Start-up xây dựng niềm tin với nhà đầu tư “hậu” gọi vốn

Việc start-up báo cáo định kỳ đầy đủ các chi tiết (cả tích cực và tiêu cực) cho nhà đầu tư “hậu” gọi vốn sẽ giúp hai bên thêm thấu hiểu và cùng nhau “cất cánh”.

Hình minh họa.

Fundiin có lẽ là một trong những start-up tại Việt Nam đã và đang làm rất tốt việc xây dựng niềm tin với nhà đầu tư. Hiện Fundiin là công ty dẫn đầu thị trường giải pháp mua ngay trả sau (buy now, pay later - BNPL) tại Việt Nam.

Tháng 9/2021, start-up này kết thúc một vòng hạt giống được dẫn dắt bởi Quỹ Genesia Ventures (Nhật Bản) với vốn đầu tư vượt nhu cầu và hoàn thành trong vòng 3 tuần sau khi bắt đầu, trị giá 1,8 triệu USD. 

Genesia Ventures dẫn dắt vòng gọi vốn vào Fundiin trong những tháng dịch Covid-19 căng thẳng nhất tại TP.HCM. Chỉ qua môi trường trực tuyến, với việc giao tiếp, xây dựng mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau, họ vẫn thực hiện và hoàn thành thương vụ đầu tư trong 1 tháng.

“Hậu” gọi vốn, đồng sáng lập Fundiin - Nguyễn Ảnh Cường luôn cố gắng duy trì mối quan hệ tin tưởng với các nhà đầu tư bằng cách gửi báo cáo hàng tháng của Fundiin qua email rất chỉn chu.

Bà Hoàng Thị Kim Dung, nhà đầu tư đến từ Genesia Ventures chia sẻ, nhiều nhà sáng lập nghĩ, sau khi nhận vốn đầu tư, việc gửi báo cáo hàng tháng cho các nhà đầu tư là hành động một chiều, tốn thời gian, không mang lại hiệu quả, nên có cảm giác bị bắt buộc phải làm chỉ vì có điều khoản ràng buộc trong hợp đồng đầu tư. Tuy nhiên, những suy nghĩ đó không còn phù hợp. Việc Fundiin tối ưu hóa thời gian làm báo cáo và đã đổi lại được những hiệu quả hơn mong đợi là minh chứng.

Theo nhà sáng lập Fundiin, trong quá trình tổng hợp làm báo cáo hằng tháng cho các nhà đầu tư của Fundiin, do phần lớn số liệu trong báo cáo cần thời gian để được chiết xuất từ hệ thống quản lý nội bộ, nên để tối ưu hóa thời gian, nhà sáng lập Fundiin chủ động phân bổ từng mục trong báo cáo cho các phòng, ban liên quan thực hiện định kỳ, sau đó, anh chỉ cần kiểm tra lần cuối và bổ sung thêm các thông tin quan trọng.

Bà Dung nhấn mạnh, không chỉ đạt hiệu quả về mặt tối ưu hóa thời gian, hoạt động báo cáo định kỳ dành cho nhà đầu tư còn đem lại những bất ngờ về mặt tối ưu hóa việc xây dựng niềm tin và sự hỗ trợ từ nhà đầu tư dành cho start-up.

Nhà đầu tư không muốn chỉ nhìn thấy những ý tưởng kinh doanh, mà còn muốn nhìn thấy các kế hoạch, hành động hiệu quả tiến đến mục tiêu thực hiện ý tưởng đó. Trong báo cáo gửi nhà đầu tư, luôn cần có những thông tin cập nhật về các kế hoạch, chiến lược, các mục tiêu tài chính, KPI. Qua đó, các nhà đầu tư sẽ hiểu được start-up đã, đang và sắp làm gì để biến ý tưởng, tầm nhìn thành hiện thực. Càng hiểu rõ quá trình phát triển đó của start-up, nhà đầu tư sẽ càng tin tưởng vào khả năng thực thi của đội ngũ start-up, qua đó họ có thể tiếp tục đầu tư ở các vòng gọi vốn tiếp theo.

Các nhà đầu tư cũng không ngại những thông tin tiêu cực như tăng trưởng chậm, các vấn đề nội bộ phát sinh…, bởi họ hiểu, đây là điều tất yếu. Thậm chí, nếu nhà sáng lập chia sẻ rõ lý do dẫn đến kết quả tiêu cực và kế hoạch cải thiện sắp tới một cách rõ ràng, thuyết phục, thì sẽ ghi điểm nhiều hơn trong mắt nhà đầu tư.

Tuy nhiên, bà Dung cho rằng, để giao tiếp hiệu quả với nhà đầu tư, nhà sáng lập cần thống nhất trước với nhà đầu tư về những chỉ số quan trọng cần có trong báo cáo của mình. Với những nhà sáng lập không có lợi thế về ngoại ngữ, khi giao tiếp với nhà đầu tư ngoại, nên tận dụng hình thức báo cáo hằng tháng bằng văn bản, hơn là bằng buổi họp nói chuyện trực tiếp.

Tiếp theo, nhà sáng lập có thể chuẩn hóa mẫu báo cáo của mình, để đảm bảo tài liệu báo cáo có đầy đủ những thông tin quan trọng được cập nhật tới nhà đầu tư một cách chính xác, nhất quán và dễ theo dõi.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng muốn được nhìn thấy trong báo cáo của start-up những điều tích cực đã đạt được; hạn chế hay chưa đạt được, kèm theo kế hoạch cải thiện; những điểm ưu tiên tập trung; doanh thu, chi phí, số tiền hiện có, 1 - 3 chỉ số KPI; kế hoạch tuyển dụng nhân sự; những yêu cầu hỗ trợ từ nhà đầu tư...

THEO NHÃ UYÊN

(Báo Đầu tư)