà đầu tư

Các đợt IPO sôi động trong lĩnh vực công nghệ y tế trên thế giới là dấu hiệu cho thấy mảng chăm sóc sức khỏe đang có dư địa khá lớn, là cơ hội cho các nhà đầu tư.

Khám chữa bệnh, tư vấn từ xa đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi.

“Bắt trend” bằng công nghệ

Covid-19 đã làm thay đổi hành vi của những người trực tiếp làm về chăm sóc sức khỏe. Việc khám chữa bệnh từ xa được ứng dụng rộng rãi đang thay đổi nhận thức của người tiêu dùng.

Thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng trở thành động lực cho nhiều start-up về chăm sóc sức khỏe ra đời trong vòng 5 năm qua ở Việt Nam.

Trước đây, phần lớn bác sỹ vận dụng những giác quan để khám và chẩn bệnh, khái niệm về khám chữa bệnh từ xa tuy đã có nhưng không phát triển. Covid-19 đã làm nhiều người thay đổi cách nhìn và tiếp nhận nhiều phương thức mới, hiệu quả hơn.

Những thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng trở thành động lực cho nhiều start-up về chăm sóc sức khỏe ra đời trong vòng 5 năm qua ở Việt Nam. Họ đã huy động được khá nhiều vốn đầu tư.

Điển hình, Jio Health do doanh nhân Nguyễn Hoài Nam sáng lập năm 2016, hoạt động chủ yếu tại TP.HCM đã huy động được 5 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A từ Monk's Hill Venture.

Hiện Jio Health đang tính mở rộng ở TP.HCM và Hà Nội. Start-up này đang có khoảng 150 chuyên gia ở 14 mảng chăm sóc sức khoẻ. Ông Nam kỳ vọng có thể đáp ứng khoảng 80% nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho hầu hết bệnh nhân qua sự kết hợp giữa các dịch vụ trực tuyến và ngoại tuyến, bao gồm từ tư vấn video, trò chuyện với các bác sỹ được cấp phép, đến giao thuốc và thăm khám tại nhà của các bác sỹ.

Trong khi đó, eDoctor, start-up chăm sóc sức khỏe ứng dụng công nghệ di động cũng gọi thêm vốn cả triệu USD từ 4 nhà đầu tư bao gồm CyberAgent Capital, Genesia Ventures (Nhật Bản), Bon Angles và Nextrans (Hàn Quốc).

Công ty dùng vốn đầu tư để tiếp tục phát triển hệ thống ứng dụng và 3 mô hình cung cấp dịch vụ là khám chữa bệnh từ xa (telemedicine), chăm sóc sức khỏe tại nhà (home healthcare) và chăm sóc sức khỏe chủ động (preventive healthcare).

Docosan cũng gọi thành công 1 triệu USD trong vòng gọi vốn do công ty đầu tư mạo hiểm AppWorks (Đài Loan) dẫn dắt. Trước đó, AppWorks từng được biết đến khi đầu tư vào nhiều start-up nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á như Lalamove, Carousell và ShopBack.

Trong chưa đầy 1 năm vận hành, Docosan đã hỗ trợ 50.000 bệnh nhân ở Việt Nam đặt lịch hẹn với bác sỹ ở 35 chuyên môn khác nhau. Ngoài ra, còn có các start-up như WeCare 247 và Medici.

Trong số các start-up chăm sóc sức khỏe phát triển tốt trong đại dịch có ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa Doctor Anywhere, trụ sở tại Singapore. Ứng dụng này đã huy động được 27 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B từ một nhóm các nhà đầu tư bao gồm nhà điều hành bệnh viện Malaysia, IHH.

Doctor Anywhere ra mắt năm 2016 và cũng có màn ra mắt ấn tượng tại thị trường Việt Nam. Công ty này có thể liên hệ với các bác sỹ được cấp phép trong nước và việc cung cấp thuốc. Tại Việt Nam, Doctor Anywhere tự hào có mạng lưới 100 bệnh viện và phòng khám tư nhân, cùng khoảng 80 nhà thuốc.

CEO Doctor Anywhere cho biết, nhu cầu tư vấn trực tuyến trên ứng dụng này đã tăng gấp 5 lần kể từ khi Covid-19 bùng phát. Đó có thể là lý do để các nhà đầu tư tiếp cận các start-up trong lĩnh vực này để thiết lập các cuộc thảo luận cho các khoản đầu tư tiềm năng.

Nhà đầu tư đừng xác định “ăn xổi”

Có thể thấy, những start-up ở Việt Nam trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đang đi đúng hướng của thế giới và khu vực nhờ vào công nghệ như kỹ thuật số, cá nhân hóa hay trí tuệ nhân tạo (AI).

Mặc dù lạc quan, song các start-up tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển. Ông Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược RBNC, phụ trách thị trường Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, phần lớn những ý tưởng này chưa có gì đặc sắc hay khiến người khác phải ngạc nhiên, bởi những start-up chăm sóc sức khỏe đều không phải là HCPs (chuyên gia y tế), nên start-up chỉ mang tính theo xu hướng, chưa có chiều sâu hoặc chuyên ngành.

Trong khi những khoản đầu tư vào các start-up Việt Nam trong lĩnh vực thanh toán hoặc thương mại điện tử có thể lên tới hàng trăm triệu USD, thì dòng tiền vào lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ chỉ dưới 10 triệu USD. Con số này thấp hơn nhiều so với các start-up cùng lĩnh vực ở Singapore và Indonesia.

Được biết, con số từ các thương vụ gọi vốn trong lĩnh vực này trên thế giới rất lớn. Báo cáo đầu tư công nghệ y tế của StartupHealth chỉ ra vốn rót vào các công ty khởi nghiệp medtech đã tăng lên mức kỷ lục 6,6 tỷ USD trong quý III/2020. 10 thương vụ huy động vốn lớn nhất đều có giá trị từ 200 triệu USD trở lên, đáng kể nhất là Grail (start-up sinh trắc học), Bright Health (start-up trao quyền cho bệnh nhân), hay Zwift (start-up chăm sóc sức khỏe).

Các đợt IPO trong lĩnh vực công nghệ y tế là một dấu hiệu cho thấy cơ hội tăng trưởng và dư địa để phát triển những doanh nghiệp khổng lồ.

Thực tế các start-up đang tìm cách lấp đầy khoảng trống với dịch vụ chăm sóc tại nhà và từ xa, đồng thời cải thiện giao tiếp giữa bác sỹ và bệnh nhân. Tuy nhiên, sẽ mất một thời gian để lĩnh vực này có được động lực, từ việc thu hút các nhà đầu tư đến việc dành được sự tin tưởng của người tiêu dùng. Các công ty công nghệ y tế đang tham gia cuộc chơi, để phát triển lâu dài, có thể cần sự hợp tác dài hạn với các đối tác khác trong hệ sinh thái này.

Theo ông Robert Trần, kinh doanh mảng chăm sóc sức khỏe và giáo dục có rất nhiều tiềm năng, cho dù biến động đến đâu thì 2 mảng này vẫn tốt. Có điều nhà đầu tư hai lĩnh vực này không thể đầu tư lướt sóng, “ăn xổi”, mà cần kiên nhẫn. Thời điểm hòa vốn phải từ 5 đến 7 năm trở lên. Nếu nhà đầu tư thật sự muốn đầu tư vào ngành này, họ phải xác định rất rõ điều đó.

“Ai cũng thấy tiềm năng, nhưng không phải ai cũng kiên nhẫn cho một khoản đầu tư dài như thế”, ông Robert Trần nói.

THEO ANH HOA

(Báo Đầu tư)


See this gallery in the original post