VIISA đầu tư vào start-up công nghệ giáo dục SHub

VIISA - quỹ đầu tư mạo hiểm vào các công ty khởi nghiệp giai đoạn sớm vừa công bố khoản đầu tư mới nhất vào Công ty cổ phần Công nghệ giáo dục SHub.

SHub là một nền tảng cung cấp các giải pháp dạy, học trực tuyến với các thao tác quản lý lớp học, duy trì tương tác giữa giáo viên, phụ huynh và học sinh. 

Hiện, start-up này có hơn 200 đối tác là trường học, hơn 100.000 giáo viên và hơn 3 triệu học sinh sử dụng.

Sự ra đời của SHub là thành quả của Nguyễn Đăng An và nhóm bạn đại học sau hành trình nỗ lực tạo ra nhiều ứng dụng có tính thực tiễn phục vụ việc học và dạy ở trường. 

Cả nhóm đều trải qua các cấp học trong hệ thống giáo dục truyền thống, do đó họ kỳ vọng lợi ích và tiềm năng của giáo dục trực tuyến sẽ được khai thác tốt hơn.

Nguyễn Đăng An, nhà sáng lập SHub kỳ vọng, start-up này có thể hiện thực hoá tầm nhìn đưa việc học trực tuyến trở thành nhu cầu cơ bản trong cuộc sống và dạy trực tuyến thành nghề mang lại thu nhập cao. 

“Chúng tôi đã tiếp cận nhiều Quỹ, tuy nhiên quyết định đồng hành cùng VIISA vì những định hướng mà Quỹ đã đưa ra. Thay vì chỉ xem xét nền tảng đội ngũ, VIISA đã dành nhiều thời gian để trao đổi và hiểu rõ về những gì SHub đã và đang làm được”, Nguyễn Đăng An chia sẻ sau thoả thuận nhận đầu tư từ VIISA. 

Nguyễn Đăng An (thứ ba từ phải sang) cùng đội ngũ vận hành SHub. (Nguồn: VIISA).

Trong khi đó, ông Võ Hiếu, đồng sáng lập kiêm Giám đốc tài chính VIISA đánh giá cao ở SHub về khả năng cung cấp một giải pháp đào tạo trực tuyến gần gũi với đào tạo truyền thống, dễ dàng sử dụng cũng như có tính năng giao bài, sửa và chấm điểm bài tập, bài thi trực tuyến.

Các tính năng này được kỳ vọng giúp học sinh và giáo viên có thể tối ưu thời gian sử dụng thông qua nền tảng cũng như giảm số lượng thao tác không cần thiết.

Theo VIISA, Covid-19 bùng phát từ năm 2020 đã thúc đẩy chuyển đổi số trong thị trường giáo dục ở Việt Nam.

Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng để phát triển quá trình dạy - học trực tuyến khi có hơn 70% dân số sử dụng Internet, với người dùng chủ yếu là giới trẻ có nhu cầu học tập liên tục cũng như chi tiêu cho giáo dục chiếm 5,8% GDP.

“VIISA kỳ vọng trong ngắn hạn, SHub có thể cùng thúc đẩy thị trường giáo dục trực tuyến ở Việt Nam đạt hai mục tiêu. Một là tăng tốc độ chuyển đổi số ở các trung tâm dạy học, ôn luyện thuộc quy mô nhỏ và vừa và hai là giúp giảm tổng thời gian mà các đối tượng liên quan như trường, trung tâm và phụ huynh phải tham gia vào các lớp học”, ông Võ Hiếu chia sẻ.         

THEO HỒNG PHÚC

(Báo Đầu tư)