Nguyễn Ngọc Lan Anh, nhà sáng lập EIY: Vượt qua nỗi sợ đứng trước đám đông, đi vào ngách “thuyết trình tiếng Anh”
Tập trung vào thị trường ngách với đào tạo diễn thuyết trước công chúng bằng tiếng Anh, Nguyễn Ngọc Lan Anh ước mơ, văn thuyết trình sẽ trở thành môn học chính tại các trường học ở Việt Nam.
Vượt qua nỗi sợ bị đánh giá
Lan Anh đã đặt ra vô số câu hỏi rồi tự tìm câu trả lời để khám phá nguyên nhân gốc rễ của nỗi sợ hãi nói trước đám đông mà nhiều người gặp phải. Bản thân cô, từ nhiều năm trước, khi tham gia một cuộc thi nói trước công chúng, cũng rất sợ hãi khi đứng một mình trên sân khấu trước hàng trăm con mắt đang tập trung vào từng chuyển động của mình.
“Họ nhìn tôi như thể tôi đã làm sai điều gì đó. Tôi không biết phải nói gì, làm gì, nên sững người trong im lặng”, Lan Anh chia sẻ và nhớ lại, khi trở về nhà sau trải nghiệm khủng khiếp đó, cô không ngừng suy nghĩ về những lý do khiến mình sợ hãi như vậy.
Khi bạn muốn biết ngoại hình của mình, bạn hãy nhìn vào gương. Khi bạn muốn biết mình là ai, thì tôi tin rằng, diễn thuyết trước công chúng kết hợp với thiền định là sự kết hợp đúng đắn các tài năng cần thiết để mỗi người đạt đến hình thức hiểu biết cá nhân cao nhất.
- Nguyễn Ngọc Lan Anh
Sau khi đạt được chứng chỉ sau đại học về khởi nghiệp kinh doanh tại RMIT Việt Nam với học bổng toàn phần, Lan Anh đã được mời về làm ở các tập đoàn đa quốc gia. Trong quá trình làm việc, cô nhận ra một nguyên nhân quan trọng làm vuột mất những cơ hội vàng của các doanh nghiệp chính là nỗi sợ hãi khi phải trình bày trước đám đông.
Đó là khi những nhà quản lý cấp cao không thể trình bày cho nhân viên hiểu việc họ cần làm là gì, mong đợi của quản lý đối với nhân viên ra sao; các start-up lúng túng, ngượng nghịu không thể trình bày hết những mục đích cao cả và hướng đi của mình để có thể nhận được sự tài trợ; những sinh viên, học sinh rụt rè không dám trình bày quan điểm, ý kiến cá nhân…
Lan Anh nhận thấy, mọi người dễ dàng thể hiện ý tưởng của mình khi nói với một người hoặc trong một nhóm nhỏ, thông qua việc sử dụng linh hoạt ngôn ngữ cơ thể, giọng nói đa dạng và sắp xếp các ý tưởng. Nhưng sự chuyển đổi không mong muốn xảy ra khi cuộc trò chuyện nhóm nhỏ của họ trở thành bài thuyết trình trong nhóm lớn. Cơ thể của họ không còn thoải mái, họ di chuyển một cách vô thức, không dám nhìn vào khán giả, mà chỉ giao tiếp bằng mắt với trần nhà hoặc sàn nhà…
“Tại sao có sự thay đổi lớn từ hiệu suất giao tiếp hoàn hảo trong một nhóm nhỏ thành hiệu suất kém khi thể hiện ý tưởng trong một nhóm lớn?”, Lan Anh đặt câu hỏi.
Các nhà nghiên cứu đại học đã thực hiện nhiều nghiên cứu để tìm hiểu lý do mọi người sợ nói trước đám đông và kết luận chung là mỗi người có một lý do khác nhau. Tự ngẫm bản thân, Lan Anh nhận ra, lý do chính của cô là nỗi sợ hãi không thực tế về sự đánh giá của mọi người, sợ bị xem là kẻ ngốc, sợ bị đánh giá tiêu cực khi trình bày nội dung không hiệu quả.
