Start-up Việt hút dòng vốn ngoại

Các quỹ đầu tư nước ngoài tăng cường rót vốn vào các start-up công nghệ Việt Nam chuyên cung cấp giải pháp bán hàng trực tuyến, giúp doanh nghiệp chuyển đổi số nhanh hơn trong bối cảnh dịch bệnh.

Trong thời gian giãn cách xã hội, các ứng dụng như KiotViet, SoBanHang... đã hỗ trợ thiết thực cho các nhà bán lẻ.

Trong thời gian giãn cách xã hội, các ứng dụng như KiotViet, SoBanHang... đã hỗ trợ thiết thực cho các nhà bán lẻ.

Vốn ngoại đều đặn đổ vào Việt Nam

Mới đây, phần mềm quản lý bán hàng KiotViet công bố Quỹ đầu tư quốc tế KKR tham gia đầu tư chính trong vòng gọi vốn Series B, trị giá 45 triệu USD. Các nhà đầu tư khác tham gia vòng gọi vốn này gồm Quỹ đầu tư mạo hiểm Jungle Ventures, Công ty CVM và Ngân hàng Kasikorn của Thái Lan.KiotViet là nền tảng quản lý bán hàng cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam. KiotViet đặt mục tiêu thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp này.

Ông Cao Trọng Kim Trí, Phó tổng giám đốc Citigo, đơn vị sở hữu KiotViet chia sẻ: “Covid-19 đã gây ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Do đó, KiotViet đã phát triển các giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh trực tuyến và trực tiếp để hỗ trợ doanh nghiệp. Chẳng hạn, MyKiot giúp người bán hàng tạo trang web thương mại điện tử chỉ trong vòng 5 phút hay giải pháp quản lý đa kênh cho phép người bán hàng quản lý kinh doanh trên nhiều nền tảng, bao gồm các website bán hàng của công ty hay sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada, Facebook...”.

Tương tự, SoBanHang, ứng dụng ghi sổ giúp các tiểu thương lần đầu bán hàng qua mạng, vừa gọi được 1,5 triệu USD trong vòng hạt giống. Các nhà đầu tư rót vốn vào SoBanHang gồm FEBE Ventures, Class 5, Kevin P. Ryan - nhà sáng lập Business Insider.

SoBanHang sẽ sử dụng khoản vốn này để đầu tư vào công nghệ. Công ty đặt mục tiêu giúp các doanh nghiệp nhỏ phát triển mạnh trên nền tảng kỹ thuật số để tận dụng sức mạnh của công nghệ và phân tích dữ liệu thông minh.

Trong đại dịch, việc đi chợ hộ, đặt hàng online qua ứng dụng mobile, shipper siêu tốc… đã trở thành nhu cầu thiết yếu, dịch vụ nào cũng cần đến kỹ thuật số. Đó chính là cơ hội cho những người biết tận dụng”.

Ông Bùi Hải Nam, CEO của SoBanHang chia sẻ: “Trong giai đoạn giãn cách xã hội, bán hàng trực tuyến là cách duy nhất để duy trì hoạt động kinh doanh. Đây cũng là cơ hội tuyệt vời để họ thúc đẩy quá trình số hóa mạnh mẽ, mở rộng sang các kênh hiện đại, tăng doanh thu và đạt được hiệu quả hoạt động cao hơn”.

Theo ông Nam, các nhà bán lẻ và tiểu thương hiểu được tầm quan trọng của số hóa và ngày càng cởi mở hơn đối với công nghệ mới. Nhờ vậy, SoBanHang đã có số lượng người dùng mới tăng cao trong 2 tháng qua.

Tương tự, nền tảng quản lý và bán hàng Sapo cũng đang tìm cách huy động 10-15 triệu USD. Ông Trần Trọng Tuyến, Giám đốc điều hành Sapo chia sẻ: “Trong các kịch bản đối phó với đại dịch của doanh nghiệp, chắc chắn chuyển đổi số sẽ được ưu tiên hàng đầu, vì đây không chỉ là xu hướng của thị trường, mà còn đáp ứng nhu cầu cấp thiết của cả người tiêu dùng và người cung cấp sản phẩm, dịch vụ”.

Từ những đợt dịch lần trước, Sapo đã chứng kiến sự đầu tư mạnh tay hơn của doanh nghiệp nhỏ và vừa để chuyển đổi số. Với đợt dịch thứ tư hiện nay, ảnh hưởng tiêu cực đến công việc kinh doanh của doanh nghiệp là rất lớn, song Sapo vẫn nhận thấy có sự gia tăng đầu tư của doanh nghiệp cho phần mềm quản lý bán hàng trên sàn thương mại điện tử và các kênh bán hàng online, các kênh vận chuyển tích hợp liên vùng và nội vùng, các phương thức thanh toán không tiền mặt.

“Cơ hội rất lớn để doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chuyển đổi số chính là việc người tiêu dùng đã thay đổi. Trong đại dịch, việc đi chợ hộ, đặt hàng online qua ứng dụng mobile, shipper siêu tốc… đã trở thành nhu cầu thiết yếu, dịch vụ nào cũng cần đến kỹ thuật số. Đó chính là cơ hội cho những người biết tận dụng”, ông Tuyến nói.

Quỹ ngoại không muốn chậm chân

Thực tế, xu hướng chuyển dịch từ bán hàng trực tiếp sang online tại Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của các quỹ dầu tư nước ngoài. Ông Ashish Shastry, Tổng giám đốc KKR Đông Nam Á cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi đầu tư vào một doanh nghiệp công nghệ có tiềm năng tăng trưởng vượt bậc như KiotViet. Đây là khoản đầu tư thứ 6 của chúng tôi tại thị trường Việt Nam và là khoản đầu tư đầu tiên được thực hiện thông qua chiến lược công nghệ tăng trưởng của KKR tại Đông Nam Á. Cột mốc này thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc cung cấp nguồn vốn dài hạn và những hỗ trợ cần thiết khác cho các công ty công nghệ có tốc độ tăng trưởng cao, kể cả những công ty còn non trẻ”.

Trong khi đó, ông Olivier Raussin, Giám đốc điều hành FEBE Ventures chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư: “Việt Nam là thị trường trọng điểm của FEBE Ventures. Chúng tôi đầu tư vào các start-up công nghệ cung cấp các giải pháp cho thị trường, cho doanh nghiệp nhỏ và tìm kiếm các cơ hội đầu tư trong lĩnh vực này tại Việt Nam”.

Theo ông Raussin, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần bán hàng cả trực tiếp và online. Họ có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi triển khai chiến lược số hóa với các công cụ cơ bản như giải pháp quản lý quan hệ khách hàng và dữ liệu khách hàng. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể tăng cường quảng bá sản phẩm và các chương trình khuyến mãi.

Có thể thấy, các start-up công nghệ như KiotViet, SoBanHang và Sapo đang hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chuyển đổi số nhanh hơn và duy trì hoạt động kinh doanh trong mùa dịch và trong tương lai.

Tuy vậy, để có thể vận dụng thành công, doanh nghiệp phải sẵn sàng đầu tư và đầu tư một cách bài bản, chuyên tâm và tính toán kỹ lưỡng. “Không chỉ là việc đưa toàn bộ sản phẩm, dịch vụ của mình lên hiện diện số, mà doanh nghiệp phải chuẩn bị đầy đủ cả hệ thống trước bán hàng, trong bán hàng và sau bán hàng một cách đồng bộ, ăn khớp với sản phẩm công nghệ số thời đại mới”, ông Tuyến nói.

THEO THÀNH VÂN

(Báo Đâu tư)