Bằng cách nào tìm ra 'lối đi riêng' giữa đại dịch nặng nề?

Đợt dịch thứ 4 nặng nề khiến nhiều nghề sa lầy khó khăn, nhiều người đóng cửa tiệm và vô số mặt bằng treo bảng cho thuê... Nhưng vẫn có một số người quyết liệt khởi nghiệp hay tiếp tục đầu tư làm ăn. Họ đã làm điều đó thế nào?

Anh Nguyễn Quan Tân (thứ hai từ ngoài vào) trong những ngày sửa chữa để thành lập xưởng may - Ảnh: NVCC.

Anh Nguyễn Quan Tân (thứ hai từ ngoài vào) trong những ngày sửa chữa để thành lập xưởng may - Ảnh: NVCC.

Một sáng cuối tháng 6, anh Nguyễn Quan Tân (ngụ quận Gò Vấp) đến xưởng may ở huyện Hóc Môn (TP.HCM) kiểm tra tiến độ hoàn thành đơn hàng. Ông chủ trẻ mỉm cười nhìn nhân viên đeo khẩu trang, chăm chút từng mũi kim đường chỉ.

Khởi nghiệp mùa dịch

Cứ ngỡ anh Tân đã làm chủ rất lâu. Nhưng ít ai biết anh chỉ mới hoạt động thật sự được... nửa tháng kể từ khi thành lập công ty được một tháng nay.

Quyết định đem hết tiền dành dụm suốt 13 năm làm thuê để mở công ty may gia công ngay thời điểm TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, khi ngành may đang chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, được xem là sự mạo hiểm của anh Nguyễn Quan Tân.

"Tôi thấy tiềm năng ngành này nên cùng một người bạn bắt tay làm. Tôi chủ yếu làm quản trị, còn bạn có chuyên môn về may mặc" - anh Tân cho biết nguyên nhân chọn ngành may để khởi nghiệp dù ngay mùa dịch.

Thật ra, ý định mở công ty của anh Tân bắt đầu từ tháng 1-2021. Nhưng đợt đó COVID-19 cũng "ghé thăm" TP.HCM khiến anh dừng lại và chuẩn bị thêm một số thứ để hoàn thiện. Đến tháng 5-2021, khi vừa đặt bút ký xong hợp đồng thuê nhà để mở xưởng, dịch lại bùng phát.

"Nhà thì đã thuê rồi, chủ nhà cho chúng tôi thời gian 20 ngày không tính tiền nhà và giảm 25% phí thuê để chúng tôi sửa chữa lại thành xưởng, chuẩn bị máy móc thiết bị và sắp xếp mọi thứ để vận hành. Vậy là mình buộc phải làm, chứ không thể đợi qua dịch nữa. Tôi bắt đầu tuyển lao động vào làm" - anh Tân cho biết mình mở công ty vào mùa dịch nên đã lường trước một số rủi ro để có sự chuẩn bị.

Ngày 1-6-2021, Công ty may Đông Quân khai trương với chuyên môn về may và gia công áo thun, đồng phục, đồ bảo hộ lao động, thời trang để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Khó khăn bắt đầu đến với doanh nghiệp trẻ này khi khâu tuyển công nhân vô cùng vất vả.

"Ngành này cần có công nhân may mới làm ra sản phẩm. Ngày thường dễ tìm, còn lúc dịch giã này muốn tuyển người là chuyện không dễ. Người ta sợ thay đổi công việc, qua môi trường mới khiến họ e dè, biết có ổn định không. Dịch thế này, họ cũng ngại di chuyển sang chỗ mới vì sợ ở đó có người nhiễm bệnh, những người còn lại cũng bị ảnh hưởng nặng" - anh Tân cho hay vấn đề tuyển nhân công là khó nhất trong thời điểm này.

Do dịch bệnh, anh Tân mở công ty với quy mô ban đầu chỉ 25 nhân công, hiện đã có 18 người. Doanh nghiệp (DN) nhỏ tuy mới thành lập nhưng đã "chốt đơn" đều đều với hàng ngàn sản phẩm làm ra. "Những ngày số lượng hàng nhiều trong khi nhân công hạn chế, ngoài tăng ca thì tôi phải huy động người nhà, bạn bè đến phụ mới kịp tiến độ giao hàng cho khách" - anh chia sẻ.

Với một chuyền đôi may, trong một tháng "chào đời", doanh nghiệp này đã hoàn thành một đơn nội địa, hai đơn xuất khẩu. Ông chủ 31 tuổi khoe công ty đang làm mẫu sản phẩm để gửi qua đối tác Singapore duyệt mẫu.

Một tháng ra mắt đã có đơn hàng, song anh Tân cho biết do dịch bệnh nên sản lượng có phần chậm; doanh thu đạt 80% so với kế hoạch, trong đó chi phí bỏ ra khá cao để vận hành nhiều thứ.

"Mùa dịch này có đơn hàng là mừng rồi. Chúng tôi có khoản tiền dự phòng rủi ro nhưng trộm vía chưa cần đến" - vị giám đốc trẻ nói và cho biết doanh nghiệp sẽ vừa nhận may gia công vừa triển khai thêm các sản phẩm mới để bán trên các sàn thương mại điện tử.

Xe đẩy bán cà phê tiết kiệm nhiều chi phí thay cho cửa tiệm lớn bị đóng cửa - Ảnh: NVCC.

Xe đẩy bán cà phê tiết kiệm nhiều chi phí thay cho cửa tiệm lớn bị đóng cửa - Ảnh: NVCC.

Ứng biến nhanh để sống sót

Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn dù thiệt hại nặng nề nhưng tìm mọi cách chủ động sống chung và lướt dịch chứ không bị động ngồi chờ hết dịch.

