Đại dịch là cơ hội để doanh nghiệp tái cấu trúc và nhà quản lý nâng cấp bản thân
Dịch bệnh lan rộng với những biến thể mới đang tạo nên một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống, tác động đến mọi lĩnh vực ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Tuy nhiên, không phải khủng hoảng nào cũng chỉ có tiêu cực, bằng chứng là cũng có nhiều doanh nghiệp vẫn đang phát triển trong giai đoạn này, và Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia thu hút FDI thành công nhất khu vực và trên thế giới. Chính vì vậy, điều các doanh nghiệp cần làm hiện tại là cần tìm ra cơ hội trong khủng hoảng và không ngừng đổi mới sáng tạo để vượt qua và phát triển sau đó.
Để giúp các chủ doanh nghiệp, các nhà quản lý hay những cá nhân đang có ý định khởi nghiệp có thể tự tìm được hướng đi cho doanh nghiệp khi dịch bệnh đi qua, Chương trình Thạc sĩ Chất lượng cao BK-IMP, trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Tp.HCM đã tổ chức buổi hội thảo trực tuyến: “Quản trị tài chính đối với khởi nghiệp trong bối cảnh hậu khủng hoảng” với sự chia sẻ của TS. Nguyễn Thu Hiền, một giảng viên không chỉ có kinh nghiệm đào tạo, nghiên cứu mà còn có không ít những trải nghiệm thực tế.
Đi tìm cơ hội để đối phó với khủng hoảng
Theo báo cáo tháng 8/2021 của UBND TPHCM, làn sóng covid thứ tư đã có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với hoạt động của DN, dẫn đến số lượng doanh nghiệp xin tạm ngừng kinh doanh hoặc giải thể đã tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, đa số những doanh nghiệp này là doanh nghiệp trẻ, quy mô vừa và nhỏ… Vậy những hậu quả cụ thể do dịch bệnh gây ra là gì?
TS. Nguyễn Thu Hiền cho rằng cần cần phải thẳng thắn nhìn nhận một vài hậu quả nghiêm trọng nhất mà khủng hoảng gây ra đó là bất ổn trong môi trường kinh doanh dẫn đến khó dự đoán được xu hướng của môi trường kinh doanh toàn cầu và trong nước; chuỗi cung ứng bị gián đoạn do sức sản xuất và cung ứng của các nhà cung cấp trong chuỗi bị suy giảm hoặc ngừng hoạt động; các thách thức đối với DN trong việc duy trì dòng tiền, duy trì thanh khoản, đảm bảo an sinh cho người lao động. Từ ba hậu quả chính đó, diễn giả cũng đưa ra những giải pháp cơ bản để cho doanh nghiệp có thể tồn tại. Ví dụ như bên cạnh những giải pháp tự thân, nếu muốn thành công, doanh nghiệp chắc chắn phải thực hiện tái cấu trúc lại doanh nghiệp. Việc tái cấu trúc này cần dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo liên tục và chấp nhận thay đổi để hoạt động linh hoạt hơn, cũng như có khả năng phục hồi cao hơn khi nền kinh tế hoạt động trở lại.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến những đối tượng có thể giúp chúng ta vượt qua giai đoạn khó khăn. Hãy nhớ, chúng ta luôn luôn chỉ là một mắt xích trong chuỗi cung ứng. Chính vì vậy, chúng ta cần dựa trên thế mạnh của mình để tìm sự hỗ trợ từ những đối tác trong chuỗi cung ứng cùng nhau vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, việc tích cực trao đổi những vấn đề mình gặp phải để tìm sự đồng thuận và hỗ trợ của chính quyền cũng là một giải pháp mà doanh nghiệp không thể bỏ qua. Và đối tượng cuối cùng mà doanh nghiệp không thể bỏ qua chính là nhà đầu tư, họ là những người nắm trong tay nguồn vốn và cũng đang tìm cho mình cơ hội đầu tư. Vấn đề của doanh nghiệp là cần tìm được nhà đầu tư để đặt vấn đề tái cấu trúc doanh nghiệp.
Để người tham dự có thể hiểu rõ hơn về những giải pháp mà mình đã đưa ra, diễn giả cũng dành thời gian để phân tích những giải pháp cụ thể và hiệu quả mà các doanh nghiệp của Thái Lan và Mỹ, đã ứng phó với khủng hoảng sau khi nước họ bước vào giai đoạn bình thường mới. Từ đó, khách tham dự có thể nhận ra đâu là cơ hội của mình để tập trung theo đuổi nó.
“HIểu” nhà đầu tư để mắm bắt cơ hội cho mình
Tài chính là yếu tố quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp. Sau khi giới thiệu một số khái niệm cơ bản về dòng tiền trong kinh doanh, diễn giả cũng lưu ý việc áp dụng lý thuyết tài chính của doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ khác với hoàn toàn với những doanh nghiệp lớn trên thị trường. Và lời khuyên cho doanh nghiệp khởi nghiệp là phải hiểu rõ góc nhìn cũng như “nghệ thuật định giá” của nhà đầu tư nếu không muốn thất bại.
Hãy nhớ, ý tưởng mới cũng quan trọng nhưng phải biến ý tưởng đó thành sản phẩm và đưa được sản phẩm đó ra thị trường mới là điều tiên quyết để gọi vốn thành công. Nhà đầu tư thường chọn những sản phẩm có tốc độ tăng trưởng nhanh trước khi số tiền đầu tư hết.
Do đó, để hiểu được nhà đầu tư kiến thức và kỹ năng quản trị là điều vô cũng quan trọng nếu muốn dẫn dắt doanh nghiệp có thể gọi vốn thành công từ nhà đầu tư.
Trang bị kiến thức là sự chuẩn bị tốt nhất cho hậu khủng hoảng
Kiến thức và kỹ năng quản trị là điều vô cùng quan trọng. Và đây là thời điểm thích hợp mà nhà quản lý, người lao động hay cá nhân đang ấp ủ ý định khởi nghiệp nên trang bị bổ sung cho mình hai sức mạnh nền tảng đó để phục vụ cho việc tái cấu trúc, đổi mới sáng tạo khi Việt Nam có thể bước vào giai đoạn bình thường mới. Sự chuẩn bị của bạn trong giai đoạn này kỹ lưỡng bao nhiêu thì sẽ giúp bạn hạn chế thấp nhất rủi ro cho doanh nghiệp của mình trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, những kỹ năng tư duy hệ thống, tư duy phản biện, kỹ năng quản trị dựa trên công nghệ thông tin cũng là một trong những kiến thức cần được rèn luyện ngay lúc này nếu muốn trở thành một phiên bản lãnh đạo tốt hơn.
Chương trình Thạc sĩ Chất lượng cao BK-IMP ngành Quản trị kinh doanh của trường Đại học Bách Khoa Tp.HCM tập trung vào đổi mới sáng tạo mang đến cho các cá nhân, các nhà lãnh đạo những kiến thức và kỹ năng quản lý, cũng như những học phần chuyên môn về tài chính dành riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Chương trình MBA cũng giúp bạn mở rộng những mối quan hệ mới là giảng viên, bạn bè, những người sẽ giúp bạn có thêm những góc nhìn mới trong công việc và trong cuộc sống.
UYÊN HUỲNH