Gọi vốn “khủng” không đồng nghĩa với thành công
Hầu hết start-up đều nghĩ rằng, có ý tưởng độc đáo, được nhiều nhà đầu tư biết đến và gọi được vốn đầu tư là những yếu tố bảo chứng cho thành công, nhưng trên thực tế là chưa đủ.
“Khi khởi nghiệp, các bạn chủ yếu chia sẻ rằng, có ý tưởng rất hay. Nhưng ở thung lũng Silicon, ý tưởng là thứ rẻ nhất. Ý tưởng mà không biến được thành sản phẩm hay dịch vụ được nhiều người sử dụng, thì không có giá trị gì cả”. Đây là phát ngôn từng gây sốc của Trần Việt Hùng, nhà sáng lập, kiêm CEO GotIt! vào năm 2016.
Đến nay, sau 5 năm, thực tế này vẫn đang diễn ra. Nhiều người cho rằng, start-up là một công ty trẻ đã phát triển một ý tưởng kinh doanh độc đáo, nhằm tạo ra tác động tức thì và chiếm lĩnh thị trường, nhưng đó là một lầm tưởng nghiêm trọng. Họ tin vào quan niệm sai lầm này, vì những thành công của start-up thường được mô phỏng theo những “ngôi sao kỳ lân” như Mark Zuckerburg, Larry Page, Elon Musk, Jack Ma…
Ông Shawn Miller, nhà sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành SizeWize (ứng dụng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bán quần áo trực tuyến) chỉ ra rằng, lý do chính đằng sau thành công của các “ngôi sao kỳ lân” nói trên nằm ở mô hình kinh doanh, định vị sản phẩm và trải nghiệm khách hàng, chứ không chỉ là sự độc đáo trong ý tưởng.
Ví dụ, Facebook không phải là mạng xã hội đầu tiên, mà là bản sao của House System và Myspace. Google không phải là công cụ tìm kiếm đầu tiên, mà Overture đã làm trước đó…
Điều đó cho thấy, ý tưởng khởi nghiệp cần được đánh thức bằng những hành động cụ thể và nó chỉ có giá trị khi được kết hợp với quá trình triển khai hiệu quả để người tiêu dùng nhận ra, đó là sản phẩm, dịch vụ mà họ muốn sử dụng nhất.
Lầm tưởng thứ hai mà nhiều start-up mắc phải là “hữu xạ tự nhiên hương”. Nhiều start-up đã xây dựng công ty trong nhiều năm, đầu tư thời gian, năng lượng và tin rằng, các nhà đầu tư sẽ nhận thấy sự chăm chỉ này. Nhưng trên thực tế, nếu chỉ tập trung vào xây dựng sản phẩm rồi đưa ra thị trường mà không có bất kỳ chương trình, hoạt động tương tác nào với người tiêu dùng, thì sản phẩm/dịch vụ đó có thể thất bại.
“Là một doanh nhân và người sáng lập công ty khởi nghiệp, hầu hết thời gian của bạn cần được đầu tư vào sản phẩm và truyền bá ý tưởng về sản phẩm như thường xuyên nói chuyện với khách hàng mục tiêu để hiểu vấn đề và kỳ vọng của họ, thậm chí là tìm hiểu lý do tại sao họ sẽ nói không với sản phẩm, dịch vụ của mình, rồi tập trung giải quyết những vấn đề đó”, ông Shawn Miller chia sẻ.
Lầm tưởng phổ biến thứ ba của các start-up là dành quá nhiều thời gian vào việc huy động vốn, thậm chí mong muốn tìm kiếm được nhà đầu tư rót tiền trước khi bản thân các nhà sáng lập tự đầu tư vào chính công ty của mình.
Khi tiếp xúc với nhiều nhà sáng lập start-up ở Việt Nam, bà Hoàng Thị Kim Dung, chuyên viên tư vấn đầu tư tại Genesia Ventures cảm thấy “xót” cho các start-up khi họ đang phải dành quá nhiều thời gian cho việc gọi vốn. Bà Dung tin rằng, gọi vốn không phải là mục tiêu của khởi nghiệp và việc có được một vòng gọi vốn “khủng” chắc chắn không phải là bảo chứng cho sự thành công. Theo bà, start-up chỉ nên dành 5% nguồn lực trong việc gọi vốn.
“Start-up Việt cần có những cách làm khác biệt, hiệu quả hơn để có thể tiếp cận dòng vốn đầu tư nhanh hơn. Từ đó, đội ngũ có thể có thêm nhiều thời gian để tập trung vào nhiệm vụ quan trọng hơn cả, là phát triển sản phẩm và kinh doanh”, bà Dung chia sẻ.
THEO PHÚC TẠ