Theo bà Lê Thị Ngọc Thủy - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Viva International - đợt dịch này doanh thu chuỗi cà phê giảm 90%, ảnh hưởng nhiều hơn các đợt trước. Quán xá đóng cửa, doanh nghiệp này chuyển sang bán mang đi.

"Trước đây 6h sáng là phải tất bật chuẩn bị đón khách đến uống cà phê sáng. Giờ có khi hơn 8h mới có khách order 1 ly. Mọi thứ đều chậm lại" - bà Thủy nói và hiện chỉ bán sản phẩm cà phê chứ không bán được nước cà phê. 

"Vì khách chủ yếu đến mua bịch cà phê rang về tự pha, chứ ít khi mua một ly pha sẵn như trước. Giờ 1kg cà phê chúng tôi lời được 25.000 đồng, thay vì gấp nhiều lần như trước đây".

Doanh thu sụt giảm, bà Thủy còn đối mặt với lương nhân viên, thuế, chi phí vận hành và nặng nhất là tiền thuê mặt bằng của hơn 300 cửa hàng. "Một số chủ nhà đồng ý miễn, giảm 20% nhưng cũng có người từ chối. Mình đã đầu tư khá lớn vào đó nên phải tiếp tục, tôi phải trích lợi nhuận bù vào tiền thuê nhà" - bà Thủy nói và cho biết hiện giờ buộc phải cho nhân sự luân phiên đi làm, mỗi ca 2 người thay vì 6 - 8 người.

Để tiếp tục "sống sót", không chỉ bán mang đi, bà Thủy cùng các cộng sự đã ứng biến nhanh trong marketing, thiết kế sản phẩm mới, tư vấn cà phê theo gu của khách và đưa ra nhiều ưu đãi để kích cầu tiêu dùng.

Ngoài mang đi, chuỗi cà phê này còn bán hàng đa kênh trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử. Tại mỗi chi nhánh sáng tạo thêm chiếc xe đẩy bán cà phê với 1 - 2 người đứng bán, vừa nhỏ gọn vừa tiết kiệm chi phí, thay cho cửa tiệm lớn. Sắp tới doanh nghiệp còn đẩy mạnh xuất khẩu qua các nước Nhật, Canada.

"Chúng tôi tận dụng thời gian trước làm ăn được để bù đắp cho lúc này. Hai tháng tiếp theo, dự tính doanh thu sẽ còn giảm khoảng 40%" - bà Thủy nói và cho biết hiện hệ thống đóng cửa nhưng công ty vẫn luôn làm việc để đón đầu xu hướng, nhu cầu thị trường.

Đây là lần thứ hai chúng tôi đối diện với bài học dịch bệnh (lần đầu là dịch SARS năm 2003). Tôi không nản chí, mà nếu nói không buồn thì không đúng. Nhưng tôi không cho phép mình dừng lại bởi nếu thụt lùi sẽ bị người khác bước qua.

Bà Lê Thị Ngọc Thủy

Tối có khóc to thì sáng vẫn kiên trì
Bà Thủy ví chủ doanh nghiệp như người lính kinh tế: ngay lúc khó khăn nhất cần mưu trí, sáng tạo và kiên trì làm động lực, điểm tựa cho mọi người dù đêm về có khóc thật to vì mệt mỏi.

"Tôi may mắn có nhân viên động viên, khách hàng tạo động lực và đối tác cũng cho mình năng lượng để vượt qua. Những khó khăn đi qua sẽ để lại bài học kinh nghiệm để biết cách phòng tránh rủi ro. Khi đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng dành cho các thời khắc khó khăn sẽ giảm được 70% thiệt hại" - bà Thủy chia sẻ.

Trong khó khăn, các doanh nghiệp có thể giúp nhau là điều hết sức cần thiết. Bà Thủy cho biết thỉnh thoảng bà và một nhóm doanh nghiệp bạn cùng ngồi lại chia sẻ với nhau để tìm phương án vượt dịch...

Mở quán ăn khi quán xá đóng cửa

Nghe có vẻ ngược với tình hình khó khăn, quán xá phải đóng cửa, nhưng thực tế lại có một số người dám mở quán ăn giữa mùa dịch nghiêm trọng. "Công ty du lịch của tôi tê liệt vì dịch. Nhân viên phải nghỉ tạm không lương, chỉ được đóng cho các khoản bảo hiểm. Tôi về nằm nhà vài tháng thì nghĩ phải làm việc gì đó chứ không thể ngồi không mãi" - chị Nguyễn Thị Hiền ở quận Bình Tân (TP.HCM) kể.

Vốn làm nghề dẫn khách du lịch, chị được ăn nhiều món ngon nên tay nghề nấu nướng cũng khá. Thế là chị quyết định mở quán gà hấp lá chanh ngay cuối tháng 5 - thời điểm quận Gò Vấp bùng dịch rồi lan ra. Quán chỉ 6 người: chị đứng bếp, ba mẹ phụ đóng hộp, chồng và em trai đi giao hàng, hai đứa con nghỉ ở nhà duy trì mạng để bán online.

"Quán mới mở được 37 ngày, nhiều khó khăn nhưng cũng tạm ổn rồi", chị nói. Chị Hiền cho biết chính lệnh đóng cửa quán xá để phòng dịch nên chị mở quán ngay trong căn nhà ở tít sâu con hẻm chưa đầy 2m. Chị tâm sự trong rủi có may, nhờ không phải nặng chi phí thuê mặt bằng nên mỗi ngày họ chỉ bán mươi con gà mang về cũng đủ tiền chợ cho cả nhà.

MẠNH DŨNG

THEO DIỆU QUÍ

(Báo Tuổi trẻ)