“Vì một thế hệ trẻ Việt Nam năng động, giỏi kiến thức, vững kỹ năng”
Với mong muốn ngày càng nhiều người có thể cải thiện kỹ năng nói trước đám đông, năm 2016, Lan Anh thành lập EIY, với những hoạt động ban đầu là dạy tiếng Anh chuyên ngành cho khách hàng mục tiêu là các doanh nghiệp. Nhưng một năm sau đó, cô nhận ra, thị trường tiếng Anh chung đang bão hoà và nếu không chọn đi vào thị trường ngách thì khó phát triển lâu dài.
Nhìn lại năng lực bản thân, ngoài thế mạnh về tiếng Anh, Lan Anh còn tự tin về khả năng thuyết trình trước đám đông, nên đã mở thử nghiệm lớp học về kỹ năng này. Đây cũng là nền tảng cho hướng phát triển hiện tại của EIY, với sứ mệnh “Vì một thế hệ trẻ Việt Nam năng động, giỏi kiến thức, vững kỹ năng”.
Lan Anh cho biết, EIY có 2 đối tượng khách hàng gồm những người làm tại các tập đoàn đa quốc gia mà đa phần các bài thuyết trình của họ đều bằng tiếng Anh và những người có mong muốn nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Trong 5 năm, từ 2016 - 2020, EIY có được giấy phép của Toastmasters International cho phép tổ chức câu lạc bộ thực hành kỹ năng thuyết trình trước đám đông.
Start-up này đã có hơn 4.500 học viên, 54 doanh nghiệp là các tập đoàn đa quốc gia, các trường học quốc tế và tư thục. Hiện EIY có 8 giáo viên, gồm cả người Việt và người nước ngoài. Đội ngũ vận hành EIY đặt mục tiêu năm nay đạt doanh thu 6 tỷ đồng, lợi nhuận 2,2 tỷ đồng; đến năm 2025 đạt doanh thu 18 tỷ đồng.
Lan Anh cho biết, EIY có kế hoạch xuất bản sách liên quan đến kỹ năng diễn thuyết trước đám đông và mong muốn đưa vào các trường học để các giáo viên có thể dễ dàng tìm hiểu, học sinh có thể tự rèn luyện. Ngoài việc đầu tư thêm vào quá trình đào tạo cho giáo viên - yếu tố cốt lõi của EIY, start-up này còn có kế hoạch phát triển thêm mảng thuyết trình online cho trẻ em.
“Tôi có thể không phải là người hướng dẫn khả năng phát biểu trước công chúng tốt nhất, nhưng tôi hứa sẽ là người hướng dẫn tận tâm nhất cho sự phát triển nói trước công chúng của người học”, Lan Anh chia sẻ.
Gần đây, bà Thái Vân Linh, Giám đốc điều hành TVL Group và ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT Cen Group đã cam kết đầu tư 3 tỷ đồng vào EIY. Lớn lên ở nước ngoài với tiếng Anh là ngôn ngữ chính, bà Linh đã phải học thuyết trình tiếng Việt để có thể giao tiếp thành thạo hơn như ngày nay. Bà đánh giá, dù đây có thể không phải là mô hình tăng trưởng nhanh, nhưng là mô hình thú vị và tin rằng, bản thân có năng lực phù hợp để hỗ trợ EIY phát triển.
Trong khi đó, ông Hưng cho rằng, lợi thế của việc chọn đi vào thị trường ngách là có thể tránh được những cuộc cạnh tranh khi tập trung làm tốt một mục tiêu cụ thể. Nhà đầu tư này đánh giá, EIY sẽ khó tạo được sự đột biến hay bùng nổ về doanh số, nhưng hoàn toàn có thể phát triển bền vững, ổn định và mang lại lợi ích cho cộng đồng.
THEO THỊ HỒNG