Kết nối sáng tạo: Tìm giải pháp chuyển đổi số tăng cường hiệu quả quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học tại Sở Y tế TP.HCM

Hiện nay, việc quản lý thực hiện theo phương pháp thủ công nên còn tồn tại nhiều khó khăn khi thực hiện công tác thống kê - báo cáo, khó phát hiện sự trùng lắp.

Ngày 22/12/2022, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp cùng Sở Y tế tổ chức sự kiện Kết nối sáng tạo tháng 12 với chủ đề “Chuyển đổi số trong quản lý hoạt động khoa học công nghệ ngành y tế TP.HCM”.

Tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu (Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM) chia sẻ, hầu như các cơ sở, đơn vị khám chữa bệnh – đặc biệt là ở các bệnh viện - đều triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ, từ các sáng kiến đến các thử nghiệm lâm sàng, thử nghiệm kỹ thuật mới trong nghiên cứu y học, điều trị và chăm sóc sức khỏe con người. Mỗi đơn vị tự xây dựng và vận hành quy trình nghiên cứu khoa học riêng, có hội đồng cơ sở riêng, nhưng phần lớn là thực hiện thủ công, sử dụng hồ sơ giấy nên khó phát hiện sự trùng lắp.

Thực tế cho thấy, số lượng các sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học, nhiệm vụ khoa học công nghệ… do các đơn vị ở Sở Y tế TP.HCM triển khai thực hiện hàng năm trung bình từ 1.500 đến 2.000 đề tài. Các đề tài có thể kéo dài 2-5 năm. Tuy nhiên, do chưa có cơ sở dữ liệu để quản lý thống nhất trong ngành nên mỗi khi thực hiện công tác báo cáo thì hầu như phải làm lại từ đầu. Trong khi đó, nhân sự làm công tác quản lý nghiên cứu khoa học thường xuyên biến động. Đồng thời, chưa có sự kết nối giữa khối y tế công và tư, giữa các hội khoa học chuyên ngành cũng chưa có sự chia sẻ dữ liệu.

Do đó, Sở Y tế TP.HCM mong muốn tìm được giải pháp quản lý tốt hơn. Cụ thể, dùng phần mềm để quản lý, phân loại tự động các sáng kiến, nghiên cứu khoa học công nghệ theo từng nhóm lĩnh vực của ngành y tế. Phần mềm hỗ trợ nộp hồ sơ đăng ký trực tuyến để giải quyết các nhiệm vụ hành chính, hỗ trợ kết nối và tra cứu bằng thiết bị thông minh, phục vụ công tác thống kê – phân tích - báo cáo.

Đại diện đến từ các doanh nghiệp, nhà khoa học và chuyên gia tham dự sự kiện cho rằng ngành y tế TP.HCM cần xây dựng ngân hàng dữ liệu, có chuyên gia về dữ liệu, để tạo sự đồng bộ trước khi quyết định ứng dụng giải pháp chuyển đổi số nào vào công tác quản lý. Bên cạnh đó, cần xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với xu thế, vừa giảm thiểu áp lực cho đội ngũ quản lý vừa đánh giá được năng lực khoa học – công nghệ của ngành y tế.

Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) góp ý bài toán đặt hàng cần phải được làm rõ và chi tiết hóa vấn đề hơn nữa, để doanh nghiệp công nghệ hiểu và nhận đặt hàng. Theo đó, bên đặt hàng cần có góc nhìn tổng thể về quy trình vận hành, xác định mục tiêu muốn gì, cần cải thiện ở giai đoạn nào, bước nào của quy trình vận hành. Cách tiếp cận vấn đề phải đặt ra được yêu cầu cụ thể để có thể giải quyết ngay được điểm nghẽn, từ đó tăng cường hiệu quả của quy trình vận hành.

Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) góp ý tại sự kiện.

Bên cạnh đó, khi lựa chọn đơn vị cung ứng công nghệ, có thể tìm những đơn vị đã có sản phẩm tương tự để dễ chỉnh sửa, lắp ghép theo module thì mới nhanh có sản phẩm để triển khai ứng dụng ngay lập tức. Chứ còn đợi thiết kế mới từ đầu thì phải rất lâu nữa mới ra được sản phẩm.

Sự kiện là dịp gặp gỡ cộng đồng để chia sẻ các ý tưởng, giải pháp đổi mới sáng tạo nhằm làm rõ, thiết kế giải pháp giải quyết các vấn đề, bài toán trong thực tiễn, từ đó thúc đẩy hoạt động khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế ở TP.HCM giai đoạn 2022-2022.

Đối tượng khách mời tham dự sự kiện là các chuyên gia, nhà khoa học ở Viện – trường, tổ chức khoa học công nghệ, doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số trong điều hành, quản trị ngành y tế.

Hoàng Kim (CESTI)