Doanh nghiệp Việt ngại chuyển đổi số vì thiếu tiền
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu hiện nay, nhưng không ít doanh nghiệp Việt vẫn đang đứng ngoài vì thiếu nguồn lực để thực hiện.
Với thị trường nội địa gần 100 triệu người, 72% dân số đang sử dụng điện thoại thông minh, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN. Kinh tế số của Việt Nam năm 2021 đạt giá trị 21 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp hơn 5% GDP của đất nước.
Dự kiến, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt 57 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ hai Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng 29%/năm.
Tuy nhiên, thực tế việc nền kinh tế Việt Nam có thể tận dụng và nắm bắt cơ hội này hay không lại phụ thuộc nhiều vào quá trình số hóa và chuyển đổi số của các doanh nghiệp.
Chia sẻ tại diễn đàn "Đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chuyển đổi số" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tập đoàn Meta tổ chức, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, năm 2021 Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động ban hành chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu 100% doanh nghiệp Việt Nam đều được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số điển hình thành công”.
Sau gần hai năm thực hiện, chương trình đã phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp triển khai nhiều hoạt động và đạt được kết quả tích cực ban đầu.
Mặc dù vậy, khảo sát gần đây do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với USAID thực hiện cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn, vướng rào cản khi tiến hành chuyển đổi số. 60,1% doanh nghiệp lo ngại chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao; 52,3% doanh nghiệp thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số, thay đổi thói quen của doanh nghiệp, người lao động...
Do vậy, thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với các cơ quan đối tác trong và ngoài nước huy động nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp khắc phục khó khăn, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thành công.
"Để đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đi vào thực chất, hiệu quả, có sức lan tỏa thì ngoài sự tham gia của bộ, ngành, địa phương, sự nỗ lực và đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức thì còn cần sự chung tay của toàn xã hội. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, doanh nghiệp để triển khai mạnh mẽ các chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Cũng tại sự kiện, ông Bùi Trung Nghĩa, Phó chủ tịch VCCI khẳng định việc chuyển đổi số không diễn ra một sớm một chiều và có không ít những khó khăn trong quá trình triển khai đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhìn chung, các thách thức phổ biến mà nhóm doanh nghiệp này thường gặp trong quá trình chuyển đổi số vẫn là các vấn đề về: nhận thức và sự cam kết của lãnh đạo đối với chuyển đổi số, lựa chọn công nghệ và sự sẵn có hệ sinh thái số cần thiết, con người và năng lực triển khai của tổ chức, cùng với những thách thức về nguồn lực.
"Để thành công, doanh nghiệp cần được cung cấp đầy đủ thông tin để hiểu đúng và lựa chọn cho mình chiến lược và lộ trình chuyển đổi số hiệu quả. Về định hướng, cần phải khẳng định, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp là quan trọng nhất. Chiến lược chuyển đổi số là một phần của chiến lược kinh doanh. Chuyển đổi số phải được thực hiện dựa trên với năng lực và thực trạng của doanh nghiệp và phải hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”.
"Nếu thực hiện chuyển đổi số mà doanh nghiệp khó khăn hơn trong vận hành, kết quả kinh doanh chậm cải thiện thì chưa thể coi là thành công", đại diện VCCI khẳng định.
THEO NHUNG BÙI
(Báo Đầu tư)